Lũ lụt, sạt lở đất ở Tây Nguyên khiến 10 người chết, 5.000 người di dời khẩn cấp

Mưa lớn kéo dài từ ngày 6/8 đến nay đã khiến các tỉnh khu vực Tây Nguyên chìm trong biển nước. Nhiều khu vực ngập sâu, đất đá sạt lở trên đường đèo, nguy cơ vỡ đập thủy điện Đắk Kar (Đắk Nông).

Bảo Lộc ngập chìm trong biển nước. (Ảnh: Vnexpress).

Bảo Lộc ngập chìm trong biển nước. (Ảnh: Vnexpress).

Tỉnh lộ 1, đoạn qua xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) bị ngập sâu trong nước. (Ảnh: Báo Đắk Lắk)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, mưa to với lượng nước lớn trong nhiều ngày qua đã khiến nhiều khu vực ở Tây Nguyên chìm trong biển nước. (Ảnh: Báo Đắk Lắk).

Đến chiều 9/8, nhiều phường, xã ở TP Bảo Lộc, Lâm Đồng vẫn bị bao vây bởi dòng nước đỏ ngòm. Nhiều nhà dân bị đổ sập, hư hỏng nặng. (Ảnh: Vnexpress).

Bộ Chỉ huy quân sự, cảnh sát PCCC tỉnh Lâm Đồng đã điều canô liên tục chạy vào vùng ngập để đưa người và những tài sản còn lại đến nơi cao ráo. Nhiều bộ đội mặc áo phao, vượt qua lũ cõng hàng trăm người già và trẻ em bị mắc kẹt. Những điểm không thể tiếp cận giải cứu, họ phải dùng ròng rọc, đu dây đưa hàng chục người ra ngoài. (Ảnh: Báo Đắk Lắk).

Tại các con đèo nối Đồng Nai lên Lâm Đồng xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, gây ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng. Hành khách nằm vật vờ hai bên đường để chờ thông tuyến. Sau 15 giờ tê liệt, đến chiều qua, quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc được thông xe một chiều. Dòng xe vẫn còn nối đuôi nhau nhiều km.

TP Đà Lạt ngập trong biển nước.

Nước tràn qua đập gây sạt lở chân đập và có nguy cơ xảy ra vỡ đập. Hiện cửa van bị kẹt đã được khắc phục tạm thời, nhưng nhà chức trách cho rằng cần tiếp tục theo dõi vì mưa bão hiện đang diễn biến rất phức tạp. Tỉnh Bình Phước và Đăk Nông đã cho di dời 5.000 người bị ảnh hưởng. (Ảnh: Kiến thức).

Đồng thời, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước đã đề nghị Đồng Nai di dời người dân ven sông Đồng Nai ở hạ du đập. Hôm qua, do lũ lớn, nước sông Đồng Nai dâng cao kết hợp với nguy cơ từ đập thủy điện Đăk Kar, tỉnh Đồng Nai cũng đã di dời 1.000 hộ dân ven sông.

Báo cáo của các BCH PCTT &TKCN các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Kom Tum, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận về thiệt hại do mưa, lũ cho thấy, đã có 10 người chết.

Đường ở thôn 6, xã Cư M'lan (huyện Ea Súp - Đắk Lắk) bị ngập sâu. (Ảnh: Báo Đắk Lắk)

Có đến 3.717 nhà bị ngập nước (Đắk Lắk: 913 nhà; Đắk Nông: 60 nhà; Bình Phước: 4 nhà; Đồng Nai: 32 nhà; Bình Thuận: 252 nhà; Gia Lai: 26 nhà; Lâm Đồng: 2.430 nhà); 789 nhà phải di dời (Đồng Nai: 250 nhà; Lâm Đồng: 548 nhà).

Mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng nề cho nông nghiệp Tây Nguyên khi có đến 18.382 ha lúa, hoa màu bị ngập; 703ha cây trồng lâu năm, 2.558ha cây trồng hàng năm, 1.083ha cây ăn quả bị thiệt hại... ước tổng thiệt hại 992,5 tỷ đồng.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày mai mưa lớn ở Tây Nguyên sẽ giảm dần.

Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên trong đêm nay và ngày mai (11/8), ở Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông (lượng mưa phổ biến 20-50mm/24h); riêng các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai có mưa rất to (lượng mưa 50-100mm/24h).

Trong đêm mai (11/8) và ngày 12/8, ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa (lượng mưa phổ biến 10-30mm/24h; riêng Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước có nơi mưa to (lượng mưa 30-50mm/24h).

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/lu-lut-sat-lo-dat-o-tay-nguyen-khien-10-nguoi-chet-5000-nguoi-di-doi-khan-cap-84874.html