Lớp xóa mù chữ cho những trẻ em nghèo

Hơn 7 năm qua, những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở khu phố 5, phường Linh Trung, quận Thủ Đức TPHCM cứ đến mỗi buổi tối lại dắt tay nhau đến lớp học với bao khát vọng. Đó là một lớp học đặc biệt do chính các bạn sinh viên mở ra và tự đứng lớp giảng dạy với mong muốn giúp đỡ cho các em nhỏ tiếp cận với tri thức và nhận biết con chữ.

Mỗi "giáo viên" sẽ phụ trách dạy một nhóm học sinh để các em nắm bắt kiến thức chi tiết.

Khát khao “cái chữ” của những đứa trẻ nghèo

Cứ đến chập tối, những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố lại hân hoan tìm đến lớp học nhỏ ở đường 18, khu phố 5, phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Những tiếng đánh vần, tiếng đọc bài vang lên làm ấm lòng những người dân nơi đây. Đã hơn 7 năm qua, trừ thứ 7 và chủ nhật, vào khoảng 18 giờ đến 20 giờ mỗi ngày lớp học đều có những học sinh nhí đến tham gia để được học, được viết từng con chữ.

Những em nhỏ hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ đi làm thuê ở xa, nhà nghèo nên không đủ điều kiện cho các em đi học. Trong hoàn cảnh đó, năm 2011, lớp học tình thương tại khu phố được mở ra. Điểm đặc biệt của lớp học là thành phần giáo viên đều do những thầy cô chưa bằng cấp – đó là các bạn sinh viên tình nguyện đứng lớp giảng dạy. Đến với lớp học, các em nhỏ nơi đây được học chữ, dạy cách viết.

“Con học ở đây được 1 năm rồi, lúc trước con đi theo mẹ hái cà phê nên học muộn. Con chỉ học ở chỗ này chớ không học chỗ nào nữa. Thầy cô bảo con học tiến bộ môn Tiếng Việt và Toán”. Đó là những lời của em Lý Minh Kha (10 tuổi) chia sẻ về hoàn cảnh cũng như thành tích học tập của em trong năm vừa qua.

Theo lời kể của các “thầy cô”, ban đầu lớp cũng vắng, vì các em còn rụt rè. Sau đó, em này bảo em kia, thế là dắt tay nhau cùng đến lớp. Hiện tại lớp đã có khoảng 15 em học sinh với nhiều độ tuổi khác nhau, có em vừa đến tuổi đi học có em quá tuổi học vỡ lòng, một số em đang học phải nghỉ giữa chừng do hoàn cảnh gia đình. Những em nhỏ hầu hết đều khát khao đến lớp, muốn được học chữ, muốn viết, muốn làm những phép tính toán mà các “thầy cô” đã dạy.

Được biết, lớp học này là công trình thanh niên do Đoàn phường Linh Trung đứng ra xây dựng và quản lí. Cảm thông trước những hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn khát vọng kiến thức, UBND phường đã cho mượn địa điểm để sinh viên làm nơi dạy học cho các em nhỏ. Hơn 7 năm qua, lớp học vừa là nơi các em tiếp thu tri thức vừa là sân chơi để các em quen biết nhiều bạn hơn và hiểu được nhiều điều từ những bài học vỡ lòng.

Cái tình trong từng con chữ

Lớp học đơn sơ với một gian và những bàn ghế cũ kỹ, cái bảng đen, vài viên phấn, nhưng lại là nơi ấp ủ bao nhiêu tình cảm giữa thầy và trò khi đến với lớp học này. Người đứng ra thành lập lớp học này là anh Nguyễn Xuân Thạch (27 tuổi) cùng nhóm sinh viên của trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Ban đầu vật chất còn thiếu thốn, những bạn sinh viên có sách, vở thì mang cho các em, phần còn lại là nhờ sự đóng góp của người dân xung quanh để duy trì lớp học.

Lớp học ổn định, nhiều em nhỏ đến học và tham gia vui chơi hơn, số lượng tình nguyện viên cũng tìm đến để làm “giáo viên” cũng tăng dần. Mặc dù vậy, lớp học vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì cần nhiều giáo viên để kèm vì các em học tập theo từng nhóm nhỏ. Do các em vào học không cùng một lúc, nên mỗi giáo viên đứng lớp chỉ kèm 2-3 học sinh cùng lớp để hướng dẫn chi tiết cho các em. Một số em học được một thời gian thì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải bỏ học, một số em chỉ học lỏm từ anh chị, cũng có những em bắt đầu học từ bước vỡ lòng. Mỗi hôm có em nghỉ học vì bệnh thì em đó bị trễ bài, hôm sau phải dạy lại từ đầu. Vì thế lớp học bên cạnh đông học sinh còn có khá nhiều giáo viên đến để hướng dẫn các em học tập.

Bạn Viết Trí (SV năm 3- ĐH Kinh tế- Luật), tâm sự:“Lực lượng đến dạy lớp thường không đồng nhất, số lượng người đến từng buổi không cố định cho nên buổi đông buổi ít, có nhiều khi các bạn sinh viên đến đông thì ít em học, đến ít lại đông các em. Bên cạnh đó, do là sinh viên nên vấn đề về kỹ năng sư phạm khó biết xử lý những tình huống các em không nghe lời”.

Gắn bó với lớp học tình thương suốt nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Phương – một tình nguyện viên, luôn tâm niệm làm sao dạy cho các em biết đọc, biết viết và ngày ngày được tiếp thu kiến thức nhiều hơn. Chị Phương xúc động chia sẻ: “Tính ra mình dạy lớp này được 5 năm rồi. Các em ở đây học chậm hơn là trường chính vì nhiều em ở đây gia đình không có điều kiện cho đi học lại. Có một em dạy đọc hoài mà em ấy không biết đọc. Dạy 3 năm lớp 1, đến một hôm em ấy đọc được, thầy cô ở đây ai cũng mừng. Bây giờ em ấy đã đọc, làm toán được và ngày càng tiến bộ . Đến ngày nhà giáo Việt Nam có mấy em kiếm hoa, không biết ở đâu nhưng cũng mang đến tặng. Mấy em còn viết giấy thay thiệp, vẽ để chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam”.

Sự phát triển của lớp học luôn nhận được sự chia sẻ của những người dân nơi đây, năm 2013, UBND phường Linh Trung đã nâng cấp lớp học tình thương khu phố 5 thành lớp phổ cập giáo dục. Những em có kết quả tốt đảm bảo chất lượng còn có thể được cấp giấy chứng nhận phổ cập để các em tiếp tục đi học ở các lớp bổ túc văn hóa.

Đến với lớp học tình thương, những em nhỏ không chỉ được dạy về kiến thức mà còn được những “thầy, cô” giáo dạy về những bài học làm người, cách ứng xử giữa bạn bè với nhau và những mẩu chuyện nho nhỏ về đạo đức trong cuộc sống. Với nhiệt huyết của những giáo viên trẻ tuổi cùng những khát khao kiến thức của những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, tin rằng lớp học sẽ chắp cánh cho các em đi đến những chân trời xa hơn.

Châm Bùi

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/dao-tao/lop-xoa-mu-chu-cho-nhung-tre-em-ngheo-625601.ldo