LS. Trương Trọng Nghĩa: Lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân làm trung tâm

Bởi nhiều lý do, trong một thời gian dài, đổi mới chính trị đã chậm bước và thiếu đồng bộ với đổi mới kinh tế, khiến hoạt động của Nhà nước và pháp luật yếu hiệu lực, kém hiệu quả và bất cập.

Hình thái nhà nước pháp quyền đã phát triển ở phương Tây, và các quốc gia kinh tế thị trường (tư bản chủ nghĩa). Hồ Chí Minh là người đã sớm tiếp thụ học thuyết này và áp dụng nó cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 - 1946. Sau Hiệp định Genève, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Hiến pháp 1960, được định nghĩa là nhà nước “dân chủ nhân dân”. Tuy nhiên, sau khi đất nước thống nhất năm 1976, Hiến pháp 1980 đã thay đổi Việt Nam là “nhà nước chuyên chính vô sản”.

Trong Hiến pháp 1992, cụm từ “chuyên chính vô sản” không còn. Sau khi Hiến pháp 1992 được sửa đổi vào năm 2001, Việt Nam được định nghĩa là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân” và định nghĩa này được giữ nguyên trong Hiến pháp 2013 hiện hành.

Như vậy, dù Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì xác định mục tiêu của đất nước là xây dựng chủ nghĩa xã hội theo hệ tư tưởng Marx - Lenin, nhưng lại không sử dụng mô hình nhà nước chuyên chính vô sản mà chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

LS. Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

LS. Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

Kể từ Đại hội Đảng VI, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chấp nhận đường lối phát triển đất nước bằng kinh tế thị trường, đồng thời cũng khẳng định phải đổi mới chính trị, tuy nhiên đổi mới kinh tế là ưu tiên. Bởi nhiều lý do, trong một thời gian dài, đổi mới chính trị đã chậm bước và thiếu đồng bộ với đổi mới kinh tế, khiến hoạt động của Nhà nước và pháp luật yếu hiệu lực, kém hiệu quả và bất cập. Điều này đã tạo ra những hệ lụy tiêu cực, như nạn thao túng quyền lực, chạy chức quyền, tham nhũng, lãng phí của công, câu kết giữa chính quyền với các nhóm lợi ích, mất dân chủ với nhân dân, từ đó làm giảm sút nghiêm trọng lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Nhận thức được nguy cơ này, từ cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, Đảng đã đẩy mạnh cải cách chính trị, mà trọng tâm là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, song song với việc củng cố, hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường. Nhằm mục tiêu đó, Đảng đã thúc đẩy và chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp và pháp luật theo hướng tăng cường kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh cải cách tư pháp, thúc đẩy dân chủ thông qua các cam kết công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, tăng cường kiểm tra, xử lý các cán bộ, công chức vi phạm, suy thoái theo phương châm “không có vùng cấm”. Các luật do Quốc hội ban hành đã tăng lên nhiều về số lượng, phủ kín hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, và cũng có những bước tiến về chất lượng và kỹ thuật lập pháp.

Trong Báo cáo Chính trị (dự thảo) chuẩn bị cho Đại Hội Đảng XIII, Đảng đã xác định “xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” như một trong những giải pháp cơ bản, lâu dài để quản lý, điều hành nền kinh tế theo các quy luật của thị trường, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân làm trung tâm. Để khắc phục những yếu kém của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời gian qua, (theo tác giả), sau đây là những điều cấp bách: hình thành và hoàn thiện các cơ chế kiểm soát quyền lực để chống lạm quyền, chống tham nhũng và lãng phí, chống bè phái và lợi ích nhóm trong phân bổ nguồn lực, phân bổ cơ hội và phân bổ chức vụ; tăng cường việc tuân thủ đúng, chấp hành nghiêm, thực thi đầy đủ các quy định pháp luật bởi mọi công dân, bao gồm cả cán bộ, công chức nhà nước; tiếp tục cải cách tư pháp và cải cách hành chính mạnh mẽ và hiệu quả hơn, nhất là xây dựng đội ngũ tư pháp và hành chính liêm khiết, chuyên nghiệp, công minh.

Thượng Tùng - Duy Thông thực hiện

_______________

(*) LS. Trương Trọng Nghĩa là đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ls-truong-trong-nghia-lay-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cua-nguoi-dan-lam-trung-tam-28378.html