Lớp học dành cho những đứa trẻ khác biệt

Có mặt tại Trung tâm hỗ trợ tâm lý – giáo dục Cadeaux (trường Mầm non Ca-đô, TP Đà Nẵng), chúng tôi được nghe vô vàn những câu chuyện dở khóc dở cười mà cha mẹ đang phải đối mặt.

Các bé có buổi sinh hoạt chung với cô và tình nguyện viên.

Lớp học tại Mầm non Ca-đô như những lớp học mầm non phổ thông, nhưng sự khác biệt lớn nhất ở đây là tôn trọng sự tự do của con trẻ. Học sinh có quyền được làm những điều mình thích mà không bị ai ngăn cản hay gắn mác là “bất thường”. Đôi khi trẻ thích những âm thanh phát ra chát chúa, thế là cánh cửa ở phòng học luôn bị va đập liên tục. Lại có trẻ chỉ ré khóc từ khi đến lớp cho đến khi ra về mặc cho các cô dỗ dành, vỗ về. Nhưng ngạc nhiên hơn khi không một cô giáo nào giận dữ, lớn tiếng nộ nạt với các bạn nhỏ.

Bằng tình yêu bao dung và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ mà các cô đã không ngại khó, ngại khổ dần dần hàn gắn những tổn thương tâm lý mà các bé đã trải qua. “Nếu yêu thương của cô dành cho các bé chưa đủ, con chưa cảm nhận được sự an toàn, tin tưởng thì sẽ không thể giúp con thoát khỏi tình trạng bất ổn về tâm lý”, cô Dương Thị Tùng (giáo viên mầm non Ca-đô) bày tỏ.

Ngoài ra, lớp học yêu thương này còn xuất hiện đội ngũ các bạn tình nguyện viên là sinh viên của khoa tâm lý giáo dục thuộc trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Hằng ngày, tranh thủ thời gian không phải lên lớp, các bạn trẻ lại đến đây vui chơi và dạy dỗ các con. Đặc biệt, ở trung tâm này là sự xuất hiện của một anh chàng tình nguyện viên đến từ một đất nước xa xôi, anh Jacob Daniel (34 tuổi, người Mỹ) cũng từng là một đứa trẻ được giáo dục theo chương trình đặc biệt. Anh theo học ngôn ngữ Việt ở ĐH Sư phạm 2 năm. Thời gian này Jacob được tiếp xúc và làm việc với các bạn nhỏ ở trung tâm Cadeaux và anh như hiểu đồng cảm với các bé đây chính là điều đã thôi thúc anh quay lại Việt Nam. “Cha tôi là người đã quan tâm và theo sát quãng thời gian tôi có biểu hiện tâm lý. Những đứa trẻ ở đây cũng vậy, chúng cần sự yêu thương, quan tâm từ gia đình vì cha mẹ mới chính là người giúp cho bé vượt qua được bất ổn tâm lý”, anh Jacob chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Kim Xuân (Giám đốc trung tâm giáo dục Cadeaux – Cựu giảng viên Khoa Giáo dục tâm lý Trường ĐH Sư phạm) cho biết ý nghĩa của từ Cadeaux trong tiếng Pháp có nghĩa là món quà. Món quà lớn nhất mà các bậc phụ huynh nhận được không gì quý giá bằng là sự có mặt của những đứa trẻ đến với cuộc đời mình. Nhưng đôi khi vì một tác động nào đó mà chúng có biểu hiện phát triển không như những đứa trẻ khác. Chỉ có tình yêu thương của cha mẹ là món quà lớn nhất mà con trẻ nhận được nên hãy dành thời gian quan tâm con nhiều hơn để hiểu con và biết con cần gì.

DIỆU HUYỀN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_199547_lop-hoc-danh-cho-nhung-dua-tre-khac-biet.aspx