Lữ đoàn ở miền Tây xứ Nghệ

Cũng do cơ duyên và công việc nên tôi có nhiều dịp được đến với Lữ đoàn Công binh 414 (Đoàn Công binh Hải Vân) thuộc Quân khu 4. Lần đầu tôi đến lữ đoàn công tác đã cách đây hơn 20 năm. Khi ấy, doanh trại của lữ đoàn hầu hết là nhà cấp 4, nhưng như thế cũng đã là khang trang so với các đơn vị khác trong quân khu lúc bấy giờ.

Anh Hoàng Trọng Thưởng, lúc đó là Phó lữ đoàn trưởng về chính trị trò chuyện với chúng tôi rất cởi mở về nhiệm vụ của lữ đoàn, mọi số liệu anh nói vanh vách mà chẳng cần sổ sách gì. Anh Thưởng bảo: “Đơn vị của chúng mình có truyền thống làm thực chất, chỉ huy lăn lộn cùng bộ đội trên công trình, dưới thao trường nên mọi việc nó nằm sẵn ở trong đầu rồi...”. Thế nên đến bây giờ tôi vẫn không quên được câu chuyện với anh, mặc dù anh đã đi xa sau đợt bạo bệnh cách đây 14 năm.

 Bộ đội Đoàn Công binh Hải Vân luyện tập ghép phà vượt sông. Ảnh: TRẦN TRUNG

Bộ đội Đoàn Công binh Hải Vân luyện tập ghép phà vượt sông. Ảnh: TRẦN TRUNG

Lần tôi đến lữ đoàn gần đây là năm 2018, bây giờ nhà cửa của bộ đội đã rất khang trang, quy hoạch gọn gàng, khoa học. Tác phong của cán bộ, chỉ huy lữ đoàn vẫn như xưa, nghĩa là vẫn sâu sát, tỉ mỉ, năng nổ, nhiệt tình với nhiệm vụ, công việc. Đại tá Đậu Trung Thông, Lữ đoàn trưởng nói với chúng tôi: “Nhiệm vụ của lữ đoàn vẫn không thay đổi anh ạ. Truyền thống của đơn vị thì ngày một dày, tình đoàn kết quân dân càng thêm bền chặt. Sở dĩ như vậy là vì từ khi lữ đoàn ra đời đến nay đều gắn bó mật thiết với nhân dân. Trong chiến đấu thì cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn ở nhờ nhà dân để bảo đảm cầu đường cho bộ đội, dựa vào dân mà chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong thời bình, lữ đoàn thực hiện rà phá bom, mìn sót lại sau chiến tranh để dân có đất sản xuất; hỗ trợ nhân dân xây trường, làm đường, xóa đói, giảm nghèo; tổ chức cứu hộ, cứu nạn, giúp dân di dời nhà cửa, tài sản khi mùa mưa bão đến… Ở miền Tây xứ Nghệ, sông suối đều ngắn và dốc nên cứ mùa mưa đến là nước ộc thẳng xuống sông Lam gây lũ lụt. Thế nên ca nô, xuồng cứu hộ, lực lượng vượt sông của đơn vị lúc nào cũng sẵn sàng. Dân cần, cấp ủy, chính quyền địa phương cần là mình đến, chúng tôi nghĩ Bộ đội Cụ Hồ-Bộ đội của dân là như thế”.

Xem lại bản báo cáo của đơn vị năm 2018, chúng tôi thấy chỉ trong vòng 6 tháng nhưng đơn vị đã có 9 lần huy động lực lượng, phương tiện đi giúp dân dập lửa cứu rừng, cứu hộ, cứu nạn với gần 450 lượt cán bộ, chiến sĩ và hàng chục lượt phương tiện. Có nhiều đêm bộ đội vừa đặt lưng xuống giường thì nhận được tin cháy rừng ở Nam Đàn, thế là từ chỉ huy lữ đoàn cho đến chiến sĩ dưới phân đội lập tức lao đi lấy dụng cụ cứu hỏa, rồi tỏa ngay xuống cơ sở, cùng nhân dân cứu rừng. Có bộ đội đến, cấp ủy, chính quyền địa phương yên tâm hẳn, bởi họ vừa có tinh thần nhiệt huyết, vừa có kinh nghiệm trong việc xử lý “bà hỏa” cứu rừng. Cũng có lần (năm 2015), hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của đơn vị ba lô trên vai hành quân vào tận Hà Tĩnh giúp dân chống lũ cả chục ngày trời. Đến khi lũ rút, làng xóm sạch sẽ phong quang, họ mới lại khăn gói trở về đơn vị. Còn nữa, trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Nam Đàn, bộ đội công binh Hải Vân đã giúp các xã hàng trăm ca máy san nền, làm đường bê tông… góp phần tích cực vào việc đưa Nam Đàn về đích nông thôn mới trong năm 2018. Nếu không xác định rõ quyết tâm, không có tinh thần vì dân thì thật khó làm được những việc như thế.

Trong câu chuyện của anh Thông, chúng tôi được biết, hiện nay đơn vị có một cái khó là quân số luôn phân tán do phải thực hiện nhiệm vụ trên nhiều tỉnh thuộc quân khu, vì vậy việc quản lý, duy trì kỷ luật đối với bộ đội là rất quan trọng. Nếu lơ là, để xảy ra vụ việc thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Chính vì vậy, lữ đoàn đã lựa chọn những cán bộ có trách nhiệm, có trình độ, nghiệp vụ vững vàng, có năng lực lãnh đạo, chỉ huy để giao chỉ huy các bộ phận hoạt động độc lập. Đơn vị cũng kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra thường xuyên với đột xuất, thế nên chỉ huy lữ đoàn phải đi lại như con thoi giữa các địa phương. Tại một số công trình trọng điểm, ở những nơi khó khăn, lữ đoàn cử hẳn cán bộ, chỉ huy xuống “3 cùng” với bộ đội. Có chỉ huy cấp trên ở bên, anh em chiến sĩ cũng tự tin hơn nhiều, nhất là khi gặp những tình huống khó đòi hỏi phải xử lý ngay. Có lẽ vì thế mà các công trình do lữ đoàn đảm nhiệm đều bảo đảm tốt tiến độ và chất lượng, được các đơn vị, địa phương khen ngợi, đơn vị giữ vững an toàn.

Ra đời đúng vào ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ (19-5-1972), sau gần 50 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Công binh Hải Vân luôn biết cách khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, gắn bó, giúp đỡ nhân dân hết mình. Họ thực sự là chỗ dựa của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ở miền Tây xứ Nghệ trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và nhiều nhiệm vụ khác.

TRẦN VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/lu-doan-o-mien-tay-xu-nghe-574331