Lựa chọn mô hình 'Đổi mới sáng tạo' nào cho dầu khí Việt Nam?

Có một thực tế là trong nhiều năm qua khi giá dầu ở mức cao, các công ty dầu khí chủ yếu tập trung tối ưu hóa sản xuất (gia tăng trữ lượng, tối ưu sản lượng, giảm chi phí) nhưng ít chú trọng vào các hoạt động đổi mới sáng tạo mang tính đột phá.

Nguyên nhân các tập đoàn dầu khí quốc tế có phần "tụt lại" trong đường đua đổi mới của kỷ nguyên số bắt nguồn từ việc dầu khí là ngành kỹ thuật phức tạp, nhiều rủi ro nên chi phí đầu tư cho việc nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ lớn, thời gian thử nghiệm kéo dài.

Trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo tốt nhất thế giới năm 2019 của BCG chỉ có 2 công ty dầu khí đứng trong Top 50 (Royal Dutch Shell xếp hạng 30 và BP xếp hạng 46). Đến năm 2020, chỉ còn lại Royal Dutch Shell là công ty dầu khí duy nhất nằm trong Top 50. Có thể thấy rằng năng lực đổi mới sáng tạo của các công ty dầu khí trên thế giới nhìn chung còn thấp so với các ngành khác.

Pin mặt trời liên tục có đột phá nên ngày càng rẻ, bền và phù hợp hơn.

Pin mặt trời liên tục có đột phá nên ngày càng rẻ, bền và phù hợp hơn.

Các công ty dầu khí gần đây đã đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển công nghệ để thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng và nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh giá dầu ở mức thấp trong thời gian dài.

Khác với các hoạt động nghiên cứu và phát triển, hoạt động đầu tư vào các công ty công nghệ mới, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp (startup) của các công ty dầu khí thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm (Corporate Venture Capital) tăng nhanh và khá đều trong khoảng 10 năm gần đây.

Các lĩnh vực công nghệ được ưu tiên gồm: Các công nghệ sạch (Cleantech) về năng lượng tái tạo và các thế hệ pin tiên tiến, công nghệ vật liệu thay thế cho các sản phẩm hóa dầu (Alternative material), công nghệ giảm thiểu tác động môi trường của các hoạt động năng lượng như thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon (carbon capture, storage, and utilization), nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các hộ gia đình và hiệu quả sử dụng nhiên liệu của các phương tiện giao thông vận tải.

Mặt khác, các công ty dầu khí cũng đầu tư vào công nghệ để tối ưu hóa các hoạt động sản xuất bao gồm công nghệ phân tích dữ liệu, internet vạn vật (IoT). Xu hướng này cho thấy các công ty dầu khí đã thay đổi chiến lược từ việc tự nghiên cứu phát triển công nghệ sang mô hình mở thông qua việc hợp tác, đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ để tìm kiếm giải pháp cho việc tối ưu hóa các hoạt động sản xuất cũng như tạo ra sự đột phá trong dài hạn.

Trước đây, các công ty dầu khí trên thế giới đều hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển, nơi phát kiến các ý tưởng tiềm năng, thực hiện sự phát triển từ ý tưởng cho đến sản phẩm. Để thực hiện việc này, các công ty đầu tư nguồn vốn lớn để xây dựng hạ tầng, tuyển dụng và sử dụng các nhân tài xuất sắc, bảo vệ tài sản trí tuệ được hình thành từ bộ phận nghiên cứu phát triển.

Với mô hình này, các công ty dầu khí có lợi thế trở thành người tiên phong trên thị trường, tính cạnh tranh được đảm bảo bởi sự độc quyền sản phẩm mới. Lợi nhuận thu được từ việc cung cấp các sản phẩm mới độc quyền trên thị trường một phần được trích lại để tái đầu tư cho bộ phận nghiên cứu phát triển, sẵn sàng cho một chu trình đổi mới tiếp theo. Mô hình này được gọi là mô hình đổi mới sáng tạo đóng.

