Lựa chọn kỹ lưỡng sách giáo khoa lớp 2, lớp 6

Sáng 13/4, BCĐ tỉnh về đổi mới chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 đã họp để nghe báo cáo kết quả chọn SGK lớp 2, lớp 6. Từ đó, có những định hướng để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2 và lớp 6.

Cán bộ quản lý, GV các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tham quan gian trưng bày SGK lớp 2, lớp 6 của các NXB.

Cán bộ quản lý, GV các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tham quan gian trưng bày SGK lớp 2, lớp 6 của các NXB.

QUY TRÌNH LỰA CHỌN BÀI BẢN

Tại cuộc họp, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, kết quả lựa chọn SGK lớp 2 của các Hội đồng, có 8 đầu sách, trong đó có 6 đầu sách của NXB Giáo dục Việt Nam và 2 đầu sách của NXB ĐH Sư phạm. Về SGK lớp 6, có 11 đầu sách của NXB Giáo dục Việt Nam và 1 đầu sách của NXB ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Nói rõ hơn về quy trình lựa chọn SGK, bà Trần Thị Ngọc Châu cho biết, căn cứ Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành tiêu chí lựa chọn SGK từ tháng 1/2021. Sau đó, Sở đã hướng dẫn trường triển khai cho GV nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới, các quy định, tiêu chí về việc lựa chọn SGK, các clip giới thiệu sách và bản mầu SGK điện tử. Từ ngày 9 đến 12/3, các NXB đã tổ chức giới thiệu trực tiếp và trực tuyến các bộ SGK và gửi SGK bản in về cho các trường nghiên cứu. Trên cơ sở đó, các trường tổ chức lựa chọn, đề xuất SGK. Kết quả lựa chọn được báo cáo về Phòng GD-ĐT tổng hợp và gửi về Sở GD-ĐT. Sở đã chuyển kết quả này cho Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh xem xét, thảo luận, phản biện và bỏ phiếu kín để đưa ra danh mục SGK phù hợp nhất.

“Mỗi bộ SGK đều có những ưu điểm, khuyết điểm riêng. Bộ SGK được Hội đồng lựa chọn không phải là bộ sách hoàn hảo nhưng là ưu việt nhất cho HS của BR-VT, phù hợp nhất với các tiêu chí lựa chọn SGK do UBND tỉnh đưa ra”, bà Trần Thị Ngọc Châu nhấn mạnh. Bà Châu cho biết thêm, có 4 tiêu chí được coi là nền tảng trong lựa chọn sách. Trước hết, đó là sự phù hợp với năng lực học tập của HS; tạo điều kiện cho GV đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Bên cạnh đó, việc chọn SGK phải phù hợp với các yếu tố đặc thù của địa phương; phù hợp với điều kiện bảo đảm chất lượng và kế hoạch giáo dục của địa phương.

Nói thêm về quy trình lựa chọn SGK tại cơ cở, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu cho biết: “Trong quá trình lựa chọn SGK, ngoài đề xuất của GV, các nhà trường còn mời thêm đại diện phụ huynh HS cùng tham gia. Sau khi tổng hợp kết quả đề xuất của các cơ sở giáo dục trên địa bàn, Phòng GD-ĐT thành phố đã tiến hành thêm một bước là chuyển cho Hội đồng bộ môn cấp thành phố thảo luận và kết quả quả lựa chọn rất thống nhất”.

Tại buổi làm việc, các thành viên BCĐ nhận định quy trình lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 đã được triển khai một cách bài bản, kỹ lưỡng theo đúng quy định. Kết quả lựa chọn SGK của Hội đồng lựa chọn SGK và đề xuất của các cơ sở giáo dục có sự thống nhất cao. Những đầu sách được các nhà trường đề xuất cũng chính là những đầu sách được Hội đồng xem xét, lựa chọn, chứng tỏ các cơ sở giáo dục và thành viên hội đồng chọn SGK đã làm việc hết sức trách nhiệm, kỹ lưỡng.

Cán bộ quản lý, GV các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tham quan gian trưng bày SGK lớp 2, lớp 6 của các NXB.

