Lớp học 'đặc biệt' trong bệnh viện

Bà Nguyễn Thị Tình, 57 tuổi ở Chí Linh, Hải Dương kể lại: Bản thân tôi ở nhà cũng hay tập thể dục nhịp điệu, tập thiền nên những ngày đầu khi đến chăm cháu cứ hết đi ra lại đi vào tôi thấy buồn bực chân tay, người mỏi mà không biết tìm chỗ nào để vận động cho thuận tiện.

“Thật tình cờ khi nghe mọi người nói chuyện ở bệnh viện (BV) đang có lớp dạy yoga cho bệnh nhân và người nhà nên tôi cũng đi theo để học. Đúng là đang không biết làm sao cho đỡ bí chân tay, đến đây tôi được các giáo viên dạy hít thở, những động tác uốn nhẹ nhàng nhưng rất dễ chịu sau mỗi lần tập”, bà Tình chia sẻ.

Cuộn chiếc khăn trên đầu để che đi cái đầu chỉ còn lại ít tóc, bà Dương Thị Năng, bệnh nhân đang điều trị tại khoa H5 cho biết: Những lần trước tôi không biết nên sau mỗi liệu trình điều trị lại ngồi ở phòng mòn mỏi chờ qua ngày. Gần đây nghe mọi người giới thiệu là xuống tập yoga nên tôi xuống tập. Mặc dù chưa được thành thạo nhưng sau mỗi buổi tập tôi thấy thoải mái dễ chịu.

Sau mỗi buổi tập bà Nguyễn Thị Tình cảm thấy dễ chịu, khoan khoái.

Nếu như trong chúng ta ai đã từng trải qua cảnh nằm viện hoặc có người nhà nằm viện sẽ hiểu được sự mệt mỏi, bí bách trong chu kỳ “đi viện”. Nhất là với những người bệnh phải điều trị dài hơi ở BV với chu kỳ 7 ngày, 10 ngày, thậm chí cả tháng thì chu kỳ lặp lại càng nhàm chán... Những lúc nhàn rỗi, họ không biết làm gì để quãng “thời gian chết” qua nhanh nên việc đi BV càng trở nên mệt mỏi.

Thấu hiểu được tâm trạng đó của người bệnh, những nhân viên Phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học -truyền máu Trung ương đã nghĩ đến việc tạo thêm các mô hình hoạt động, sinh hoạt tập thể nhằm giúp người bệnh không chỉ có sự thoải mái về tinh thần mà còn hỗ trợ nâng cao thể lực. Và đó là lý do ra đời của mô hình lớp học yoga tại chính khuôn viên BV. “Đây là mô hình phù hợp nhất với người bệnh do các động tác vận động nhẹ nhàng, giúp thư giãn tinh thần và xương cốt co giãn, đỡ mỏi mệt”, chị Lý Thị Hảo, Trưởng phòng Công tác xã hội chia sẻ.

Để thực hiện ý tưởng này, BV đã liên hệ với một số trung tâm yoga và được hỗ trợ giáo viên. Khi triển khai các lớp học, BV đã trao đổi với giáo viên để lựa chọn động tác phù hợp với thể lực người bệnh-điều quan trọng nhất là giúp người bệnh thư thái tinh thần, cơ thể khoan khoái. Sau hơn một tháng tổ chức, lớp tập thu hút được sự quan tâm của khá đông người bệnh nên BV đã kêu gọi thêm một số trung tâm hỗ trợ dạy thành 2 buổi/tuần.

