Lựa chọn của nền kinh tế số

Để có thể hòa nhập được với xu thế vận động của thế giới, trước những làn sóng 'nhà máy số', 'công nghiệp số', giới chuyên gia cho rằng, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phải được hết sức chú trọng. Cần phải chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện từ chiều rộng sang chuyên sâu phù hợp với nhu cầu thị trường; điều này đòi hỏi sự thay đổi ngay từ hệ thống giáo dục và đào tạo.

Không giống như những cuộc cách mạng khác đều tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ tự động hóa sẽ tiết giảm tối đa nguồn nhân lực. Do đó, nguồn nhân lực cho thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 – thời kỳ của nền kinh tế số này sẽ ưu tiên lựa chọn chất lượng chứ không phải số lượng.

Thời của công nghệ

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – đó là cuộc cách mạng về trí tuệ nhân tạo, phát triển theo cấp số nhân, là khuynh hướng tất yếu mang lại cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia. Với một nước đang phát triển như Việt Nam, tiếp nhận cuộc cách mạng này, chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều thách thức. Đó là nguy cơ mất việc làm ở phân khúc lao động giản đơn, nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế lâu nay vẫn chủ yếu tham gia ở mắt xích thấp, mang lại giá trị gia tăng ít nhất trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp này cũng là cơ hội để chúng ta rút ngắn khoảng cách với các nền công nghệ tiên tiến, bước một bước gần hơn nữa với các nền kinh tế phát triển.

Tuy mới thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, nhưng 55% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Năm 2017, Việt Nam thuộc top 5 nước tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới, khoảng 16%. Cũng trong năm qua, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng 12 bậc lên vị trí thứ 47 toàn cầu; Chỉ số chính phủ điện tử cũng tăng thêm 10 bậc. Đó là những dữ liệu cho thấy,

Việt Nam đã và đang thích ứng khá nhanh chóng với sự chuyển động của nền kinh tế toàn cầu.
Tất nhiên, để có thể hòa nhập được với xu thế vận động của thế giới, trước những làn sóng “nhà máy số”, “công nghiệp số” đang liên tiếp tràn vào, giới chuyên gia cho rằng, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải được hết sức chú trọng, cần chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện từ chiều rộng sang chuyên sâu phù hợp với nhu cầu thị trường. Và điều này, đòi hỏi sự thay đổi ngay từ hệ thống giáo dục và đào tạo.

Theo TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trong xu hướng phát triển, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rộng khắp. Chủ trương của Chính phủ và các bộ, ngành giao cho các cơ sở đào tạo nghiên cứu từ tình hình thực tiễn áp dụng vào quá trình đào tạo. Theo đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là vô cùng quan trọng trong việc đón nhận Cách mạng công nghiệp 4.0. Trách nhiệm này cũng tạo nên áp lực cho các trường đào tạo ứng dụng 4.0 vào quá trình giảng dạy, trong đó có Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Chính vì thế, nhà trường đã nghiên cứu và vận dụng một số phương pháp vào trong quá trình giảng dạy, góp phần đưa Cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực tiễn.

Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - ông Kiều Xuân Thực cho biết, để đi trước đón đầu về đào tạo nguồn nhân lực cho Cách mạng công nghiệp 4.0, hơn lúc nào hết, nhà trường luôn luôn đổi mới phương pháp đào tạo; phát triển và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Nhà trường đã đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng công nghệ cũng như đẩy mạnh quốc tế hóa trong đào tạo và tiếp cận xu hướng của cuộc cách mạng mới.

Cách mạng 4.0 sẽ chọn chất chứ không chọn lượng với lao động.

Ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao

Chia sẻ tại một hội nghị khoa học về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng Công nghiệp 4.0 mới đây, GS. Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng cho rằng, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho Cách mạng công nghiệp 4.0 phải đủ mạnh dạn xóa bỏ tư duy của cũ, dám chấp nhận những khái niệm cũng như tư duy mới, nhiều khi hoàn toàn khác biệt với thực tế hiện nay để đáp ứng nhu cầu.

Theo GS. Phan Xuân Dũng, không giống như những cuộc cách mạng khác đều tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động, Cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ tự động hóa sẽ tiết giảm tối đa nguồn nhân lực. Chính vì vậy, việc đổi mới tư duy và phương thức quản lý, đào tạo phải dựa trên nền tảng công nghệ cao, có hệ thống tri thức và lý luận mới và tinh thần sáng tạo tương ứng mới có thể có được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nêu rõ quan điểm cũng như yêu cầu cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao cho Cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, các nhà cung cấp nguồn nhân lực, cụ thể là các trường, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ cũng như từ phía các ngành, các doanh nghiệp sử dụng lao động… đều coi việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể đáp ứng cho Cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là việc quá sớm. Trong khi đó, tại hệ thống các trường đào tạo của Bộ, đội ngũ giảng viên còn yếu và thiếu. Cơ sở vật chất của nhiều trường đào tạo, các phương thức đào tạo vẫn còn dàn trải, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Cách mạng công nghiệp 4.0 tại các trường đào tạo trong thời gian tới cần được xem xét, đánh giá toàn diện với nhiều yêu cầu khắt khe hơn. Trong giai đoạn hiện nay cũng như định hướng phát triển trong giai đoạn tới, các cơ sở đào tạo nhất thiết cần phải đổi mới, chuyển mình theo hướng chủ động nắm bắt và đón đầu nhu cầu và yêu cầu của thị trường lao động về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho Cách mạng công nghiệp 4.0.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-nghe/lua-chon-cua-nen-kinh-te-so-tintuc397344