Lớp học quý tộc giá nghìn USD cho giới nhà giàu Trung Quốc

Nhiều gia đình nhà giàu tại Trung Quốc không ngại chi tiền cho các khóa học đắt đỏ để được dạy cách uống trà, chào hỏi, mỉm cười, tạo dáng sao cho lịch thiệp và sang trọng.

Nữ nghệ sĩ dương cầm Jacqueline Tang tin rằng không bao giờ là quá muộn để thay đổi bản thân. Chính vì thế, dù đã lớn tuổi, Tang vẫn tham gia các lớp học quý tộc và điều chỉnh phong thái, cách cư xử theo chuẩn mực phương Tây.

Cô học cách đứng dậy từ chiếc sofa nhung sao cho lưng thẳng, dáng đi uyển chuyển. Trên đầu nữ nghệ sĩ là cuốn sách. Nhiệm vụ của cô là giữ cho cuốn sách không rơi qua từng cử chỉ đứng lên, ngồi xuống.

Ở một góc khác, hai người phụ nữ ăn mặc sang trọng nhìn vào nhau, nhấp ngụm trà nhỏ và vỗ tay, cười nói che miệng duyên dáng. Họ chỉ là ba trong số hàng nghìn người chi tiền tỷ để tham gia các lớp học quý tộc.

Nhiều học viên tham gia những lớp học đặc biệt này khi tuổi còn rất nhỏ. Họ đều là con cái của giới thượng lưu, siêu giàu tại Trung Quốc. Cha mẹ của những “cậu ấm cô chiêu” không ngại chi hàng nghìn USD để mong con hòa nhập và trở thành người nổi bật trong giới thượng lưu quốc tế.

 Guillaume Rúe de Bernadac theo dõi Jacqueline Tang di chuyển. Ảnh: Reuters.

Guillaume Rúe de Bernadac theo dõi Jacqueline Tang di chuyển. Ảnh: Reuters.

“Chìa khóa cho những người phụ nữ thành đạt”

Xuất hiện trong bộ comple được cắt may tỉ mỉ cùng chiếc cà vạt và khăn cài túi áo nổi bật, Guillaume Rúe de Bernadac là biểu tượng của sự thanh nhã và lịch thiệp. Từ khi thành lập Academie de Bernadac vào năm 2015, Guillaume Rúe de Bernadac đã trở thành huấn luyện viên nghi thức nổi tiếng và được săn đón nhất tại Trung Quốc.

Vài thập kỷ trước, các lớp học nghi thức phương Tây như Academie de Bernadac bị loại bỏ. Khi đó, chương trình học xoay quanh cách cắt một quả chuối, cầm tách trà sao cho sang trọng trở thành thứ xa lạ và không hợp thời bởi xu thế hiện đại hóa. Nhưng ngày nay, giới nhà giàu Trung Quốc đua nhau cho con cái và ngay cả chính bản thân họ theo học những lớp nghi thức.

Một người học viên quỳ gối trước cựu người mẫu Australia June Dally-Watkins trong buổi tốt nghiệp khóa học nghi thức tại Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc ngày 8/10/2017. Ảnh: Reuters.

Các lớp học nghi thức quý tộc mọc lên như nấm tại Trung Quốc đi kèm sự phát triển của kinh tế và nhu cầu của giới thượng lưu. Những lớp học như vậy có giá đắt đỏ, từ 4.000 nhân dân tệ (khoảng 570 USD) cho khóa học kéo dài một ngày. Chương trình học 12 ngày đầy đủ các kỹ năng hành xử như một quý tộc phương Tây rơi vào khoảng 100.000 nhân dân tệ (15.000 USD).

Các bài học về cách cư xử trên bàn ăn được ưa chuộng nhất. Học viên sẽ được dạy về cách sử dụng dao, dĩa sao cho thanh lịch cũng như làm thế nào để đứng lên, ngồi xuống, tạo dáng chụp ảnh. Academie de Bernadac thiết kế nhiều khóa học khác nhau phù hợp với từng nhu cầu.

Chẳng hạn, Elegant Goddess Divine Deportment (tạm dịch: Nữ thần thanh lịch) là khóa học 3 ngày về cách tự làm chủ bản thân có giá 6.988 nhân dân tệ (hơn 1.000 USD). Khóa học Elegantly Outstanding (tạm dịch: Thanh lịch nổi bật) diễn ra trong một ngày về giao tiếp xã hội và cách cư xử trên bàn ăn mất 3.888 nhân dân tệ (xấp xỉ 600 USD).

Các học viên sẽ được dạy cách hành xử trong mọi tình huống hàng ngày đến phong tục ăn uống của giới thượng lưu.

Người sáng lập công ty tư vấn lối sống Luxe China Chu Mingjingjing (váy xanh) và nhà thiết kế trang sức Angela Chen (áo kẻ) học cách cầm tách trà, ngồi khi đàm phán. Ảnh: AFR.

