Lọt hố ga không thấy khởi tố: Nhiều vụ tự ngã vào?

Nhiều vụ việc hố ga không có lắp đã được cắm biển cảnh báo, dăng dây xung quanh nhưng trẻ nhỏ vẫn cứ chạy vào gặp tai nạn.

Khó xử lý!

Ngày 17/10/2019, trao đổi với Đất Việt, nhiều địa phương từng xảy ra những vụ tai nạn lọt xuống hố ga trên các trục đường giao thông cho rằng, việc xử lý trách nhiệm hành chính hoặc hình sự cá nhân, tập thể rất khó vì đôi khi lỗi lại thuộc về chính những nạn nhân.

Điều này khiến dư luận băn khoăn. Đơn cử như tại Bình Định vào giữa tháng 9/2019, nhiều tờ báo trong nước đưa tin, một bé gái đi ăn sáng cùng với mẹ đã bị rơi xuống miệng cống công trình làm đường, trôi xuống cống thoát nước của TP. Quy Nhơn.

Thậm chí, hiện trường xảy ra sự việc là nơi chỉ trước đó mấy ngày cũng có người lọt xuống nhưng không thấy chủ đầu tư khắc phục, dẫn đến 2 sự việc liên tiếp xảy ra.

Hiện trường nơi cháy bé lọt xuống hố ga vào giữa tháng 9/2019 tại Bình Định.

Hiện trường nơi cháy bé lọt xuống hố ga vào giữa tháng 9/2019 tại Bình Định.

Tuy nhiên, ông Lê Từ - Giám đốc BQL Dự án các công trình giao thông Bình Định cho biết, chủ đầu tư dự án này chỉ cần đậy miệng cống hố ga lại là xong mà không bị xử lý vi phạm hành chính hay hình sự.

Theo ông Từ, khó có thể xem xét trách nhiệm hành chính hoặc hình sự để xử lý cá nhân hoặc tập thể trong sự việc. Lý do là sự việc chưa để lại hậu quả nghiêm trọng, bên cạnh đó chủ đầu tư cũng đã cắm biển cảnh báo, khắc phục sự cố ngay khi có tai nạn xảy ra.

Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Tùng - Chánh Văn phòng UBATGT tỉnh Quảng Ninh cho biết, trên địa bàn từng 2 lần xảy ra tình trạng lọt xuống hố ga không có nắp. Hai vụ việc xảy ra cách nhau vài năm, ở 2 khu vực khác nhau chứ không xảy ra liên tiếp.

"Như vụ việc cháu bé học sinh rơi xuống hố ga tại công trình đang thi công vào năm ngoái. Chủ đầu tư mặc dù đã cắm biến cảnh báo, giăng dây nhưng do mưa lớn, nước ngập khiến nạn nhân không phát hiện ra khu vực nguy hiểm mà ngã vào. Trong trường hợp này rất khó xác định lỗi do chủ đầu tư dự án vì họ đã cảnh báo nhưng vẫn có người đi vào gặp tai nạn" - ông Tùng nói.

Ông Tùng thừa nhận, việc xử lý hành chính hoặc hình sự trong các vụ việc lọt hố ga trên các tỉnh thành hiện nay đang gặp khó bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do thời tiết, khiến đường ngập lụt làm nạn nhân không phát hiện ra vùng nguy hiểm.

Còn nguyên nhân chủ quan là do chính nạn nhân tự ngã vào mặc dù đã có cảnh báo.

Trước đó, vào ngày 16/10/2019, tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT Quý 3 và triển khai nhiệm vụ Quý 4/2019 vào chiều 16/10, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho hay, nhiều vụ hố ga không đậy nắp khiến người dân bị lọt xuống tử vong có yếu tố vi phạm cả hành chính và hình sự nhưng không thấy xử lý.

"Có trường hợp sửa xong hố ga không đậy nắp, không cảnh báo nên người đi bộ lọt xuống chết, hay nước ngập xe máy trôi xuống hố ga chết người.

Việc vi phạm này là có cả yếu tố hành chính và hình sự. Tôi đề nghị các ngành có trách nhiệm phải xử lý nghiêm. Cái gì là hình sự thì dứt khoát xử lý hình sự.

Vụ thanh niên đón xe buýt lọt hố ga chết ở TP.HCM năm 2017 tôi đề nghị các đồng chí xem xét có xử lý hình sự hay không nhưng không thấy khởi tố và không báo cáo lại.

Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ vi phạm xây dựng gây cản trở giao thông gây nguy hiểm, dẫn tới hậu quả lớn" - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

"Trả lời khó hiểu!"

Trong khi đó, nhiều luật sư cho rằng, trong những vụ lọt hố ga thì không chỉ có trách nhiệm trực tiếp của đơn vị thi công đã tắc trách, gây mất an toàn cho những người xung quanh mà còn có lỗi của đơn vị, cá nhân quản lý trên địa bàn đã buông lỏng, không có sự giám sát chặt chẽ.

"Hầu hết các công trình xảy ra những vụ lọt hố ga đều không đủ tiêu chuẩn an toàn khi thi công. Biển báo, rào chắn thực chất chỉ làm cho có. Không thể đổ lỗi cho nạn nhân trong những trường hợp này được" - Luật sư Nguyễn Văn Thành cho biết.

Theo ông Thành, đối với những công trình thi công ngoài công cộng, việc đảm bảo an toàn cho những người xung quanh phải được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, trong mọi trường hợp xảy ra tai nạn lao động thì luôn có lỗi của trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công.

Luật sư Phạm Văn Hướng cho rằng, Luật Giao thông đường bộ về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác quy định, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi đang làm và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Do vậy, có thể phải khởi tố đơn vị thi công về tội "Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông" khi có vụ việc lọt hố ga xảy ra.

Chính quyền địa phương cũng thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, nhắc nhở, đôn đốc thực hiện các biện pháp an toàn, có thể bị xử lý tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Thanh Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lot-ho-ga-khong-thay-khoi-to-nhieu-vu-tu-nga-vao-3389667/