Lũ cuồn cuộn dâng, nhiều địa phương bị cô lập, nhà sập, người chết

Mưa lũ đã khiến nhiều địa phương trên cả nước bị ngập lụt, cô lập, 3 người được xác định đã chết, hơn 270 nhà bị sập đổ, hư hỏng, ngập nước, cuộc sống người dân vùng ngập lụt đang rất khó khăn.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, theo báo cáo nhanh các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, tính đến ngày 30/8, mưa lũ đã gây ra những thiệt hại nặng nề.

Cụ thể, mưa lũ khiến 3 người chết (tăng 02 người so với Báo cáo ngày 29/8, tăng 1 người tại Yên Bái và tìm thấy thi thể người mất tích tại Sơn La).

Mưa lũ khiến 371 nhà bị sập đổ, hư hỏng, ngập nước (Điện Biên: 68 nhà; Sơn La: 31 nhà; Thái Nguyên: 01 nhà; Hòa Bình: 17 nhà, Yên Bái: 01 nhà, Thanh Hóa: 225 nhà, Nghệ An: 28 nhà); 54 nhà phải di dời khẩn cấp (Sơn La: 45 nhà; Thái Nguyên: 01 nhà, Điện Biên: 05 nhà; Nghệ An: 03 nhà); 1.006 ha lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại (Điện Biên: 270 ha; Bắc Kạn: 44ha; Sơn La: 104 ha; Hòa Bình: 462 ha, Thanh Hóa: 127ha); 73 con gia súc, 100 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 53 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; sạt lở 729.126 m3 đất đá.

Nước lũ dâng cao tại Sơn La.

Sơn La:

Do mưa lớn khiến tuyến đường Quốc lộ 6 từ huyện Mộc Châu nối với TP. Sơn La bị tê liệt hoàn toàn.

Đến sáng 31/8, mưa lũ trên địa bàn huyện Mai Sơn đã làm 1 người dân xã Nà Bó bị lũ cuốn trôi, hiện đã tìm thấy thi thể. Mưa lũ đã khiến trên 160 hộ dân phải di chuyển khẩn cấp đến vị trí an toàn.

TP Sơn La chìm trong biển nước.

Thiệt hại khoảng 200 ha hoa màu; 6 ha cá bị lũ cuốn trôi. 3 trường học bị nước lũ tràn ngập toàn bộ; 3 xã: Nà Ớt, Tà Hộc, Phiêng Pằn bị cô lập.

Học sinh phải nghỉ học do nước lũ.

Các tuyến Tỉnh lộ 110 nhiều đoạn bị sạt lở gây ách tắc giao thông đến nay vẫn chưa thông tuyến, 2 cầu treo của xã Hát Lót bị nước lũ cuốn trôi.

Clip nước ngập tại TP Sơn La.

Điện Biên:

Đợt mưa lũ đang diễn ra đã gây thiệt hại nặng nề cho địa phương, chính quyền nơi đây ước thiệt hại khoảng 120 tỉ đồng. Cụ thể, có 73 nhà bị thiệt hại; hàng trăm ha cây trồng bị ngập, vùi lấp; 14 điểm trường bị ngập thiệt hại; 6 công trình thủy lợi hư hỏng, 1 đập bị vỡ; hơn 300 m kênh mương bị đứt gãy, sạt lở, 150 m kè rọ đá bị hư hỏng.

Ngoài ra, mưa lũ làm 25 tuyến đường giao thông ở Điện Biên bị thiệt hại sạt lở; 166.179 m3 đất đá sạt lở taluy dương; 4.914 m3 đất tắc cống rãnh; 6 tứ nón bị hư hỏng; 341 m ta luy âm sạt lở; 1 cầu bê tông cốt thép bị trôi...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn 60 hộ dân chưa có chỗ ở ổn định, họ đang sống trong cảnh ở nhờ, ở tạm bằng lều lán sinh sống trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét cao.

Hòa Bình:

Hai chiến sĩ đội cảnh sát bảo vệ HĐND –UBND tỉnh Hòa Bình bị thương do tường sập, một chiến sĩ bị điện giật.

Tường bao nhà ở chiến sĩ đội cảnh sát bảo vệ HĐND –UBND tỉnh Hòa Bình bị đổ sập.

Các huyện Mai Châu, Tân Lạc mưa lũ lớn làm ngập úng nhiều diện tích đất nông nghiệp, cuộc sống người dân khó khăn.

Thanh Hóa:

Rạng sáng ngày 31/8, mực nước tại các sông Mã, sông Bưởi sông Lèn dâng cao lên mức II và III (cảnh báo nguy hiểm).

BCH PCTT & TKCN tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai ngay các giải pháp an toàn.

Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Tại huyện Bá Thước ngập úng nghiêm trọng, người dân đã phải di chuyển bằng thuyền, bè mảng rất khó khăn. Huyện Bá Thước đã di dời 195 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Nghệ An:

Lãnh đạo huyện Tương Dương vừa bác tin đồn vỡ đập Thủy điện Bản Vẽ. Hiện chính quyền và lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện Tương Dương đang tập trung giúp dân các vùng hạ du ứng phó với mưa lũ.

Nhà máy thủy điện Bản Vẽ.

Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An, 13 nhà dân ở thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông) đang bị ngập sâu. Ngoài ra, tại huyện Tương Dương có 15 nhà đã bị ngập sâu và 10 nhà bị sụt lún, sạt lở phải di dời.

Hiện người dân địa bàn các huyện miền núi tỉnh Nghệ An như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông đang chạy lũ.

An Giang dự kiến di dời 1790 hộ dân nếu lũ lên báo động 3

Theo báo cáo nhanh của Chi cục Phòng, chống thiên tai Miền Nam, tác động của lũ ĐBSCL đến sản xuất và dân sinh, hiện An Giang đã di dời 114 hộ, dự kiến lũ BĐ3 sẽ di dời 1.790 hộ. Các tỉnh khác chưa phải di dời dân, nếu lũ lên BĐ3 riêng tỉnh Đồng Tháp khả năng không ảnh hưởng đến khu vực dân cư; tỉnh Kiên Giang phải di dời khoảng 3.427 hộ dân; tỉnh Long An phải di dời khoảng 8.723 hộ dân.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/lu-cuon-cuon-dang-nhieu-dia-phuong-bi-co-lap-nha-sap-nguoi-chet-1108063.html