Lớp học đặc biệt của ước mơ và tình yêu thương

20 năm qua, có một cô giáo vẫn hàng ngày miệt mài đến với lớp học đặc biệt của mình. Đó là nơi nâng đỡ ước mơ biết con chữ của những mảnh đời không may mắn. Học sinh ở đây ở mọi lứa tuổi và có hoàn cảnh đặc biệt. Đó có thể là một em bé chậm phát triển, một trẻ em lang thang, hay một thanh niên ngoại tỉnh đang làm thuê...

Không để các em phải mù chữ, thất học

Từ năm 1997, khi chuyển về Hà Nội, sinh sống ở Hạ Đình, Thanh Xuân, cô Phạm Thị Huyền từng có thâm niên 23 năm dạy học tại Tuyên Quang ngạc nhiên thấy xung quanh khu vực mình sinh sống có một số trẻ trong độ tuổi đi học nhưng không đến lớp. Hóa ra đó là đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Em thì lang thang bán hàng rong kiếm sống; em khuyết tật không được đến trường…

Hình ảnh những đứa trẻ không may mắn với đôi mắt đen láy đầy ước vọng tương lai như ám ảnh cô và cô quyết định mở lớp dạy, không để các em phải mù chữ, thất học giữa Thủ đô. Lúc đầu cô Huyền dành riêng một căn phòng trong nhà làm nơi dạy học; tự bỏ tiền mua bàn ghế, bảng đen, sách vở, bút mực cấp cho học sinh... Công việc khó khăn, vất vả hơn tiếp sau đó là phải đến từng nhà để vận động các em đến lớp. Với quyết tâm đó, năm 1998, lớp tình thương Hạ Đình ra đời ngay tại chính căn nhà nhỏ của cô.

Có lớp rồi, nhưng làm sao để các em đến lớp? Cô Huyền tìm đến từng nhà động viên từng em đến lớp như những giáo viên bám bản ở vùng cao. “Không ít người nghĩ tôi là gàn dở”, cô Huyền nhớ lại. Thế rồi với sự chân thành và tình cảm của cô, các em đã đến lớp. Cô Huyền phải đi xin từng quyển sách để các em học. Buổi đầu khai giảng, lớp chỉ có 6 học sinh; nhưng sau số học sinh xin học tăng dần và duy trì con số 10-15 học sinh.

Công việc dạy học rất vất vả, bởi học sinh nhiều độ tuổi, trình độ cũng khác nhau. Buổi sáng, lớp học diễn ra từ 8-11h, nhưng nếu có học trò muốn được hướng dẫn thêm, cô Huyền bố trí dạy sớm hơn, từ 7h30 hoặc ở lại sau buổi học. Nếu có em không đi học được trong buổi sáng, cô giáo sẽ dành buổi chiều để dạy cho em đó; thậm chí thời gian nghỉ hè học sinh nào muốn học, cô vẫn xếp lịch dạy.

Cứ như vậy, ngày nắng hay mưa, nóng đổ lửa hay rét căm căm, cô Huyền vẫn cần mẫn với các học sinh đặc biệt của mình. Các em sau khi học để biết đọc, viết, biết làm toán, có kiến thức về tự nhiên, xã hội. Không dừng ở dạy chữ, cô Huyền còn thường xuyên tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư học sinh để động viên, khuyên bảo, hướng dẫn cách ứng xử, cách bảo vệ bản thân, thậm chí dạy cả cách nấu ăn… Hiện nay lớp học đặc biệt của cô đã chuyển về Câu lạc bộ G5 Thanh Xuân Nam.

Hạnh phúc giản dị

“Trí tuệ của cháu không bằng được các bạn bình thường nhưng cháu rất thích đi học. Tôi đã xin học rất nhiều nơi nhưng họ đều không nhận. Nay cháu nhà tôi được học lớp cô Huyền. Mỗi ngày đến lớp về cháu đều rất vui”, bà Vũ Thị Huê (Thái Bình, thuê trọ ở quận Thanh Xuân) chia sẻ.

Lớp học đặc biệt của cô Huyền có cả những học sinh lớn tuổi, ngày nào cũng đến lớp muộn nhưng vẫn được cô và các bạn yêu thương. Đó là những thanh niên 23, 24 tuổi đang làm thêm ở các lò bánh mỳ nên 8h30-9h mới đến lớp được.

Ngoài giờ học, cô giáo Huyền lặng lẽ tìm đến nhà của các học trò, tìm hiểu hơn hoàn cảnh của các em. Cô Huyền chia sẻ rằng, các em học sinh đều có số phận khác nhau, phải biết hoàn cảnh của từng trường hợp cụ thể để có phương pháp dạy hiệu quả, tránh làm tổn thương đến các em. Cô không chỉ dạy văn hóa đơn thuần, mà còn dạy các em cách giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống, kiến thức cơ bản trong phòng chống lạm dụng trẻ em, phòng tránh bị bóc lột sức lao động...

Các em học sinh đặc biệt của cô Huyền giờ còn có thể tự kèm cặp lẫn nhau. Trình độ lớp 5 thì kèm lớp 3, lớp 4 kèm lớp 1... Ai cũng tiến bộ nhiều. Ai cũng chăm ngoan, biết quan tâm và yêu thương người khác. “Được dạy các học sinh khó khăn, thiệt thòi biết đọc, biết viết, giúp các em tự tin hơn, vươn lên trong cuộc sống là niềm vui, hạnh phúc lớn của cuộc đời tôi. Tôi nguyện sẽ tiếp tục gắn bó với công việc bình dị này khi sức khỏe buộc tôi phải dừng lại” - cô Huyền chia sẻ.

20 năm qua, nhiều em đã hoàn thành học phổ thông, đi học nghề, lao động đóng góp cho xã hội, có gia đình riêng. Sự chăm ngoan, trưởng thành của học trò là niềm vui, động lực, hạnh phúc lớn nhất của cô giáo Phạm Thị Huyền!

“Được dạy các học sinh khó khăn, thiệt thòi biết đọc, biết viết, giúp các em tự tin hơn, vươn lên trong cuộc sống là niềm vui, hạnh phúc lớn của cuộc đời tôi. Tôi nguyện sẽ tiếp tục gắn bó với công việc bình dị này khi sức khỏe buộc tôi phải dừng lại”.

Cô giáo Phạm Thị Huyền

Bảo Ngọc

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/lop-hoc-dac-biet-cua-uoc-mo-va-tinh-yeu-thuong/798676.antd