Lớp học đặc biệt trên đảo Hòn Chuối

Thượng úy Trần Bình Phục, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau gắn bó với đảo Hòn Chuối hơn 10 năm nay. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong suốt 9 năm qua, anh còn tự nguyện dạy chữ cho những đứa trẻ nghèo trên đảo Hòn Chuối, giúp các em cơ hội để có tương lai tươi sáng hơn.

Thượng úy Trần Bình Phục kèm cặp học sinh lớp 1 đánh vần bài học mới. Ảnh: Kim Nhượng

Thượng úy Trần Bình Phục kèm cặp học sinh lớp 1 đánh vần bài học mới. Ảnh: Kim Nhượng

Hòn Chuối là đảo nằm tại vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc, cũng là một hòn đảo xa nhất của tỉnh Cà Mau, cách đất liền 17 hải lý. Trên đảo chỉ vẻn vẹn có 54 hộ dân, 167 nhân khẩu, thuộc khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá quanh đảo và nuôi cá lồng bè. Từ đất liền, để đến được với đảo Hòn Chuối chỉ có thể đi nhờ tàu cá của ngư dân hoặc tàu thu mua hải sản ra đảo, ngoài ra không còn phương tiện vận chuyển nào khác.

Leo lên hết 300 bậc đá, chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Hòn Chuối... 6 giờ sáng, khi tất cả cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối chuẩn bị cho một ngày làm việc mới thì từng tốp học sinh mặc đồng phục, lưng đeo ba lô đi ngang qua sân đồn Biên phòng để lên với điểm trường nằm tít trên đỉnh núi, cách đồn gần 1 cây số. Thầy giáo của các em chính là Thượng úy Trần Bình Phục.

Lớp học khá khang trang, với đầy đủ bàn ghế, thiết bị học tập; nhưng có một điều lạ là 22 em học sinh mà có tới 4 tấm bảng treo ở 4 bức tường. Mỗi tấm bảng để thầy dạy cho một lớp. Lớp của thầy Phục cũng rất đặc biệt: Lớp 5 có 1 em, lớp 8 có 1 em, lớp 3 có 7 em, lớp 2 có 6 em, còn lại là lớp 1. Trong một buổi học, thầy giáo phải giảng dạy cho chừng ấy lớp. Chia sẻ với chúng tôi, Thượng úy Trần Bình Phục cho biết: “Tôi gắn bó với hòn đảo này đã hơn 9 năm. Đây là quãng thời gian đầy niềm vui, vì tôi được sống, được cống hiến cho Tổ quốc và được góp sức của mình giúp các em học sinh nghèo nơi đây biết đọc, biết viết”. Anh chia sẻ thêm, lần đầu khi tới đảo Hòn Chuối, hình ảnh đầu tiên anh nhìn thấy là những đứa trẻ nhem nhuốc, gầy guộc, không biết đọc, biết viết. Anh tự nhủ, mình phải làm gì đó cho bọn trẻ.

Cũng cùng thời điểm đó, cán bộ chỉ huy đồn đã báo cáo lên Bộ Chỉ huy cũng như các ban, ngành tạo điều kiện ủng hộ, hỗ trợ kinh phí xây dựng một lớp học tình thương trên đảo. Thật may, chỉ sau một thời gian ngắn, được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Cà Mau, công trình “Trường mới cho em” đã được khánh thành. Đây là một lớp học được chính bàn tay của những người lính Biên phòng trên đảo dựng lên.

Thượng tá Tô Thanh Ngoan, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hòn Chuối, cho biết: “Công trình “Trường mới cho em” sau này được Trung ương Đoàn, các nhà hảo tâm ủng hộ thêm một số hạng mục. Nhìn lại quá trình xây dựng lớp học mới thấy sự vất vả, nhọc nhằn của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trên đảo. Những vật liệu xây dựng từ cát, sỏi, xi măng, sắt thép đều được chuyển từ đất liền ra đảo và được cõng lên điểm xây dựng bằng chính đôi vai của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối. Có chiến sĩ cõng xi măng nhiều quá, hai bả vai tróc hết da, sưng tấy phải nghỉ cả tháng mới có thể làm tiếp”.

Anh cho biết thêm, thời gian xây dựng lớp học này phải mất gần 1 năm. Vất vả là thế, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối luôn tận tình, phấn khởi, bởi lớp học sẽ giúp các em nhỏ trên đảo được học con chữ, mở ra tương lai tươi sáng hơn.

Lớp học của Thượng úy Trần Bình Phục có 22 em học sinh, mỗi em có một hoàn cảnh khó khăn riêng và hầu hết bố mẹ các em làm nghề đi biển, sinh sống tại những lồng bè cạnh đảo, điều kiện dạy học cho các em không có. Trong giờ kiểm tra bài cũ, chúng tôi để ý thấy một em nhỏ phát âm rất khó, hỏi ra mới biết em là Đậu Yến Nhi, bố em từng là bộ đội Hải quân. Do di chứng chất độc màu da cam do người ông để lại nên Yến Nhi không được bình thường như các bạn khác. Bố mẹ em đã gửi em ra đảo để học vì trong đất liền, em không thể theo học cùng các bạn được, mặc dù đã được chuyển qua nhiều trường. Sau đó ít lâu, bố mẹ em chuyển ra đảo này sinh sống. Từ khi gửi gắm em cho lớp học trên đảo của thầy Trần Bình Phục, nhờ sự nhiệt huyết cộng thêm lòng thương yêu em, đến nay, Yến Nhi đã đọc thông, viết thạo.

Chia tay đảo Hòn Chuối, chúng tôi đi xuống 300 bậc đá để nhờ tàu ngư dân vào đất liền. Trên đường đi, chứng kiến cảnh các em học sinh dắt tay nhau lên với điểm trường, bên cạnh các em là thầy giáo Trần Bình Phục. Hình ảnh ấy thật đẹp và ý nghĩa biết bao.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lop-hoc-dac-biet-tren-dao-hon-chuoi/