TẬN DỤNG ƯU ĐIỂM CỦA NHỮNG ĐẦU SÁCH KHÔNG ĐƯỢC CHỌN

Tại cuộc họp, ông Trương Đức Nghĩa, Phó Tổng Biên tập Báo BR-VT, thành viên BCĐ đặt vấn đề: “Có những đầu sách tỷ lệ chọn có sự chênh lệch không nhiều. Đơn cử như môn Giáo dục thể chất lớp 6, theo danh mục đề xuất của các cơ sở giáo dục, đầu sách được lựa chọn nhiều nhất đạt 35,6%, hai đầu sách còn lại đạt 32,2%. Tỷ lệ này có phản ánh gì về chất lượng của sách và đã thực sự thuyết phục hay chưa?”.

Giải đáp về vấn đề này, bà Trần Thị Ngọc Châu cho hay, trong danh mục đề xuất của các cơ sở giáo dục, một số đầu sách có tỷ lệ chọn tương đương. Tuy nhiên, đề xuất này chỉ mang tính tham khảo, còn lựa chọn của hội đồng mới mang tính chất quyết định. Trong quá trình làm việc, các thành viên hội đồng (đều là những “đầu tàu” của các địa phương trong từng bộ môn) đã làm việc một cách khách quan, thẳng thắn nêu lên những ưu, khuyết điểm của từng đầu sách, phản biện lẫn nhau, bỏ phiếu kín để chọn ra đầu sách phù hợp nhất. Kết quả chọn SGK của hội đồng có sự khác biệt rõ ràng về tỷ lệ lựa chọn giữa các đầu sách. Các đầu sách được hội đồng lựa chọn đều đạt trên 50%. Ví dụ, môn Giáo dục thể chất lớp 6, đầu sách được hội đồng lựa chọn có tỷ lệ là 76,2%.

ÔNG TRẦN VĂN TUẤN, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH

Có chính sách hỗ trợ HS nghèo về SGK cho năm học mới

Căn cứ kết quả lựa chọn SGK của các hội đồng, UBND tỉnh sẽ ban hành danh mục SGK lớp 2 và lớp 6 thống nhất để sử dụng trong các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, giá SGK mới cao hơn so với bộ SGK hiện hành, do đó, ngành GD-ĐT cần đẩy mạnh công tác truyền thông, làm rõ lý do lựa chọn danh mục sách cũng như những ưu điểm của bộ SGK được chọn, đồng thời có chính sách hỗ trợ HS nghèo có SGK cho năm học mới. Sau khi phê duyệt danh mục SGK, UBND sẽ tổ chức họp báo để công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. UBND tỉnh yêu cầu Sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với các NXB để bảo đảm phân phối SGK đầy đủ, kịp thời với mức gia hợp lý trước khi bắt đầu năm học mới.

Theo ông Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm BR-VT, danh mục SGK được đề xuất cho thấy, sẽ có không ít cơ sở giáo dục, GV chọn không “trúng” bộ sách được Hội đồng của tỉnh lựa chọn. Tuy nhiên, đây cũng là thực tế cần phải chấp nhận, trên nguyên tắc trọng lựa chọn của đa số. Ông Hạnh cũng cho rằng, mỗi bộ sách đều có những ưu, khuyết điểm riêng. Những đầu sách không được chọn vẫn có những bài hay, những điểm nổi bật, nên GV cũng cần tham khảo thêm những đầu sách này để phục vụ cho việc giảng dạy tốt hơn.

Đồng tình với quan điểm của ông Hồ Cảnh Hạnh, ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ: “Có những đầu sách được đánh giá là khá “nặng” so với HS đại trà nhưng lại phù hợp với đối tượng HS khá, giỏi. Vì vậy, GV cần linh động, sáng tạo trong quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ trang bị các bộ sách còn lại cho thư viện các trường để GV tham khảo”.

Còn theo đại diện Phòng GD-ĐT TP. Bà Rịa: “Không có bộ sách nào hoàn hảo, nên trong quá trình lựa chọn sách, GV các bộ môn đã có góp ý cho các NXB về những nội dung chưa phù hợp. Sở GD-ĐT cần đề xuất các NXB điều chỉnh, khắc phục nhưng khuyết điểm để SGK được phát hành, đưa vào giảng dạy không vấp phải những ý kiến trái chiều. Cùng với đó, cần làm tốt công tác truyền thông để nhận được sự đồng thuận cao trong dư luận”.

KHÁNH CHI

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202104/lua-chon-ky-luong-sach-giao-khoa-lop-2-lop-6-923462/