'Lũ lớn quá, anh Thành vẫn liều cứu dân'

Lũ lên như thác, mặc cho tài sản của gia đình bị cuốn trôi, hư hỏng, anh Lê Văn Thành vẫn lao thuyền đi cứu hàng trăm người. Hành động quả cảm của anh trong lũ dữ khiến nhiều người cảm phục

“Không có chú Thành, nhiều người nguy rồi”

Đối với người dân xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), anh Lê Văn Thành (SN 1982, trú thôn Trần Phú) như là người hùng của địa phương, bởi đã kịp thời cứu hàng trăm người thoát lũ dữ.

Tìm đến nhà ông Nguyễn Đình Nghĩa (64 tuổi, thôn Quốc Tiến, Xã Cẩm Duệ), bệnh nhân chạy thận gặp nguy kịch, được anh Thành chở đi lọc máu trong đêm lũ lên (20/10) thì được biết, do bệnh tình trở nặng, ông Nghĩa vừa tiếp tục phải nhập viện cấp cứu.

Ông Phạm Ngọc Hạnh (bên phải, thôn Trung Thành) kể lại thời khắc kinh hoàng của trận cuồng phong.

Ông Phạm Ngọc Hạnh (bên phải, thôn Trung Thành) kể lại thời khắc kinh hoàng của trận cuồng phong.

Bà Trần Thị Văn (49 tuổi) em dâu của gia đình ông cho biết, ông Nghĩa bị bệnh thận hàng chục năm, trước lụt vừa đi cấp cứu ở Hà Nội về. Nhà ông Nghĩa ở sát bờ sông Ngàn Mọ, nước chảy xiết, bobo của đội cứu hộ cũng không thể vào được. Hơn nữa lại vào ban đêm, tầm nhìn bị hạn chế nên việc tiếp cận được nhà, đưa ông Nghĩa đi bệnh viện hết sức khó khăn.

“Trong lúc không ai có thể cứu được, rất may chú Thành không quản nguy hiểm có mặt kịp thời vào tận nơi đưa đi, nếu không ông Nghĩa đã nguy hiểm tính mạng”, bà Văn xúc động nói.

Như đang sống lại thời khắc kinh hoàng của trận cuồng phong vừa qua, ông Phạm Ngọc Hạnh (60 tuổi, thôn Trung Thành, xã Cẩm Duệ) chia sẻ: “Do mưa lớn kéo dài, cùng hồ Kẻ Gỗ xả lũ với lưu lượng lớn, chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, nước đã dâng lên ồ ạt, khiến người dân chúng tôi không kịp trở tay. Nhiều gia đình bất lực nhìn tài sản, vật nuôi bị lũ cuốn trôi trong vô vọng”.

“Thời điểm đó, nhà tôi bị ngập cỡ 1,5m, đồ đạc trong nhà nổi lềnh bềnh, tôi phải kê chiếc giường lên cao cho con bê mới sinh được 6 ngày ở tạm. Tuy nhiên, do còn quá nhỏ, nó không chịu yên mà chạy nhảy lung tung nên mỗi lần bị rơi xuống nước, tôi lại phải bơi xuống lũ để bế nó lên”, ông Hạnh nói thêm.

Lý giải về việc “không cho bê con cùng lên thuyền đi chạy lũ thì thì hai ông bà không chịu đi sơ tán”, ông Hạnh tâm sự: “Nhà tôi ở cạnh con sông nối với sông Ngàn Mọ nên nước chảy như thác. Nếu mưa thêm ít nữa, lũ lên cao thì người dân khó mà sống sót.

Bố mải lo cứu người, con trai út 2 lần rơi xuống nước, suýt bị lũ cuốn trôi.

Tôi bảo vợ đi sơ tán, nhưng vừa bị mất hơn 100 con gà đẻ nên bà ấy tiếc của, muốn mang theo con bê. Tiền bạc không đáng bao nhiêu nhưng con vật mình chăm lo, nuôi nấng nên không đành nhìn nó bị nhấn chìm trong lũ. Người cháu là bộ đội ở Quân khu 4 về cứu hộ tại địa phương nhưng cháu chỉ cứu người, không cho mang theo động vật nên không giúp được. Rất may có chú Thành, nếu không thì chúng tôi không biết xoay sở làm sao”, giọng ông Hạnh chùng xuống.

“Gia đình tôi không có thuyền bè, không có áo phao nên không dám ra ngoài. Nhìn những con lợn hàng tạ cùng trâu bò bị nước cuốn trôi qua trước sân nhà, tôi rất xót xa nhưng không làm gì được”, ông Hạnh nhớ lại.

Cũng theo ông Hạnh, nhiều người dân trong thôn có thuyền nhưng họ không đi cứu hộ. Phần vì mưa to, nước chảy xiết nên họ sợ nguy hiểm, hơn nữa họ muốn ở nhà để bảo vệ tài sản và người thân của mình.

