Lữ đoàn 962 (Quân khu 9): Không ngừng nâng cao công tác giáo dục chính trị

Thực hiện Đề án 'Đổi mới công tác giáo dục chính trị (GDCT) tại đơn vị trong giai đoạn mới', 5 năm qua (2013-2018), cấp ủy, chỉ huy Lữ đoàn 962 (Quân khu 9) đã triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Nhiều đơn vị có cách làm hay đã góp phần định hướng tư tưởng, đề cao ý thức, trách nhiệm của chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ.

Lữ đoàn 962 tổ chức hội thi thanh niên quân đội với văn hóa giao thông.

Nâng cao chất lượng giảng dạy của cán bộ chính trị

Theo Thượng tá Lê Thanh Nhã - Phó Chính ủy Lữ đoàn 962, nâng cao chất lượng giảng dạy của cán bộ chính trị là khâu đầu tiên mà cấp ủy, chỉ huy đơn vị đề ra khi triển khai thực hiện Đề án. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Lữ đoàn xem đây là điều kiện thuận lợi và yêu cầu đội ngũ cán bộ chính trị học tập, áp dụng phương pháp soạn bài và giảng bài bằng giáo án điện tử. Lữ đoàn rất coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình GDCT như: Biên soạn bài giảng bằng máy vi tính và sử dụng trình chiếu trong giảng dạy chính trị cho các đối tượng. Cách biên soạn bài giảng của cán bộ giảng dạy chính trị đã ngắn gọn, tóm tắt được những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; vận dụng công nghệ trình chiếu để lên lớp và xem băng hình bổ trợ, để tăng thời gian cho người học trao đổi tọa đàm, đối thoại trực tiếp trên lớp và nghiên cứu thảo luận theo từng vấn đề. Qua đó, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị và nhận thức của cán bộ, chiến sỹ trong tiếp thu bài giảng không ngừng được nâng lên.

Tìm hiểu thực tế tại đơn vị, chúng tôi được biết, Lữ đoàn luôn bám sát phương châm “1 giảm, 1 tăng, 3 thực chất”, kết hợp tốt giữa giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên, giáo dục chung với giáo dục riêng, giáo dục truyền thống với hiện đại, cũng như kết hợp giữa truyền thụ kiến thức với trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, vận dụng phù hợp phương pháp thuyết trình cho từng nội dung, giảm bớt thời gian lên lớp lý thuyết và việc ghi chép của người học. Đặc biệt, trong từng bài giảng, đã kết hợp tốt giữa các phương pháp như: thuyết trình, phân tích, kết hợp với trình chiếu, lấy dẫn chứng minh họa, hình ảnh trực quan, gắn lý luận với thực tế đơn vị, sinh động, giúp người học tiếp thu bài một cách dễ hiểu, dễ nhớ.

Trung sỹ Nguyễn Thành Quý, Tiểu đội trưởng thông tin, Phòng Tham mưu bộc bạch: “Được xem hình ảnh hoạt động hết sức sinh động của đơn vị qua các bài giảng, tôi thấy giờ học chính trị nhẹ nhàng, dễ tiếp thu hơn trước rất nhiều. Với các chiến sĩ mới cũng vậy, anh em luôn chăm chú lắng nghe và theo dõi những hình ảnh huấn luyện, diễn tập, tham gia hội thi, hội thao của đơn vị”.

Đại úy Nguyễn Thanh Hiện, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 2 nêu ví dụ: Ở bài giảng truyền thống Lữ đoàn, nếu như phương pháp giảng cũ chỉ giới thiệu đôi nét quá trình xây dựng, chiến đấu của đơn vị qua các thời kỳ, rồi đọc tên một số vị chỉ huy tiêu biểu. Thì nay, ở những nội dung này, chúng tôi đều minh họa bằng hình ảnh cụ thể, giúp anh em dễ dàng cảm nhận và vận dụng linh hoạt các kiến thức được tiếp thu vào trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 962 tham quan triển lãm.

Trong giáo dục thường xuyên, đơn vị làm tốt công tác định hướng tư tưởng, đấu tranh phê phán các quan điểm, tư tưởng sai trái, thói hư, tật xấu trong cơ quan, đơn vị và từng cá nhân; đồng thời, đẩy mạnh việc“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, đưa kết quả giáo dục chính trịvào bình xét thi đua khen thưởng, phân tích chất lượng đảng viên, đoàn viên; thực hiện tốt tuyên truyền, giáo dục thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục trong đơn vị. Bên cạnh đó, Lữ đoàn thường xuyên duy trì nghiêm các chế độ đọc báo, nghe đài, thông tin thời sự, thông báo chính trị, chủ động nắm bắt dư luận, kịp thời thông tin, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ, nhất là trước các vấn đề phức tạp, nhạy cảm; các sự kiện lớn của đất nước.

Thượng tá Lê Thanh Nhã cho biết thêm: “Trong khai thác, sử dụng internet, chúng tôi thường nhắc nhở anh em tuân thủ nghiêm quy định giữ gìn bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, không được làm sai lệch thông tin, và duy trì nghiêm nền nếp thông qua bài giảng, để kịp thời khắc phục ngay những điểm hạn chế hoặc chưa phù hợp”.

Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy

Ngoài thực hiện đúng chương trình, thời gian giáo dục chính trị theo quy định của trên, Lữ đoàn thường xuyên tăng cường giáo dục bổ trợ; trong đó, chú trọng vào các nội dung: Lịch sử truyền thống đơn vị, địa phương; tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại quân sự; tình hình biển, đảo. Coi trọng giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục pháp luật, kỷ luật quân đội, và đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ.

Chia sẻ, động viên các chiến sỹ mới.

Đến nay, Lữ đoàn đã thực hiện tốt công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp giảng dạy chính trị cho đội ngũ cán bộ chính trị các cấp; bồi dưỡng phương pháp thông qua bài giảng chính trị, kỹ thuật soạn giáo án điện tử, phương pháp giảng bài chính trị có sử dụng trình chiếu, 100% cán bộ chính trị biết giảng bài chính trị kết hợp sử dụng trình chiếu. Ngoài ra, Lữ đoàn còn trích quỹ từ tăng gia sản xuất để mua thêm các trang thiết bị mới cho công tác giáo dục như: tổ chức mua sắm máy vi tính, tivi, đầu đĩa, làm pano khẩu hiệu, sơ đồ bài giảng, sách học tin học...

Không chỉ riêng cán bộ chính trị, mà cán bộ ngành tham mưu Lữ đoàn cũng áp dụng phương pháp giảng bài bằng giáo án điện tử ở những nội dung: Điều lệnh quản lý bộ đội, huấn luyện trang bị cứu hộ cứu nạn, vật cản, … Đây chính là điều kiện thuận lợi đưa công tác huấn luyện cũng như giáo dục chính trị của đơn vị ngày một hiệu quả hơn, đạt chất lượng cao hơn./.

Thành Tâm

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/quoc-phong-an-ninh/lu-doan-962-quan-khu-9-khong-ngung-nang-cao-cong-tac-giao-duc-chinh-tri-501305.html