Lũ ồ ạt đổ về hạ du, gần 29.000 nhà dân bị ngập nước

Mưa lũ tại Bình Định, Phú Yên đang tiếp tục diễn biến phức tạp, đã có 28.828 hộ dân bị ngập nước, nhiều tuyến đường, công trình, hồ chứa, đê điều bị ngập lụt, sạt lở, nguy cơ vỡ. Trong khi đó, các hồ chứa đã căng nước đang xả tràn tự do gây 'lũ kép'.

Trong ngày 4-11, mực nước lũ sông Hà Thanh tại Diêu Trì đã đạt đỉnh, trên báo động 3; sông Kôn dao động ở mức 2–3 và trên 3; sông Hà Thanh trên báo động 2; cấp độ rủi ro cấp 2- 3.

Toàn tỉnh có 165 hồ chứa tích được 495,78/578,0 triệu m³, đạt 86% dung tích thiết kế, bằng 150% so với cùng kỳ năm 2016. Đa số các hồ chứa đều nhỏ, khi mưa lũ kéo về luôn vượt tải khiến các hồ không có khả năng điều tiết nước, xả tràn tự do.

Người dân Bình Định sử dụng xe công nông để qua các tuyến đường bị ngập nặng. Ảnh: NGỌC OAI

Người dân Bình Định sử dụng xe công nông để qua các tuyến đường bị ngập nặng. Ảnh: NGỌC OAI

Mưa lũ đã làm cho 4 nhà sập, hư hỏng và 26.897 hộ bị ngập nước; 710 ha lúa Đông Xuân mới sạ, 140 ha hoa màu bị ngập; 724m đê sông, 1,3km kênh nội đồng bị sạt lở; 5 cầu bị sạt lở, hư hỏng, nhiều tuyến đường bị ngập, bị nước chia cắt cục bộ.

Ghi nhận của PV Báo SGGP, tại một số vùng “rốn lũ” Bình Định, mưa lớn kèm theo nước lũ phát từ thượng nguồn ồ ạt đổ về đã nhấn chìm hàng loạt tuyến đường giao thông. Tuy nhiên, nhiều người dân tại huyện Tuy Phước (Bình Định) vẫn mạo hiểm lội bộ qua điểm ngập, hết sức nguy hiểm.

Nước lũ nhấn chìm nhiều tuyến đường giao thông, cô lập hàng ngàn nhà dân. Ảnh: NGỌC OAI

Tại đường ĐT640, ĐT636 (huyện Tuy Phước) bị ngập nước từ 0,4 - 1,2m, một số đoạn không qua lại được; tại huyện Phù Cát, cầu Bà Tán (Cát Trinh) sập trụ cầu giữa, gãy 02 nhịp cầu 16m, cầu Tường Sơn (Cát Tường) sập mố cầu, gãy 1 nhịp cầu 10m; 335m đê sông bị sạt lở (đê Đại Hào, đê sông La Tinh…); sạt lở 1,3km kênh nội đồng; bờ sông ở hạ lưu hồ Hội Sơn đoạn sạt lở năm 2016 đang có nguy cơ vỡ tiếp.

Trong ngày 4-12, các cơ quan chức năng đã tiến hành di dời 39 hộ dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Tại huyện Phù Cát di dời 26 hộ dân ở xã Cát Sơn, TX An Nhơn di dời 13 hộ dân ở các xã Nhơn Phúc, Nhơn Hậu.

Hàng trăm nhà dân ở huyện Hoài Nhơn bị ngập. Ảnh: NGỌC OAI

Tại thị xã An Nhơn, nhiều tuyến đường giao thông bị ngập nước làm chia cắt cục bộ hơn 3.000 hộ dân; nước tràn qua Quốc lộ 1A; sạt lở 25m đê sông; huyện Tây Sơn có 4km đường bê tông nội đồng hư hỏng; sạt lở đập phụ, đập dâng Thò Đo, đê Văn Chẩn, tràn Kiền Giang, kè Hữu Giang, xói lở 2 mố cầu giao thông, bờ tràn xã Tây Xuân.

Trong khi đó, tuyến Đê Đông từ Gò Bồi ra Phước Thắng đã bị ngập nước. Một số công trình của Công ty Khai thác công trình thủy lợi quản lý bị hư hỏng.

Nước lũ chảy như sông qua đường giao thông tại xã Phước Quang (Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: NGỌC OAI

Cảnh báo đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện: An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn và Vân Canh.

Ngập lụt ở vùng trũng, thấp của các huyện: An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Tuy Phước, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã có Công điện số 11/CĐ-PCTT yêu cầu Ban chỉ huy PCTT và TKCN các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố chủ động đối phó với mưa lũ.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã chuyển công điện Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN về việc ứng phó với mưa lũ đến các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

* Theo báo các của Ban chỉ huy PCTT-TKCN Phú Yên, mưa lũ đã làm cho 1 người chết, 1.931 hộ tại 23 thôn ở 9/11 xã, thị trấn ở huyện Đồng Xuân bị ngập.

Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên cho hay, tuyến Quốc lộ 19C tại (Km59+900-Km60+05 ngập 1,0m) gây tắc giao thông.

Tổng số hộ di dời sơ tán đến nơi an toàn là, 3.757 hộ/12.663 khẩu (trong đó di dời tại chỗ khoảng 1000 hộ/4.200 khẩu. Hiện, mực nước trên sông đã xuống, số hộ dân di dời sơ tán đã trở về nhà, số còn lại vẫn còn sơ tán là 512 hộ/1.512 khẩu.

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 44 hồ chứa hầu hết các hồ chứa nhỏ, hình thức tràn tự do. Hiện nay, các hồ chứa này đã tích đầy nước theo thiết kế, đang chảy tự do qua tràn; các hồ chứa nước có tràn xả đáy đang vận hành xả lũ.

Hiện nay các hồ thủy điện đang vận hành điều tiết theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba. Lưu lượng về hồ phổ biến của các nhà máy thủy điện từ 500- 4.500 m3/s; dự kiến sẻ tiếp tục tăng lưu lượng xả.

>>> Một số hình ảnh PV Báo SGGP ghi nhận về ngập lụt Bình Định:

Một nhà dân bị ngập nước. Ảnh: NGỌC OAI

Lũ "nuốt" đường. Ảnh: NGỌC OAI

Lũ nhấn chìm nhà dân ở xã Phước Quang. Ảnh: NGỌC OAI

Nhiều vùng dân bị cô lập. Ảnh: NGỌC OAI

Nước lũ phát từ thượng nguồn ồ ạt nhấn chìm, chia cắt nhiều vùng dân. Ảnh: NGỌC OAI

Người dân mỏ mẫm vượt lũ để về nhà. Ảnh: NGỌC OAI

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lu-o-at-do-ve-ha-du-gan-29000-nha-dan-bi-ngap-nuoc-486276.html