Lựa chọn cấp ủy đủ đức, đủ tài, có tầm nhìn, tư duy chính trị sâu sắc

Sáng ngày 28/8/2020, đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Đức Minh

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Đức Minh

Hoàn thành toàn diện nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng

Đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định, Đảng bộ Bộ Tài chính đóng vai trò hết sức quan trọng, là trung tâm hạt nhân lãnh đạo của cơ quan Bộ Tài chính qua các thời kỳ, bao gồm 51 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc ở cả các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, hiệp hội.

Trong 5 năm qua, Ban Cán sự Đảng đã phối hợp chặt chẽ với Đảng bộ Bộ Tài chính để cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết của Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ 24 bằng các chương trình hành động; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được các kết quả nổi bật.

Bộ Tài chính đã thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thành các chính sách tài chính - ngân sách. Kịp thời nghiên cứu bổ sung, sửa đổi hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) theo nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Hệ thống thể chế tài chính NSNN ngày càng hoàn thiện, đảm bảo đồng bộ, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Nhiệm kỳ qua, Bộ Tài chính cũng đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, tăng cường phối hợp các chính sách khác để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát phục vụ tăng trưởng kinh tế. Tập trung phấn đấu thực hiện đầy đủ và đồng bộ các giải pháp Tài chính – NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, điều hành thu, chi ngân sách quyết liệt, chủ động; kiểm soát chặt bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép, tạo dư địa lớn cho chính sách tài khóa; điều chỉnh lại yêu cầu, mục tiêu về tài chính công, NSNN, quản lý an toàn nợ công theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Cơ cấu thu NSNN ngày càng bền vững, quy mô thu ngân sách tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, bình quân đạt 24,5% GDP, trong đó thu từ phí, lệ phí đạt khoảng 20,5% GDP, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ thu nội địa giai đoạn 2016-2020 tăng dần và đến năm 2020 dự kiến đạt khoảng 84-85%.

Chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo dự toán, tiết kiệm, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, cơ cấu chi ngân sách đạt kết quả tích cực, chi đầu tư đạt khoảng 27-28%, chi thường xuyên khoảng 63% (Nghị quyết 07 đặt mục tiêu dưới 64%).

Bội chi bình quân giai đoạn 2015-2019 đạt 3,7% GDP, năm 2019 đạt 3,4% GDP. Nợ công được quản lý chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn an toàn; nợ công, nợ Chính phủ đến cuối 2019 ước đạt 54,7% và 47,7% GDP.

Cơ chế chính sách về quản lý tài sản công có bước đột phá, tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công.

Quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được hoàn thiện về cơ chế, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được nâng cao, quá trình tái cơ cấu, sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thị trường tài chính được củng cố, phát triển mạnh mẽ và ổn định. Thị trường chứng khoán ngày càng phát huy vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế. Đến hết năm 2019, quy mô thị trường vốn đạt 111,8% GDP, trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 73% GDP, quy mô thị trường trái phiếu đạt 38,8% GDP. Thị trường bảo hiểm, các dịch vụ tài chính phát triển cả về quy mô, phạm vi góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tái đầu tư và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Quang cảnh Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ 25. Ảnh: Đức Minh

Cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan hành chính góp phần nâng cao hiệu quả chi tiêu công, dịch vụ công, xã hội hóa các dịch vụ công quốc gia; Tăng cường bố trí các nguồn lực dự trữ quốc gia, quy mô dự trữ quốc gia đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,2 lần so với giai đoạn trước; thể chế về giá cả được xây dựng và hình thành tạo thuận lợi cho quá trình trao đổi hàng hóa, quản lý giá cả thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô;

Công tác hội nhập, hợp tác quốc tế về tài chính chủ động, đa dạng cả về nội dung, hình thức. Đã đăng cai chủ trì các tiến trình hợp tác tài chính đa phương như Tiến trình Bộ trưởng tài chính APEC năm 2017, tiến trình Hội nghị Bộ trưởng tài chính ASEAN năm 2020.

