Lư hương trước tượng Đức Thánh Trần để người dân 'bốn mùa hương khói'

Mấy mươi năm qua, lư hương luôn được đặt trước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) để người dân 'bốn mùa hương khói' tưởng nhớ. Phía dưới tượng có câu nói bất hủ: 'Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng'.

Tượng đài Đức Thánh Trần ở Quy Nhơn - Ảnh: HOÀNG TRỌNG

Từ đường Xuân Diệu ở TP.Quy Nhơn, du khách dễ dàng nhìn thấy tượng đài Trần Hưng Đạo uy nghi trên một mỏm núi cao khoảng 50m so với mực nước biển, bên dưới là làng chài Hải Minh (thuộc khu vực 9, P.Hải Cảng, TP.Quy Nhơn) tuyệt đẹp. Mỏm núi này nối liền với các dãy núi trên báo đảo Phương Mai, 3 mặt còn lại giáp với biển Đông.

Lư hương và câu nói bất hủ: “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”

Theo ông Mai Văn Xin, Khu vực (KV) trưởng KV.9, tượng Đức Thánh Trần ở Quy Nhơn được khởi công xây dựng vào năm 1971, khánh thành năm 1972. Kinh phí xây dựng do sự quyên góp của Hội Thánh Trần Bình Định và các mạnh thường quân.

Ban đầu, người dân gọi là Linh tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo, sau này chính quyền đổi tên thành Tượng đài Trần Hưng Đạo. Tượng đài này được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2007.

Tượng Trần Hưng Đạo ở Quy Nhơn được thể hiện trong tư thế một vị tướng chuẩn bị xung trận - Ảnh: ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Theo hồ sơ di tích, tượng Đức Thánh Trần ở Quy Nhơn được đúc bằng xi măng cốt thép, gồm 2 phần chính: bệ và tượng. Bệ tượng cao 3,9 m được tạo thành 2 cấp, 4 mặt xung quanh được ốp bằng đá cuội, giữa được tạc 4 bức phù điêu mô tả những hình ảnh, sự kiện tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên xâm lược.

Bức phù điêu trước mặt tượng thể hiện Trần Hưng Đạo đang trong tư thế đứng trước mũi thuyền rồng thống lĩnh ba quân trong trận chiến Bạch Đằng giang lịch sử. Phù điêu bên trái là hình ảnh Trần Hưng Đao dâng gươm cho vua Trần với câu nói bất hủ: “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”.

Phù điêu bên phải mô tả hình ảnh tướng Trần Bình Trọng hiên ngang trước mặt kẻ thù: “Ta thà làm quỷ nước Nam, không thèm làm vương đất Bắc”. Phù điêu ở mặt sau là bức tranh diễn tả hình ảnh các bô lão trong hội nghị Diên Hồng đang giơ cánh tay với quyết tâm “Quyết đánh”.

4 phù điêu trên bệ tượng Đức Thánh Trần ở Quy Nhơn - Ảnh: ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Tượng Trần Hưng Đạo được tạo dáng trong tư thế dũng mãnh, khuôn mặt quyết đoán của một vị tướng đang chỉ huy ba quân tiêu diệt quân xâm lược phương Bắc. Mặt tượng hướng về phía Bắc, mình mặc chiến bào, bên ngoài khoác áo choàng, đầu đội mũ sắt, chân trái đứng trụ, chân phải gác trên bệ thuyền, tay phải chỉ ra phía trước, tay trái nắm chuôi kiếm đeo ở thắt lưng trong tư thế chuẩn bị xung trận.

Phía trước tượng đài là hương áng, được đúc bằng xi măng, ốp đá mài, hai bên được tạo vắt cong lên. Trước hương áng là một lư hương (đỉnh) đúc bằng xi măng, trên thân có trang trí hình rồng, mây. Lư hương và án thờ này là nơi người dân và du khách thường xuyên đến dâng hương, dâng hoa.

Lư hương trước tượng Đức Thánh Trần ở Quy Nhơn - Ảnh: ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Có đền thờ, người dân vẫn bốn mùa hương khói tại đây

Tại Quy Nhơn còn có Đền thờ Đức Thánh Trần (ở số 596/17 Trần Hưng Đạo, phường Thị Nại) để người dân đến dâng hương, tưởng niệm. Tuy vậy, trước tượng đài Đức Thánh Trần (ở phường Hải Cảng) nhiều người dân và du khách vẫn thường xuyên đến thắp hương, tỏ lòng thành kính trước anh linh vị anh hùng dân tộc.

