Lửa ấm

Nói gì thì nói, dù vất vả thế nào, cứ Tết đến, mọi người lại hướng về quê...

Nhà nhất định duy trì bữa cơm, người này bận, người kia nấu, không gọi đồ ăn ngoài. Bếp nhất định phải “đỏ lửa”.

Tết cổ truyền, với nhiều nghi thức rườm rà, phải nói là khá mệt. Nhưng tết mang lại sự đầm ấm, không có lúc nào tình thân lại biểu đạt giống như dịp tết. Tất cả mọi người đều trở nên thân thiện vô cùng.

Nói gì thì nói, dù vất vả thế nào, cứ Tết đến, mọi người lại hướng về quê.

Về quê là về với ký ức. Ở đó, bây giờ cuộc sống đã thay đổi hơn nhiều nhưng hầu hết gia đình đều có một cái bếp đun bằng củi.

Đến như tuổi chúng tôi bây giờ rồi mà Tết, vợ mua áo mới cho. Bảo đừng giặt, để thế ngửi mùi vải mới. Đến đêm 30, vợ kêu, mặc áo vô coi nào. Mặc vô. Vợ bảo, cũng được đó chơ, đẹp.

Có năm bảo, có vẻ như cái áo này nó hơi trẻ. Vợ vừa sửa cổ áo vừa nói, ôi trời, hóa ra con người này cũng đã biết già rồi.

Những lúc đó tôi, một thằng râu ria, mặt khó đăm đăm, thấy sống mũi cay cay, mắt ậng nước.

Ký ức ùa về.

*

Thời nhỏ, ba đi vắng, mạ ở nhà một mình vất vả vô cùng tận nên làm được gì phụ mạ là làm. Tôi là anh của một đàn em.

Thời đó cả làng uống nước sông Kiến Giang. Nhà cách xa sông, hai đứa lớn nhất hai đầu cái đòn gánh có cái thùng ở giữa xuống bến lấy nước. Đầu tiên hai đứa nửa thùng, lớn lên xí, hai phân ba thùng, rồi đầy thùng.

Lớn lên tí nữa thì tự gánh hai đầu hai thùng nhưng cũng bắt đầu từ một phần ba thùng nước.

Gánh nước là thước đo sự trưởng thành của anh em mình.

Đến khi gánh được hai thùng đầy. Mình đã lớn.

Đến bữa nấu cơm, rất hiếm củi, chủ yếu đun bằng rơm rạ nên mạ bày trong một nồi phải nấu được cả cơm cả cháo. Vì em nhỏ ăn cháo.

Muốn thế thì khi cơm sôi, bắc nghiêng nồi lại, gạt sắn ra một bên (cơm độn sắn nên cho khá nhiều nước) rồi lấy đũa đánh góc có nhiều gạo. Đánh một lúc phải để nghiêng nồi thế mà đun lửa rơm cho đến chín. Phía gạo nhiều sẽ thành cháo.

Bữa mua được con cá trê dành nấu cháo cho em. Muốn một con cá nấu nhiều bữa thì cắt phần đuôi nấu trước, phần còn lại vẫn để con cá vào chậu đậy lại, cá trê vẫn sống như thường. Bữa sau lại cắt khúc kế tiếp (chưa đến ruột). Sau cùng mới là phần đầu. (Vì sợ luộc ra thì anh chị thèm quá lén ăn hết phần em).

Cái nghèo, cái đói ngấm vào căn cốt, có nhiều thói quen đến giờ vẫn không bỏ được.

Thức ăn còn thừa cứ tiếc, không bao giờ đổ, bỏ tủ lạnh. Có thứ không ăn tiếp nữa nhưng chờ hư mới chịu đổ.

Cá, thịt ăn chán xay ra làm ruốc bông. Đôi khi cũng chẳng ăn, lâu quá lại đổ.

Nhà nhất định duy trì bữa cơm, người này bận, người kia nấu, không gọi đồ ăn ngoài. Bếp nhất định phải “đỏ lửa”.

Nói chung, cái thói quen không hề hay nhưng khó bỏ.

Thói quen làm hai đứa con cũng quen luôn. Đi học xa, không ăn ngoài, đi chợ, nấu cơm cho đến khi ra trường.

Hồi trước, khi ra Hà Nội, tôi vận động ba mạ về sống ở Đồng Hới cho gần các em. Ba mạ vẫn để một góc làm cái bếp củi. Sáng, mạ lui cui đun nước, pha trà, ba đi bộ về thì hai ông bà ngồi uống.

Trưa, chiều, ba nhóm lửa, mạ nấu cơm.

Nói nấu bếp ga cho nhanh, mạ nói nấu bếp củi ngon hơn. Ba nói, nước nấu bếp củi pha trà thơm hơn.

Anh em bảo ba mạ bảo thủ.

Nhưng mà… Về nhà thì tranh nhau ngồi quanh bếp củi.

Lửa ấm.

Nguyễn Thế Thịnh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/lua-am-d410083.html