Lũ về trong đêm, huyện rốn lũ của Quảng Nam chìm trong biển nước

Nước lũ ập về, người dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) kê ghế làm giường ngủ, đưa tài sản lên gác trú tránh.

Theo bảng theo dõi vận hành điều tiết lũ hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, đỉnh điểm các thủy điện xả lũ là lúc 21h tối 4-/11.

Cụ thể thủy điện Sông Bung 4 xả lũ về sông Vu Gia với lưu lượng 4.270 m3/s (so với 12h trưa cùng ngày chỉ 1.658m3/s), thủy điện Sông Tranh 2 xả về sông Thu Bồn 2.198m3/s (12h trưa cùng ngày chỉ 305m3/s), thủy điện Đăk Mi 4 xả qua tràn 3.349m3/s (1.416m3/s).

Lũ tại Hòa Đông, Đại Lộc (Ảnh: Tuổi trẻ)

Mực nước sông Vu Gia lúc 4h sáng nay là 9,47 trên mức báo động 3 là 0,47m, sông Thu Bồn là 8,29m trên mức báo động 2. Thời điểm này ở Quảng Nam đang mưa rất lớn và dự báo nước lũ sẽ còn tiếp tục dâng lên cao.

Sáng 5/11, vùng “rốn lũ” huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đã chìm trong biển nước, nhiều tuyến đường bị nước lũ chia cắt, giao thông tê liệt hoàn toàn. Trong đó, tuyến đường chính ĐT609B dẫn về thị trấn Ái Nghĩa của huyện này đã bị nước lũ chia cắt từ 3h sáng cùng ngày.

Chính quyền xã Đại Hiệp cũng đã dựng hàng rào, chắn barie không cho phương tiện lưu thông qua lại. Nhiều người phải đi vòng lên Quốc lộ 14B rồi men theo những đường bê-tông liên thôn, liên xã để vào thị trấn hay các xã khác nhưng không thành công vì bị nước lũ bao vây.

Người dân xã Đại Hiệp dùng thuyền đi lại. (Ảnh VNEX)

-> Những trận lũ lớn tại miền trung năm nay

Nhiều người dân huyện Đại Lộc cho biết, năm nay lũ về rất nhanh, nhất là vào khoảng thời gian 21h đêm 4/11 đến sáng hôm sau. Ở những nơi khác, khi nước chưa ngập sâu, người dân bắt đầu đi mua lương thực về dự trữ vì lo lắng lũ kéo dài.

Trong đêm, người dân cũng đã đưa vật nuôi, xe máy và các vật dụng có giá trị… đi nơi khác tránh lũ. Ngoài Đại Lộc, các huyện khác ở Quảng Nam như Nông Sơn, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP Hội An…cũng lâm vào cảnh tượng tự.

Tại TP Hội An, đường Bạch Đằng chạy dọc theo bờ kè sông Hoài đã ngập sâu xấp xỉ 1,5m. Cầu An Hội bắc ngang sông Hoài cũng đã ở dưới mặt nước. Song song với con phố này, đường Nguyễn Thái Học cũng bị nước dâng cao và ngập sâu tới 1m. “18h ngày 4/11, nước bắt đầu dâng và đến khuya thì lên cao. Sau khi thu dọn quầy lưu niệm, gia đình tôi đã di chuyển đến nhà người thân trú tạm” - chị Lê Thị Nhị (một người dân trong khu phố cổ) cho biết.

Video: Đường phố Tuy Hòa tan hoang sau bão số 12

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/lu-ve-trong-dem-huyen-ron-lu-cua-quang-nam-chim-trong-bien-nuoc-d120038.html