Bà Đoàn Thị Mỵ hướng dẫn cho học viên trước khi vào tập tại Viện Huyết học - truyền máu Trung ương. Ảnh: NVCC

Đến nay, sau gần 6 tháng triển khai mô hình này, đều đặn 2 buổi mỗi tuần, bệnh nhân đến học, số học viên dao động phụ thuộc vào lịch điều trị (ra/vào viện). Tuy nhiên, mỗi lớp học cũng rất đông, trung bình từ 25-27 học; có hôm đúng lịch điều trị thì lớp học cũng còn tới 20-22 người. Nhiều người cảm thấy rất thoải mái và thích đến với lớp tập. “Giáo viên dạy là những người tâm huyết, sẵn sàng bớt thời gian và công sức đến hỗ trợ hoàn toàn miễn phí cho người bệnh. Đó là những điều kiện thuận lợi để triển khai lớp tập ngày càng bền bỉ hơn”, chị Hảo chia sẻ.

Là một trong số 2 trung tâm tham gia dạy yoga miễn phí cho bệnh nhân và người nhà tại Viện Huyết học -truyền máu Trung ương bà Đoàn Thị Mỵ, Giám đốc Trung tâm ADYoga giãi bày: Bản thân bà cũng từng rơi vào tình trạng kiệt quệ về sức khỏe với rất nhiều chứng bệnh. Thế rồi bà quyết tâm đi tập yoga để cải thiện sức khỏe. Suốt 14 năm qua, từ trải nghiệm bản thân bà đã nhận thấy được vai trò của tập yoga đối với sức khỏe.

Bà Mỵ có khoảng 6 năm gắn bó với việc trao quà cho bệnh nhi nhân dịp Tết thiếu nhi, Tết Trung thu… có nhiều dịp chứng kiến người bệnh mệt mỏi về thể xác, uể oải về tinh thần nên bà Mỵ luôn có mong muốn phần nào giúp người bệnh khỏe mạnh hơn, phấn chấn hơn từ những bài tập yoga. Khi mong muốn này gặp gỡ ý tưởng của BV thì tạo thành cơ duyên, lớp học yoga cho người bệnh ra đời rất thuận lợi với số học viên duy trì khá đều đặn và đông.

Bà Đoàn Thị Mỵ tâm sự: “Giờ có nhiều dòng tập yoga nên phải hướng tới đối tượng mình dạy để soạn bài tập phù hợp sức khỏe của đối tượng mình dạy, không thể đưa bài tập khó vào. Ví dụ viêm khớp gối, khớp gáy đưa bài uốn, vặn, trồng chuối vào thì họ không thể làm được. Chúng tôi soạn bài dạy cho bệnh nhân gồm những bài tập thở, có tác dụng hít sâu để tác động lên tuyến nội tiết.

Chúng tôi dạy yoga chung một bài tập hướng tới đối tượng chính là bệnh nhân nên dù giáo viên luân phiên nhau đến dạy vẫn không có sự xáo trộn các bài tập. Phương pháp này là hệ thống bài trị liệu, bệnh nhân điều trị lâu vẫn bền bỉ theo; ngay cả với học viên mới vào cũng làm được vì phương pháp phù hợp. Vì vậy, học viên vui, phấn khởi, đi học chăm, đều và ngày càng tăng đông thêm do hiệu ứng họ truyền cho nhau”.

Những ý tưởng xuất phát từ mong muốn mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng khi hội tụ đã tạo nên những thanh sắc ngọt ngào, tươi sáng hơn, góp phần giúp người bệnh thêm sức khỏe, niềm vui khi chiến đấu với bệnh tật.

Đều đặn mỗi tuần 2 buổi, cứ đến chiều, bà Tình lại chuẩn bị “đồ nghề” để “đi học”. Thoạt đầu những người mới nhập viện Huyết học-Truyền máu Trung ương rất ngạc nhiên vì BV là nơi chữa bệnh… Sau tìm hiểu họ đã dần biết đến và thích lớp học đặc biệt này.

Bà Mỵ cho biết sẽ tiếp tục mô hình này vì một trong những nhiệm vụ đạo đức của giáo viên yoga là rèn luyện bản thân cho cá nhân và cho cộng đồng. Nếu nhu cầu của người bệnh tăng lên sẽ mở thêm một buổi nữa/tuần.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lop-hoc-dac-biet-trong-benh-vien-135380.html