Rosneft ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo cho các giàn khoan tại khu vực Orenburg.

Tuy nhiên trong kỷ nguyên của kinh tế số với các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tốc độ phát triển nhanh của công nghệ, do nhu cầu thị trường và hành vi của khách hàng không ngừng thay đổi, chỉ có rất ít doanh nghiệp trên thế giới có thể tự tin nghiên cứu và phát triển công nghệ mới theo kiểu khép kín mà không tích hợp các sáng kiến và ý tưởng từ bên ngoài doanh nghiệp.

Việc sáng tạo các công nghệ và tri thức mới ngay bên trong tổ chức thường tốn kém, đòi hỏi đầu tư lớn vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, kèm theo rủi ro lớn vì công nghệ mà doanh nghiệp làm ra chưa chắc đáp ứng và phù hợp với nhu cầu của thị trường và khách hàng. Do đó, các công ty dầu khí trên thế giới hiện nay chủ yếu đã chuyển đổi sang mô hình đổi mới sáng tạo mở.

Trong mô hình đổi mới sáng tạo mở, các dự án nghiên cứu, phát triển, ứng dụng thử nghiệm công nghệ được kết hợp giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài tổ chức, tạo ra những dòng chảy tri thức để tận dụng tối đa các cơ hội mới, đẩy nhanh quá trình hình thành các sản phẩm hoặc các công nghệ có khả năng thương mại hóa sớm.

Ngay cả công ty dầu khí lớn nhất thế giới, Exxon Mobil, vốn trung thành với chiến lược tự chủ nghiên cứu ngày nay cũng phải hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và công ty khởi nghiệp (startup) để nghiên cứu các công nghệ mới, đặc biệt công nghệ trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học tiên tiến, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Viện Dầu khí Việt Nam đang hoạt động như một đối tác chiến lược về khoa học công nghệ của các doanh nghiệp dầu khí.

Có nhiều mô hình đổi mới sáng tạo mở với quy mô áp dụng và mức độ mở khác nhau, tuy nhiên đối với các công ty dầu khí trên thế giới và khu vực hiện nay có 4 mô hình phổ biến.

Thứ nhất là mô hình tìm kiếm ý tưởng từ đám đông (crowdsourcing): Các công ty xây dựng các đầu bài kỹ thuật hay các thách thức về công nghệ cần giải quyết và công bố rộng rãi để kêu gọi các đề xuất ý tưởng từ cả trong và ngoài tổ chức. Các đề xuất sau đó sẽ được đánh giá, lựa chọn và được tập đoàn hỗ trợ địa điểm thử nghiệm và các vấn đề về kỹ thuật để triển khai, kinh phí thực hiện sẽ do bên cung cấp giải pháp tự bỏ kinh phí hoặc được hỗ trợ tùy từng trường hợp.

Quy mô thực hiện thường ở mức nghiên cứu thăm dò, kiểm chứng ý tưởng (Proof of Concept) hoặc thử nghiệm quy mô pilot. Nếu kết quả thử nghiệm thành công, các tập đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ để triển khai ở quy mô lớn hơn. Mô hình này hiện nay đang được Petronas, PTTGC triển khai.

Thứ hai là mô hình vườn ươm/tăng tốc khởi nghiệp (incubator, accelerator): Mô hình này giúp kết nối và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp về công nghệ đồng thời cũng nhằm mục đích tìm kiếm những ý tưởng, giải pháp mới, đột phá từ các startup.

Trong mô hình này, các công ty dầu khí thường đưa ra các hướng công nghệ quan tâm để kêu gọi các startup đã phát triển giải pháp, công nghệ phù hợp có thể đăng ký tham gia. Nếu được lựa chọn, các startup sẽ được hỗ trợ về kinh phí, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cùng với sự tư vấn của các chuyên gia để đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, hoàn thiện giải pháp, công nghệ để tiến tới thương mại hóa.