“Trong khi đó, chú Thành bỏ của nhà mình đi cứu được hàng trăm người thoát được lũ dữ, thật đáng khâm phục”, ông Hạnh xúc động.

Người hùng sau lũ nhiều lần bị kẻ gian “ghé thăm”

Gặp lại “người hùng” Lê Văn Thành vào những ngày cuối năm, khi cơn lũ vẫn còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân địa phương, dường như cuộc vật lộn với thiên tai để cứu người vẫn hiển hiện trước mắt anh.

“Tôi và các anh em làm việc thiện không tính toán gì, thấy bà con vào tình thế hiểm nguy thì nghĩ mình phải cứu được họ thoát nạn thôi. Mình có phương tiện, không đành lòng nhìn bà con gặp khó, tính mạng nguy hiểm mà bỏ mặc được”, anh nói chân thành.

Ngôi nhà ông Nguyễn Đình Nghĩa (thôn Quốc Tiến), bệnh nhân chạy thận được anh Thành chở đi lọc máu trong đêm.

Sau lũ, 5 tạ lúa bị ngâm nước đã hỏng, lên mầm, gần trăm con gà bị lũ cuốn trôi; các thiết bị trong gia đình bị ngâm lụt hư hỏng. Gần đây, nhà anh còn bị kẻ gian nhiều lần lấy trộm đồ nghề.

Sau khi lũ rút, gia đình vốn dĩ không khá giả gì, anh mượn tiền chị gái mua 30 cái lưới đánh tôm với số tiền 7,5 triệu đồng. Nhưng vừa đi thả bữa đầu tiên, chưa thu được gì thì bị kẻ gian lấy cắp.

Sau đó 1 tuần, vào đêm 17/11, kẻ gian lại lấy mất máy xăng, tay chèo của con thuyền đã cùng anh vượt lũ cứu người. Tiếp đó vào đêm 21/11, khi vợ chồng anh đi làm giúp đám cưới trong làng thì kẻ gian lại cắt trộm gần 100m dây điện từ nhà ra bờ sông Ngàn Mọ và lấy đi cái máy sạc bình ắc quy.

Trong đợt lũ lịch sử miền Trung vừa qua, anh Lê Văn Thành (SN 1982, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) dầm mình trong mưa lũ, sơ tán được hàng trăm người dân Cẩm Duệ đến nơi an toàn. Còn ở nhà anh, thóc lúa ngập hết, gần 100 con gà trôi theo dòng lũ, con trai anh bị rơi xuống nước suýt ảnh hưởng tính mạng.

Thời điểm lũ lên nhanh, anh Thành trên đường lái thuyền đưa bố và con trai đi tránh lũ, nước chảy xiết, thuyền bị đẩy trôi vào trụ sở UBND xã. Nhiều nhà dân trong thôn đã bị ngập sâu nên gọi điện nhờ đưa đi sơ tán. Trước sự an nguy của người dân, anh quyết định gửi bố và con trai ở lại ủy ban rồi lao thuyền đi cứu hộ.

Để có thêm người giải cứu người dân, anh Thành đã gọi thêm em trai là Lê Văn Công (SN 1984, trú cùng thôn) và 2 người bạn tham gia.

Nhiều ngôi nhà đã ngập đến mái mà hầu hết người dân vẫn đang bị mắc kẹt, chưa có ai sơ tán được vì chưa có thuyền cứu hộ.

Nghĩ rằng càng đưa được nhiều người ra ngoài thì càng tốt nên thuyền chạy liên tục, không kịp nghỉ ăn, anh Thành không nhớ là chở được bao nhiêu chuyến và đưa được bao nhiêu người đến chỗ an toàn. Chỉ nhớ trong đó có một cụ ông cần lọc máu cấp cứu ngay trong đêm, một gia đình không muốn rời nhà nếu không được đưa theo con bê đi cùng.

Nhiều người được cứu đã đưa tiền cảm ơn nhưng anh không nhận. Sau đó, chính quyền địa phương đề nghị anh cố gắng giúp dân, xã sẽ cấp xăng.

Khi đó, tại nhà, gần 100 con gà cùng toàn bộ tài sản, thóc lúa bị ngâm nước, trôi mất, hỏng hết. Phút cuối anh kịp về đưa vợ và các con đi tránh lũ.

Nhờ không ngại vượt lũ cứu người, anh Thành được Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên đã tặng giấy khen cùng 2 triệu đồng, một công ty hỗ trợ gia đình anh 5 triệu đồng để mua máy mới thay vào con thuyền bị chìm trong lũ khi cứu người.

Trần Hoàn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/lu-lon-qua-anh-thanh-van-lieu-cuu-dan-694803.html