Lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất để làm đường sắt tốc độ cao

Ban QLDA Đường sắt cho biết, công nghệ đường sắt tốc độ cao đang rất phát triển trên thế giới.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có sự kế thừa các kết quả triển khai của Tư vấn Hàn Quốc (KOICA), Nhật Bản (VJC, JICA)

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có sự kế thừa các kết quả triển khai của Tư vấn Hàn Quốc (KOICA), Nhật Bản (VJC, JICA)

Theo Ban QLDA Đường sắt, việc đề xuất hướng tuyến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có sự kế thừa các kết quả triển khai của Tư vấn Hàn Quốc (KOICA), Nhật Bản (VJC, JICA) trong các năm 2008, 2010 và 2013. Hướng tuyến được đề xuất lần này còn có sự cập nhật, điều chỉnh theo thực tế.

“Một trong những nguyên tắc nghiên cứu hướng tuyến là phù hợp với quy hoạch quốc gia và các quy hoạch của địa phương. Bộ GTVT cùng với UBND các tỉnh, thành phố đã tổ chức các cuộc họp để thống nhất về hướng tuyến, vị trí ga và các công trình trên tuyến”, ông Lê Văn, Trưởng phòng Dự án 3 Ban QLDA Đường sắt thông tin.

Ban QLDA Đường sắt cho biết, ngày 28/8, nghiên cứu báo cáo giữa kỳ sẽ được giới thiệu với các bộ, ngành và 20 địa phương có tuyến đường sắt đi qua để nghe các phản biện, góp ý, đề xuất. Các phương án đề xuất tại báo cáo giữa kỳ là phương án mở, để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và chỉ được chốt lại tại báo cáo cuối kỳ.

Đề cập đến công nghệ, Ban QLDA này cho biết, trong số 16 quốc gia đang khai thác đường sắt tốc độ cao, Trung Quốc hiện có quy mô cũng như tốc độ phát triển lớn nhất thế giới. Ngoài ra, một số nước như: Nhật Bản, Pháp, Đức được đánh giá là những quốc gia đi đầu trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ của riêng mình. Các loại hình công nghệ tiên tiến mà thế giới đang hướng tới là: Công nghệ động lực phân tán EMU (đối với đoàn tàu) và công nghệ hệ thống truyền dẫn số di động dạng sóng không gian (đối với tín hiệu điều khiển); phương thức đóng đường sử dụng phân khu di động. Đây cũng là công nghệ được tư vấn, Ban QLDA đề xuất áp dụng cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

“Kết quả phân tích thể hiện mỗi loại hình công nghệ đều có những thế mạnh nhất định. Tuy nhiên, các loại hình công nghệ này đều đang không ngừng phát triển để hoàn thiện theo xu hướng chung. Đối với Việt Nam để tránh tụt hậu, cần phải tiếp cận công nghệ tiến bộ trên thế giới”, Ban QLDA thông tin và cho biết, theo kinh nghiệm, các chi phí về thiết bị đoàn tàu, điện, thông tin tín hiệu chỉ chiếm khoảng 10-15% cơ cấu tổng mức đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao. Mặt khác độ an toàn, tin cậy phần lớn do các thiết bị trên chi phối. Do đó, cần lựa chọn các loại thiết bị vận hành tốt nhất để đảm bảo an toàn trong khai thác.

Theo phương án chạy tàu được đề xuất, tốc độ chạy tàu trong giai đoạn đầu lớn nhất là 200km/h, giai đoạn sau cao nhất 320km/h. Cụ thể, thời gian đầu chạy tàu (bao gồm cả thời gian dừng tại ga) đoạn Hà Nội - Vinh là 1h48 trong giai đoạn đầu và 1h20 trong giai đoạn sau. Đoạn TP.HCM - Nha Trang 2h25 trong giai đoạn đầu và 1h35 giai đoạn sau. Từ Hà Nội - Đà Nẵng là 2h24 phút. Thời gian chạy toàn tuyến Bắc - Nam là 5h17 (tàu nhanh đỗ ít ga) và 6h50 (tàu nhanh đỗ nhiều ga).

Về sức chở, giai đoạn đầu bố trí đoàn tàu sử dụng 10 toa và giai đoạn sau là 16 toa, thời gian khai thác từ 6-24h.

Huy Lộc

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/lua-chon-cong-nghe-tien-tien-nhat-de-lam-duong-sat-toc-do-cao-d269641.html