Lựa chọn kênh sạch để quảng cáo: Điều kiện tiên quyết với bất kỳ doanh nghiệp 'tử tế' nào

Chiều 25-6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức buổi làm việc về chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới với một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và các Cty, đại lý quảng cáo.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau quá trình tự đo kiểm và phối hợp cùng số liệu từ Google, YouTube, Cục đã phát hiện 55.000 clip có nội dung bạo lực, xấu độc và vi phạm pháp luật, phát tán tin giả. Một năm gần đây, phía Việt Nam và YouTube đã phối hợp để gỡ bỏ 8.000 video có những nội dung xấu, độc. Trong khi đó, theo tính toán, cứ 1 phút trên thế giới có hơn 400.000 clip mới được up lên.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Quá trình đề nghị gỡ clip có nội dung xấu độc vẫn mang tính thụ động, phía Việt Nam phát hiện thì sẽ yêu cầu YouTube gỡ, và phía YouTube chỉ gỡ từng clip một chứ không gỡ cả kênh vi phạm. Bởi, hiện bộ lọc của YouTube hoạt động vẫn còn kẽ hở, cơ chế của YouTube phụ thuộc và hậu kiểm. Bên cạnh đó, một nguy cơ nữa là YouTube có tính năng gợi ý cho những người dùng hay xem, trong đó dù tỉ lệ nội dung xấu độc chỉ 0,1 % nhưng lại có thể phát tán mạnh mẽ.

Theo ông Lâm, việc này dẫn đến việc không kiểm soát được mạng lưới đăng phát quảng cáo. Các nhãn hàng không chi phối được các điều khoản trong quảng cáo với YouTube, ảnh hưởng đến an toàn nhãn hiệu. Bên cạnh đó, nghiêm trọng hơn, kênh và nội dung vi phạm pháp luật được nhiều người xem sẽ kiếm được nhiều tiền.

Cũng theo rà soát của Cục PT-TH và TTĐT, cứ 10 đồng kiếm được nhờ clip sai phạm, độc hại trên YouTube thì có 5,8 đồng đến từ các video có nguồn gốc Việt Nam. Bên cạnh đó, một điều rất nguy hiểm là phía YouTube cũng không có cách gì ngăn chặn những clip mang nội dung độc hại đã bị gỡ lại được đẩy lên lại.

Không kiểm soát được nội dung quảng cáo trên YouTube, Cục đã cảnh báo hàng trăm doanh nghiệp và nhãn hàng trong nước là banner và clip quảng cáo của họ bị đính kèm kênh xấu độc. Qua khảo sát thực tế cho thấy, hiện một số doanh nghiệp và các cá nhân kinh doanh trên mạng Internet ở Việt Nam đang có xu hướng lựa chọn hình thức mua quảng cáo trực tiếp, không thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (đại lý quảng cáo), để giảm chi phí trung gian khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Vì thế, tình trạng gắn nhãn hàng, thương hiệu trên clip xấu độc đang tái diễn và gia tăng là điều dễ hiểu. Khi được gửi thông báo, rất nhiều nhãn hàng ngạc nhiên về tình trạng này. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo. Việc tái diễn tình trạng này cho thấy các biện pháp khắc phục của Google, YouTube không giải quyết được triệt để những vi phạm này, gây rủi ro các thương hiệu khi quảng cáo trên YouTube. Bên cạnh đó, phía Việt Nam còn không thể kiểm soát và thu thuế từ hoạt động kinh doanh quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới với các nhà cung cấp đặt tại nước ngoài.

Theo đại diện Cty TNHH WPP- doanh nghiệp hiện chiếm hơn 50% thị phần quảng cáo media tại Việt Nam, mặc dù đã tuân thủ quy định của pháp luật trong lĩnh vực này nhưng doanh nghiệp quảng cáo chỉ là đại lý của khách hàng, không được sở hữu hay kiểm soát, ngăn chặn clip xấu, độc hại. Chỉ khi có thông báo, xảy ra vụ việc thì Cty này mới làm việc với khách hàng và YouTube để chấm dứt quảng cáo. Rất khó để tiến hành việc rà soát, kiểm tra clip xấu độc hàng ngày.

Còn theo đại diện Cty CP quảng cáo Thông minh, không ai muốn quảng cáo của mình xuất hiện trên những clip “rắc rối” kiểu như Khá bảnh. Nếu muốn quảng cáo sạch thì giá phải tăng gấp 3, thậm chí gấp 4-5 lần. Cty này đã có bộ lọc quảng cáo xấu nên số doanh nghiệp quảng cáo bị dính quảng cáo xấu độc rất thấp.

Đồng quan điểm trên, đại diện VCCorp cho hay, sở dĩ có clip xấu độc gắn vào quảng cáo trên các nhãn hàng vì doanh nghiệp Việt Nam chưa có thói quen trả tiền cao cho quảng cáo trên nội dung sạch.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, một doanh nghiệp muốn thịnh vượng lâu dài ở đâu thì phải song hành với sự thịnh vượng của xã hội, đất nước đó. Không thể có chuyện doanh nghiệp thịnh vượng mà nhà nước lụi bại, vì đất nước chính là mảnh đất nuôi sống doanh nghiệp. Các doanh nghiệp dù là trong nước hay nước ngoài đều phải tuân thủ luật pháp, thượng tôn pháp luật nước sở tại.

Đặc biệt là những người đã đưa doanh nghiệp của mình ra nước ngoài, sẽ là những người hiểu sâu sắc nhất việc tuân thủ luật pháp nước sở tại. Đó là điều kiện tiên quyết nhất của bất kỳ doanh nghiệp nào ra nước ngoài, trong đó có cả doanh nghiệp Việt Nam. Đến đâu kinh doanh thì phải làm cho đất nước đó thịnh vượng và hòa bình. Tinh thần thượng tôn pháp luật của tất cả các bên liên quan phải được đặt lên trên hết, đặc biệt là sự thượng tôn pháp luật trên không gian mạng, thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết của bất kỳ doanh nghiệp tử tế nào.

Bộ trưởng cũng cho hay là Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào kinh doanh mà không tuân thủ luật pháp Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, kinh tế, biện pháp kỹ thuật để phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. “Các bạn phải thấy có “tội” khi trả tiền cho một clip xấu độc. Các bạn kiếm được càng nhiều tiền, người dùng càng nhiều thì trách nhiệm của các bạn phải càng lớn hơn, không thể vì tiền mà quên đi trách nhiệm của mình với bao nhiêu người bị thiệt hại, các quốc gia bị suy yếu”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lua-chon-kenh-sach-de-quang-cao-dieu-kien-tien-quyet-voi-bat-ky-doanh-nghiep-tu-te-nao-153120.html