Lựa chọn không dễ chịu

Tình trạng bế tắc chính trị kéo dài hai tháng qua tại Italy từ sau cuộc tổng tuyển cử với kết quả không có chính đảng hoặc liên đảng nào giành đủ số phiếu cần thiết để tự đứng ra lập chính phủ. Các đảng phái ở Italy đã có những nỗ lực cuối cùng trong tuần này nhằm tìm lối thoát cho vấn đề nêu trên.

" Đất nước hình chiếc ủng" rơi vào tình trạng bế tắc chính trị kể từ cuộc bầu cử hồi đầu tháng 3 vừa qua, theo đó một liên minh trung hữu do đảng Liên đoàn đứng đầu giành nhiều phiếu nhất, trong khi đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) đứng thứ hai. Ðảng Dân chủ (PD) trung tả về thứ ba với khoảng cách khá xa. Thế "chân kiềng" nêu trên cộng với việc các đảng không chịu nhượng bộ nhau khiến Italy chưa thể lập được chính phủ mới.

Thời gian qua, Tổng thống S.Mattarella đã tiến hành nhiều vòng tham vấn với lãnh đạo các đảng phái nhưng chưa thể đưa tiến trình lập chính phủ mới ra khỏi "ngõ cụt". Các nguồn tin châu Âu cho biết, trong nỗ lực cuối cùng, đảng M5S và đảng cực hữu Liên đoàn của Italy đã có cuộc gặp tại trụ sở Hạ viện để thảo luận về khả năng liên minh. Cả hai nhà lãnh đạo của hai đảng này đã đề nghị Tổng thống Mattarella trì hoãn kế hoạch bổ nhiệm một thủ tướng "không thuộc đảng phái nào" thêm 24 giờ sau khi các vòng tham vấn với lãnh đạo các chính đảng về việc thành lập một chính phủ liên minh không đạt kết quả.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng với những bất đồng không thể thu hẹp suốt thời gian qua, nỗ lực nêu trên cũng khó mà có thể giúp phá được thế bế tắc trong lập chính phủ tại Italy. Ðảng M5S lâu nay từng đề nghị liên minh với đảng Liên đoàn, vốn đứng đầu phe cánh hữu, với điều kiện đảng Liên đoàn phải từ bỏ đồng minh của họ thuộc phe cánh hữu là đảng Tiến lên Italy (FI) của cựu Thủ tướng S.Berlusconi. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Liên đoàn Salvini cho đến nay vẫn từ chối phá vỡ liên minh với ông Berlusconi.

Bế tắc trong việc lập chính phủ mới đang đặt Italy trước hai lựa chọn không mấy dễ chịu. Một là, phải tổ chức bầu cử lại với nguy cơ kết quả bầu cử lần hai cũng không có gì bảo đảm rằng một đảng phái sẽ giành đa số, chiếm thế thượng phong để lập chính phủ mới. Thực tế chính trường Italy hiện nay cho thấy rất có thể kịch bản "tam đảng phân tranh" sẽ lặp lại. Khả năng thứ hai là sau khi việc thành lập chính phủ mới hoàn toàn bị thất bại, Tổng thống Mattarella có thể phải thành lập một chính phủ tạm thời và sau đó Italy phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2019. Hiện, kịch bản chính phủ tạm thời, đang có khả năng xảy ra bởi hôm 2-5, Tổng thống Italy đã bác bỏ khả năng tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào tháng 6 tới. Ông Mattarella nhấn mạnh rằng Italy phải có một chính phủ mới để thông qua ngân sách năm 2019. Theo kế hoạch, ngân sách cho tài khóa 2019 phải được trình quốc hội vào tháng 10 tới và phải được thông qua trong năm nay. Tiếp đó ngày 7-5, ông Mattarella đã đề xuất thành lập một chính phủ trung lập để điều hành đất nước cho đến hết năm nay. Tổng thống Mattarella phân tích rằng, việc tổ chức bầu cử lại vào bất kỳ thời điểm nào trước năm 2019 đều sẽ khiến Italy phải đối mặt những rủi ro. Nếu cuộc bầu cử diễn ra trong mùa hè sẽ khó đạt kết quả cao do người dân tham gia không đầy đủ. Trường hợp tổ chức tổng tuyển cử vào mùa thu này sẽ dẫn đến nguy cơ chính phủ mới không đủ thời gian để thông qua kế hoạch ngân sách hằng năm.

Theo các nhà phân tích, nếu Italy không sớm có một chính phủ mới "danh chính ngôn thuận" để điều hành đất nước, đà phục hồi kinh tế hiện nay có thể sẽ bị chững lại. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã cảnh báo rằng, tiến trình thành lập chính phủ khó khăn sẽ làm gia tăng bất ổn đối với đường hướng chính sách kinh tế và tài khóa trong tương lai. Bên cạnh đó, thế bế tắc chính trị cũng đe dọa sẽ làm mất niềm tin của giới đầu tư. Do vậy, trong vòng tham vấn cuối cùng với các chính đảng, Tổng thống Mattarella bày tỏ hy vọng một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội sẽ cho ra đời một chính phủ trung lập. Dù chính phủ trung lập ở Italy là giải pháp "cực chẳng đã" và cũng không đủ mạnh để đưa ra các quyết sách kinh tế, đối ngoại mang tính chiến lược, dài hạn cho Italy, song dù sao cũng vẫn tốt hơn là để Italy tiếp tục rơi vào tình trạng "bế tắc" kéo dài.

THÙY DƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/36355402-lua-chon-khong-de-chiu.html