Các công ty có thể tự xây dựng các chương trình của riêng mình hoặc phối hợp với bên thứ ba như các sàn công nghệ để kêu gọi, kết nối với các công ty khởi nghiệp. Thời gian hỗ trợ thông thường của các chương trình tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) là từ 3 - 12 tháng, còn đối với vườn ươm (incubator) là từ 1 - 5 năm. Điển hình cho mô hình này là chương trình Game Changer của Royal Dutch Shell, trong đó các hướng công nghệ được ưu tiên là các công nghệ cho chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số và các công nghệ phục vụ cho các hoạt động dầu khí.

Ngoài ra, Equinor cũng hợp tác với sàn công nghệ Techstar triển khai chương trình Equinor & Techstar Energy Accelerator để hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp cho các startup công nghệ trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng tái tạo và chuyển đổi số.

Giàn khai thác tại mỏ Sư Tử Trắng được ứng dụng nhiều giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu.

Mô hình được các tập đoàn dầu khí lựa chọn nhiều nhất là mô hình "đối tác chiến lược" (Strategic partnership): Công nghệ của ngành dầu khí thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thử nghiệm kéo dài. Đối tác chiến lược là mô hình phù hợp và phổ biến nhất trong ngành dầu khí hiện nay.

Thông qua mô hình này, các công ty dầu khí xây dựng các chương trình hợp tác với các đối tác chiến lược như các trường đại học, viện nghiên cứu, các công ty dịch vụ, công nghệ để triển khai các hoạt động thử nghiệm, ứng dụng, thương mại hóa các công nghệ để phục vụ cho chiến lược phát triển của mình trên cơ sở khai thác thế mạnh của các bên tham gia.

Mô hình này đang được triển khai rộng rãi trên thế giới, trong đó ExxonMobil đang hợp tác với hơn 80 trường đại học trên toàn thế giới và các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tại Mỹ. Theo đó, ExxonMobil đã đầu tư 100 triệu USD vào chương trình hợp tác chiến lược với 2 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về năng lượng tái tạo và công nghệ năng lượng để phát triển và thương mại hóa các công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sản xuất của ExxonMobil.

Cuối cùng là mô hình Quỹ đầu tư mạo hiểm (Corporate Venture Capital) là mô hình mở nhất và bao trùm toàn bộ các hoạt động của quá trình phát triển công nghệ từ nghiên cứu tìm kiếm, thăm dò cho đến thương mại hóa công nghệ.

Trong mô hình này, các công ty thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động độc lập để đầu tư vào các công ty công nghệ có các giải pháp phù hợp với chiến lược phát triển của mình, đồng thời hỗ trợ sự tăng trưởng của các công ty công nghệ này để có thể thu được lợi nhuận trong dài hạn.

Các công ty dầu khí lớn trong khu vực và trên thế giới hiện nay đều đã thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm với quy mô vài trăm triệu USD như Chevron đã thành lập Quỹ đầu tư cho năng lượng tương lai (Future Energy Fund) với vốn ban đầu 100 triệu USD hay Petronas đã thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm với vốn ban đầu 350 triệu USD trong năm 2019 để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp sở hữu các công nghệ phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ vật liệu tiên tiến, hóa chất đặc biệt, hay năng lượng mới.

Qua 50 năm phát triển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xây dựng cơ bản 5 lĩnh vực quan trọng gồm: Thăm dò khai thác dầu khí - Dịch vụ dầu khí - Hóa dầu - Công nghiệp khí và Công nghiệp điện. Đã đến lúc ngành Dầu khí Việt Nam cần lựa chọn một đối tác chiến lược phát triển công nghệ, nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư cũng như tìm ra đột phá cho năng lượng quốc gia.

Thành Công

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/lua-chon-mo-hinh-doi-moi-sang-tao-nao-cho-dau-khi-viet-nam-577442.html