Theo ông Mai Văn Xin, trong niềm tin tâm linh của người dân TP.Quy Nhơn, tượng đài Trần Hưng Đạo rất linh thiêng. Nhiều người không gọi tên tuổi cụ thể của người anh hùng dân tộc này mà chỉ tôn kính gọi là tượng Đức Ông hay tượng Đức Thánh Trần.

“Người dân tin bao nhiêu cơn bão mạnh từ biển Đông ập vào nhưng TP.Quy Nhơn ít bị thiệt hại hơn những nơi khác là nhờ có Đức Thánh Trần che chở, đẩy gió đi hướng khác. Những tàu thuyền của ngư dân xuất phát từ đầm Thị Nại hay Cảng cá Quy Nhơn ra khơi đánh bắt thường hướng lên tượng Đức Thánh Trần khấn vái, cầu xin được bảo hộ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp vận tải ở TP.Quy Nhơn cũng thường xuyên đến dâng hoa, dâng hương lên tượng Đức Thánh Trần”, ông Xin nói về niềm tin của người dân đối với Đức Thánh Trần.

Tượng Đức Thánh Trần ở Quy Nhơn được đặt trên một mỏm núi nhô ra biển - Ảnh: ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Hàng năm, vào dịp giỗ Đức Thánh Trần (ngày 20.8 Âm lịch), Hội Đức Thánh Trần ở TP.Quy Nhơn và người dân địa phương thường tổ chức lễ dâng hương tại tượng đài Đức Thánh Trần ở Hải Minh vào chiều 19.8 Âm lịch, sau đó làm lễ rước về Đền thờ Đức Thánh Trần ở đường Trần Hưng Đạo (TP.Quy Nhơn).

Không chỉ có ngày giỗ, vào các ngày 1, 14, 15, 30 Âm lịch hàng tháng, ngày Tết, ngày khai ấn đền Trần…, nhiều người dân cũng đến dâng hương, dâng hoa tại tượng Đức Thánh Trần ở Quy Nhơn.

“Người dân làng chài Hải Minh chúng tôi xem Đức Thánh Trần là vị thần bảo hộ của mình. Không chỉ có lễ, tết, ngày thường cũng có người đến dưới chân tượng dâng hương, khấn vái, cầu cho mọi điều được tốt đẹp”, ông Xin nói.

Từ 2 năm trước đến nay, anh Nguyễn Hữu Tấn (43 tuổi, ở P.Trần Quang Diệu, TP.Quy Nhơn) vẫn đều đặn mỗi tuần đến tượng đài Đức Thánh Trần để quét dọn, thắp hương. Đây là hành động tự nguyện, xuất phát từ niềm tin, không có bất kỳ khoản thù lao nào.

“Trước kia, tôi có tham gia giúp việc cho Ban quan lý Đền thờ Đức Thánh Trần ở Quy Nhơn, sau nghỉ rồi rồi tự nguyện sang đây quét dọn. Tượng đài Đức Thánh Trần ở đây có nhiều người thường xuyên đến dâng hương, cúng bái không chỉ với mục đích cầu tài lộc mà còn tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc”, anh Tấn nói.

Một người dân ở Quy Nhơn dâng hoa dưới chân tượng Đức Thánh Trần - Ảnh: ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Anh Tấn tự nguyện đến quét dọn, dâng hương tại tượng Đức Thánh Trần - Ảnh: ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Theo tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Nguyên giám đốc Bảo tàng Bình Định, việc thờ phụng một nhân vật lịch sử có công là truyền thống đạo lý của nhân dân ta. Xuất phát từ quan niệm của người xưa: “Sinh vi tướng, tử vi thần” (sinh thời một đời vì dân vì nước, khi mất hóa thánh cứu nhân độ thế). Nên đối với nhân dân, Đức Thánh Trần Hưng Đạo vừa vĩ đại vừa gần gũi, người dân thường tìm đến lúc vui hay buồn, hoạn nạn để mong che chở.

Thông qua tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần trong dân gian, những giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với nhân vật và giai đoạn lịch sử ấy được bồi đắp trong lòng dân, đó cũng là một cách ghi nhớ và hiểu sâu sắc hơn lịch sử nước nhà, tiến sĩ Hòa cho hay.

Hoàng Trọng

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/doi-song/lu-huong-truoc-tuong-duc-thanh-tran-de-nguoi-dan-bon-mua-huong-khoi-1053157.html