Lớp Một ơi lớp Một…

Bao nhiêu năm đã trôi qua, tâm hồn tưởng đâu qua cuộc mưu sinh đã chai sạn mà sao thẳm sâu trong ký ức vẫn vẹn nguyên bài học thuộc lòng Gửi lời chào lớp Một: 'Lớp Một ơi! Lớp Một! Đón em vào năm trước, Nay giờ phút chia tay, Gửi lời chào tiến bước!…'.

Chợt nhớ thời xa xưa còn đi học. Lớp 1 khi đó sách giáo khoa chỉ có 2 cuốn là Tập đọc và Toán, in đen trắng với những hình minh họa mộc mạc. Bài học đầu tiên là chữ o, chữ a. Bao nhiêu năm vẫn không thể quên hình minh họa là chú gà trống vươn cao cổ gáy Ò ó o (chữ o) và chiếc ca uống nước (chữ a). Bọn học trò khi đó có cây bút chì xanh đỏ 2 đầu, tô chú gà đỏ chót, tô chiếc ca xanh và bông hoa in trên ca màu đỏ. Cuốn sách của tôi là do chị gái học từ năm trước để lại, chị đã tô con gà rõ khéo, tôi buồn tay, vẽ thêm màu xanh lung tung thành chú gà xanh đỏ chả giống ai…

Mấy ngày này, báo chí, mạng xã hội sôi sục chuyện liên quan đến bộ sách giáo khoa lớp 1. Bộ sách giáo khoa đầu tiên được thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, nhóm biên soạn toàn những giáo sư, tiến sĩ khả kính... Vị giáo sư chủ biên bộ Cánh Diều cho biết, nội dung toàn phỏng theo các câu chuyện của các đại văn hào thế giới, ý nghĩa giáo dục cao như thế mà sao dư luận không hiểu. Các bậc cha mẹ nghe thôi đã nhức đầu, huống chi con em mình phải học. Dư luận ồn ào đến mức khi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng phải giao kiểm tra lại để xử lý.

Thương cho học trò ngày nay, chả mấy khi tìm thấy niềm vui khi đến trường. Hết cải tiến rồi đến đổi mới… Mấy năm trước, phong trào cải tiến chữ quốc ngữ, chữ cái viết không có bụng, chỉ có nét sổ thẳng, nhìn trang viết cứ như cái bàn đinh. Không cải tiến chữ viết thì cải tiến phương pháp dạy và học, chữ cái bắt đầu học là chữ e, chữ i thay cho chữ o, chữ a… Rồi phương pháp học VNEN du nhập đâu từ Colombia xa lắc về, học trò bầu nhóm trưởng, học không quay lên bảng mà chụm nhìn nhau. Thương cho học trò xứ mình quá đi mất.

Sao dạy cho lũ trẻ biết mặt chữ, biết những bài học đầu đời lại phức tạp thế nhỉ? Cái tuổi mà giờ đây khối cô cậu mới tập tự xúc ăn, tối ngủ còn đòi mò ngủ với mẹ mà sao người lớn cứ lo nhồi nhét kiến thức, cứ sợ các cháu không cập nhật được kho tàng kiến thức đồ sộ của thế giới. Hay là thời hiện đại, các cháu mới sinh ra toàn uống sữa ngoại nên kiến thức cũng phải tân tiến. Sách dạy trẻ mà toàn thấy phỏng theo các nhà đại văn hào thế giới, bao chuyện cổ, chuyện dân gian của ông cha đi đâu hết nhỉ?

Hay là các vị giáo sư, tiến sĩ soạn sách cho các cháu không phải học ê a những từ mà chúng ta vẫn học. Rất có thể họ sinh ra đã là thần đồng, không học tiểu học mà bước thẳng vào kiến thức hàn lâm. Hoặc là họ trưởng thành nhanh quá, là những người lớn chưa kịp có tuổi thơ nên suy nghĩ trong đầu còn có phần xa lạ với lũ trẻ…

Tôi cũng không hiểu lũ nhỏ nếu giờ mà bảo chúng đọc một bài gì ấn tượng nhất thời lớp 1, chúng đọc bài gì? Có khi lũ nhóc xin phép… dùng điện thoại thông minh để tìm cũng nên. Hay là mình bảo thủ quá, bao nhiêu năm vẫn nhớ, vẫn thích dòng suy nghĩ mộc mạc: “Chào bảng đen cửa sổ, Chào chỗ ngồi thân quen, Tất cả! Chào ở lại, Đón các bạn nhỏ lên”.

Thủy Ngân

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202010/lop-mot-oi-lop-mot-8188851/