Lớp học thư pháp miễn phí tại Tịnh xá Ngọc Cổ

Với mong muốn đưa nghệ thuật thư pháp đến gần hơn với mọi người, tháng 11-2020, anh Trần Ngọc Dũng (85/17 Sư Vạn Hạnh, phường Hội Thương, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã mở lớp dạy thư pháp miễn phí tại Tịnh xá Ngọc Cổ (phường Yên Thế).

Anh Trần Ngọc Dũng tận tình hướng dẫn học viên. Ảnh: Phương Dung

Anh Trần Ngọc Dũng tận tình hướng dẫn học viên. Ảnh: Phương Dung

Anh Trần Ngọc Dũng chia sẻ, mỗi khi có thời gian rảnh, anh thường tham gia các hoạt động viết thư pháp, thư họa tại một số chùa, tịnh xá trong tỉnh. Được các tăng ni, phật tử ủng hộ, anh đã mở lớp dạy thư pháp miễn phí tại Tịnh xá Ngọc Cổ.

Ban đầu, lớp học chỉ dự định dạy viết thư pháp cho các vị tu tập tại đây. Tuy nhiên, sau đó, nhiều người biết đến và đăng ký tham gia học. Vì các ngày trong tuần đều bận rộn với công việc ở cơ quan nên anh chỉ có thể sắp xếp thời gian vào chiều chủ nhật. Học viên đến từ nhiều địa phương trong tỉnh và khác nhau về độ tuổi lẫn ngành nghề nhưng đều có chung niềm yêu thích với nghệ thuật thư pháp.

Không chỉ dạy học miễn phí, anh Dũng còn miễn phí luôn cả giấy, bút và mực viết. Anh cho hay: Cách đây 10 năm, vì yêu thích nghệ thuật thư pháp nên anh tìm đến các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh. Nhờ đam mê cộng với năng khiếu nên anh nhanh chóng nắm bắt các phương pháp, kỹ năng cơ bản cũng như tạo dựng cho mình phong cách riêng. Ngoài thư pháp, anh còn vẽ tranh thủy mặc. Vì vậy, các tác phẩm của anh luôn sinh động, ẩn chứa ý tứ sâu xa.

“Mình muốn khơi dậy niềm đam mê trong mỗi người và cũng muốn xây dựng thành phong trào để nghệ thuật viết thư pháp mãi được truyền dạy. Mình cũng hy vọng các em đang theo học ở đây, sau này có đủ khả năng sẽ tiếp tục hướng dẫn cho những người khác”-anh Dũng bộc bạch.

Theo anh Dũng, viết thư pháp trước hết phải đam mê. Bởi nếu không đủ đam mê thì người học sẽ không thể kiên nhẫn ngồi hàng giờ chỉ để học cách cầm bút sao cho chắc, cho vững, vận bút sao cho khéo để có thể dễ dàng xoay chuyển khi viết.

Chị Trương Thị Mỹ Sen bên bức tranh được tặng và do chính mình viết thư pháp. Ảnh: Phương Dung

Chị Trương Thị Mỹ Sen bên bức tranh được tặng và do chính mình viết thư pháp. Ảnh: Phương Dung

Vài tháng trước, chị Trương Thị Mỹ Sen-giáo viên Trường Tiểu học số 2 thị trấn Đak Đoa tìm đến lớp dạy học thư pháp miễn phí. Chị bày tỏ: “Khi lần đầu nhìn thấy chữ thư pháp trên tờ lịch treo tường, tôi đã bị thu hút. Có khoảng thời gian, tôi tập viết thư pháp bằng… bút bi. Sau này phần bận việc học, rồi gia đình, công việc, với lại cũng không tìm được nơi để học nên đành gác lại niềm đam mê”.

Theo chị Sen, viết thư pháp nhìn có vẻ dễ nhưng khi cầm bút lên thì thấy rất khó, nào là cách viên bút, xoay bút, tạo đuôi nét xước… “Để viết thành công nét trụ, tôi đã tốn mất gần 1 kg giấy đấy!”-chị Sen chia sẻ.

Cũng yêu thích nghệ thuật viết thư pháp nên em Nguyễn Mạnh Quỳnh (học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Păh) đều sắp xếp thời gian để theo học. Quỳnh vui vẻ trò chuyện: “Em đang luyện viết đại tự. Sau 1 tuần học tập căng thẳng thì đây là khoảng thời gian em thấy thư thái, tĩnh tại”.

Mong muốn của Quỳnh khi theo học viết thư pháp là có thể dùng chính bút lực của mình viết nên những câu ý nghĩa dành tặng bạn bè, người thân vào những dịp đặc biệt. Xa hơn nữa, Quỳnh mong rằng bản thân có thể tham gia một câu lạc bộ dành cho những người có chung đam mê.

Lớp học hiện có khoảng 10 người theo học. Ảnh: Phương Dung

Lớp học hiện có khoảng 10 người theo học. Ảnh: Phương Dung

Là thành viên mới của lớp học, chị Võ Thị Ngọc Thạch (142/23 Tôn Đức Thắng, phường Yên Thế) bộc bạch: “Lúc đầu, mình chỉ đăng ký cho con gái lớn theo học. Sau đó, bé sau mới 7 tuổi cũng thích thú nên cả 3 mẹ con trở thành đồng môn thư pháp”.

Theo chị Thạch, thay vì cuối tuần quanh quẩn với hàng quán thì cả nhà tìm về chốn thanh tịnh để cùng nhau tìm hiểu môn nghệ thuật chứa đựng nhiều giá trị truyền thống của dân tộc. Chị cũng mong muốn qua việc viết thư pháp sẽ giúp các con rèn được tính tập trung, kiên trì, nhẫn nại.

Để động viên, khuyến khích học viên, anh Dũng thường dùng chính những bức tranh thủy mặc của mình để tặng cho người học có nhiều tiến bộ. Chia sẻ niềm vui khi nhận bức tranh hoa mai, chị Sen phấn khởi: “Món quà này thật sự ý nghĩa, giúp tôi có thêm động lực theo đuổi đam mê. Để phù hợp với bức họa, tôi đã chọn viết lên đó câu “Đêm qua sân trước một nhành mai” của Mãn Giác thiền sư. Nghệ thuật thư pháp là nét đẹp trong văn hóa của người Việt bao đời nay. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng rèn luyện vừa sống với đam mê, vừa góp phần lưu giữ nét đẹp ấy”.

PHƯƠNG DUNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202103/lop-hoc-thu-phap-mien-phi-tai-tinh-xa-ngoc-co-5729908/