Có nhiều đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý tài chính ngân sách, xây dựng Chính phủ điện tử, triển khai cơ chế Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN. 8 năm liền Bộ Tài chính dẫn đầu khối các bộ ngành về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh. Triển khai mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Thời gian nộp thuế giảm được 300 giờ; thông quan hàng hóa qua luồng xanh chỉ từ 1- 3 giây.

Công tác sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực được ưu tiên, chú trọng. Đến tháng 3 năm 2020, toàn ngành đã sắp xếp cắt giảm được hơn 5000 đầu mối từ cấp trung ương đến địa phương, giảm hơn 6.000 biên chế, đạt 8,7% so với năm 2015.

Đầu năm 2020, khi đại dịch Covid diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến cân đối NSNN, các vấn đề an sinh xã hội nhưng Bộ đã đi tiên phong trong đề xuất các chính sách tài chính, hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế mà trực tiếp là hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng

Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, nhiệm kỳ vừa qua, Ban Cán sự Đảng đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy phân công trách nhiệm trong việc quán triệt, học tập các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là những nghị quyết quan trọng ảnh hưởng đến công tác tài chính ngân sách; đã phối hợp tổ chức quán triệt 3 Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đặc biệt là Nghị quyết 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

Đảng ủy Bộ Tài chính đã tổ chức hàng chục hội nghị trực tiếp quán triệt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định số 55, số 08 về trách nhiệm nêu gương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ban Cán sự Đảng để thực hiện các quy định, nghị quyết này.

Trong công tác xây dựng tổ chức Đảng, Đảng ủy Bộ Tài chính đã thực hiện tốt các công việc trong bổ nhiệm, quy hoạch, điều động nhân sự cơ quan theo chủ trương của Ban Cán sự Đảng. Kết quả đánh giá giữa nhiệm kỳ của tập thể Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, Thường vụ Đảng ủy Bộ Tài chính đạt tín nhiệm rất cao. Đội ngũ cán bộ đảng viên hằng năm được đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Các mặt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đã có sự phối hợp, phân công trách nhiệm giữa thanh tra kiểm tra của cơ quan với kiểm tra giám sát của Đảng. Vì vậy cán bộ đảng viên trong Bộ thực hiện tốt các quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước, các quy định về kiểm tra giám sát.

"Như vậy có thể nói, Đảng bộ Bộ Tài chính đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 24 đặt ra; thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, tôi cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng ủy khối các cơ quan trung ương, đồng thời tôi xin ghi nhận, đánh giá cao sự lãnh đạo, phối hợp lãnh đạo của Đảng ủy Bộ, các cấp ủy trong Đảng bộ trong công tác xây dựng đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị chuyên môn của ngành", đồng chí Đinh Tiến Dũng nói.

Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng: Đại hội Đảng bộ Bộ Tài chính có nhiệm vụ hết sức quan trọng là thông qua Báo cáo chính trị và bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ mới đủ năng lực lãnh đạo toàn Đảng bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ chúng ta.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị Đại hội bám sát các quy định của Trung ương, đặc biệt là Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị để xem xét lựa chọn bầu vào cấp ủy những đồng chí đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, vị trí công tác; đặc biệt phải là những đồng chí thật sự tiêu biểu về năng lực lãnh đạo, có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, uy tín cao, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chú trọng phát hiện, giới thiệu tham gia cấp ủy những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng thông qua hoạt động thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ khoa học và cán bộ chuyên trách công tác đảng; có tầm nhìn, tư duy chính trị sâu sắc; cương quyết không để lọt vào cấp ủy những đồng chí có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết.

Nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới là rất to lớn, nặng nề. Nhưng với truyền thống đoàn kết, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng, đồng chí Đinh Tiến Dũng hoàn toàn tin tưởng sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ trong nhiệm kỳ mới; tin tưởng sự ủng hộ, đoàn kết của cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên trong Đảng bộ sẽ lãnh đạo, hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra.

Đức Minh (lược ghi)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-08-28/lua-chon-cap-uy-du-duc-du-tai-co-tam-nhin-tu-duy-chinh-tri-sau-sac-91619.aspx