James Hebbert đến từ Anh là một người dạy nghi thức khác. Ông bắt đầu dạy người Trung Quốc các lễ nghi của giới thượng lưu, quý tộc phương Tây cách đây vài năm. Chia sẻ với truyền thông, Hebbert cho hay công việc kinh doanh của mình thành công rực rỡ và các học trò đều là con nhà giàu, chủ doanh nghiệp, thậm chí một số quan chức chính phủ muốn cư xử đúng mực khi du lịch, công tác nước ngoài.

Những phụ nữ theo học trường dạy nghi thức đều đã có sự nghiệp, tầm ảnh hưởng hoặc thuộc giới thượng lưu tại Trung Quốc. Theo Sixth Tone, họ tiết lộ lý do tham gia những lớp học này là để bồi đắp kinh nghiệm trong ứng xử, giao tiếp với người nước ngoài khi làm việc.

Nữ doanh nhân Sarah Jane Ho (đứng) thành lập Institut Villa Pierrefeu ở Bắc Kinh vào năm 2013. Đây là nơi dạy phụ nữ Trung Quốc mọi thứ từ cách cư xử trên bàn ăn đến cách chải chuốt. Ảnh: Ben McMillan.

Muốn con cái hoàn hảo hơn

Trước đây, khách hàng của các học viện nghi thức quý tộc tại Trung Quốc thường là phụ nữ trẻ và trung niên thuộc tầng lớp thượng lưu. Tuy nhiên, số lượng các “cậu ấm, cô chiêu” theo học những lớp này ngày càng nhiều.

Những đứa trẻ này đều đang học cách trở thành người ưu tú, không chỉ đến từ hàng hiệu xa xỉ hay gia thế, địa vị xã hội. Cha mẹ mong muốn con cái có được phong thái của giới quý tộc, thượng lưu ngay cả khi chúng còn nhỏ tuổi.

South China Morning Post dẫn lời chia sẻ của De Bernadac cho hay nhu cầu học lễ nghi của trẻ em tăng lên kể từ khi ông thành lập công ty Academie de Bernadac. Chính quyền Thượng Hải ngỏ ý mời ông thiết kế các chương trình nghi thức cho trường học.

Sofia Gao (phải) và Danielle Liu (giữa) cố gắng giữ sách trên đầu trong lớp học nghi thức quý tộc của Academie de Bernadac. Ảnh: AFP.

Theo lời De Bernadac, ông không chỉ đơn thuần “tây hóa” những đứa trẻ mà đặt mục tiêu nếu ra nước ngoài hoặc học ở trường quốc tế, họ sẽ sở hữu trong tay chìa khóa để thích nghi.

Danielle Liu (11 tuổi) là một trong các học viên trong lớp của De Bernadac. Mẹ của em hy vọng các bài tập sẽ giúp con trở thành “tiểu thư”. Những quy tắc, cách ứng xử tinh tế, lịch thiệp khiến cô bé tỏa sáng và nổi bật trong giới siêu giàu Trung Quốc. Danielle còn tham gia các lớp học bơi, piano, khiêu vũ…

Cheng Liyan, mẹ của Danielle, chia sẻ bà mong muốn con gái duy nhất của mình sẽ trở nên dịu dàng, đa tài, thành thạo thể thao cũng như uyên bác trong học tập. Kỳ vọng lớn nhất của bà mẹ người Trung Quốc là con phát triển bản thân một cách toàn diện, trở thành người hoàn hảo. Cheng cũng thừa nhận “có quá nhiều cạnh tranh khốc liệt để trở nên nổi bật ở giới nhà giàu Thượng Hải”.

Alex Gao đang cố giữ cuốn sách trên đầu không bị rơi xuống. Cậu bé là một trong 7 học viên có mặt tại lớp học cuối tuần do Guillaume de Bernadac tổ chức. Ảnh: AFP.

Với nữ nghệ sĩ dương cầm Jacqueline Tang, việc học các lớp ứng xử là điều tối cần thiết. Tang cho rằng người càng lịch thiệp, cư xử đúng mực và thanh lịch sẽ càng có nhiều cơ hội tốt, tỷ lệ thuận với số tiền mình kiếm được và địa vị mình có.

Chính vì thế, bà và con gái đều trở thành học viên của những trường dạy thanh lịch. Con gái của Tang hiện 16 tuổi. Trong âm thanh du dương của nhạc cổ điển, các em nhỏ thượng lưu học mọi kỹ năng xã hội, từ nghi thức ăn uống đến hành xử. Các bài tập còn bao gồm cách giới thiệu bản thân, chào hỏi mọi người, hôn gió và những chủ đề thích hợp để nói chuyện trên bàn ăn.

“Nó phản ánh trình độ học vấn của bạn. Nếu bạn nhai quá lớn, người khác sẽ đánh giá bạn chẳng có gì ngoài tiền và chỉ thuộc tầng lớp thấp kém. Ai cũng đánh giá cao vẻ đẹp nhưng khuôn mặt chỉ là một phần. Bạn có thể là một bông hồng thơm ngát nhưng cần một chiếc bình tinh xảo để sánh bước cùng”, nữ nghệ sĩ nói.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lop-hoc-quy-toc-gia-nghin-usd-cho-gioi-nha-giau-trung-quoc-post1143365.html