Lớp học đặc biệt của thầy giáo nghèo

Dù cuộc sống của một công nhân vốn dĩ đã chật vật, nhất là đối với những người tha hương, nhưng anh Hoàng Trọng Khánh vẫn dồn hết tâm sức để mở lớp dạy học miễn phí cho học sinh nghèo.

Lớp học của anh Hoàng Trọng Khánh đã giúp nhiều em học sinh có thêm kiến thức cơ bản và kiến thức xã hội để vào đời. Ảnh: CTV

Lớp học của anh Hoàng Trọng Khánh đã giúp nhiều em học sinh có thêm kiến thức cơ bản và kiến thức xã hội để vào đời. Ảnh: CTV

Lớp học đặc biệt

Đến khu vực hẻm 15 đường 22, phường Phước Long B (quận 9, TP Hồ Chí Minh), hỏi về lớp học miễn phí của anh Hoàng Trọng Khánh thì từ người già đến trẻ em đều nhắc đến anh - người thầy giáo - bằng sự trìu mến và thân thương.

Anh Khánh là công nhân phân xưởng thuốc sát trùng của một công ty ở quận 9. Suốt 8 năm qua, trong căn phòng trọ của mình, anh Khánh đã làm thầy giáo “bất đắc dĩ” của nhiều thế hệ học trò trong xóm lao động nghèo này.

Vì tình yêu thương dành cho các em nên dù mức lương công nhân không cao, nhưng anh đã tự bỏ tiền túi mua bảng, bàn ghế, quạt máy... để mở lớp đón thêm nhiều học trò nghèo xung quanh khu vực này tìm tới học. Lớp học miễn phí của anh dành cho các em ở xóm trọ nghèo với những môn như: Tiếng Anh, Toán, Lý, Hóa. Theo đó, học sinh theo học lớp của anh là học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 với tổng số 29 em. Ngày nào cũng vậy, sau giờ làm là anh dạy đều đặn 6 buổi/tuần.

Sau khi ngồi cùng học với các em môn Hóa lớp 9, bài “Hợp chất vô cơ”, khó ai có thể nghĩ đây là lớp học tự phát nếu không biết trước. Trong trang phục chỉn chu, lời giảng rõ ràng rành mạch, những câu hỏi logic xâu chuỗi kiến thức để phân loại các chất và những cánh tay phát biểu hăng say... khiến “lớp học của chú Bio” trở nên sôi động và đầy hào hứng.

Anh Khánh nhớ lại: "Khi mở lớp, lớp học chỉ có 3-5 em, nhưng tiếng lành đồn xa, nay lớp học đã có hơn 29 em với đủ các khối từ lớp 6 đến lớp 9. Nhiều phụ huynh nhà ở xa còn lặn lội chở con xuống nhờ tôi chỉ dạy thêm cho các em.

Lớp học của tôi vừa dạy kiến thức vừa dạy các em phát triển nhân cách theo hướng tích cực. Vì vậy, trong lớp học, ai muốn phát biểu đều được mọi người hoan nghênh, cổ vũ. Trong các bài giảng, các em học sinh dù có trả lời sai cũng được khuyến khích đứng lên trả lời, thông qua đó tôi muốn dạy các em sự tự tin khi phát biểu. Do đó, trong lớp học của mình, các em học sinh rất thích thú".

Em Phạm Hoàng Phúc, học sinh Trường THCS Tăng Nhơn Phú B, sau cả năm học được anh Khánh kèm và kết thúc khóa học, em đã đạt điểm cao những môn tự nhiên. “Ba mẹ con cũng là công nhân nên con không có điều kiện đi học thêm như các bạn. Chú Khánh dạy cũng không khác gì thầy cô trên lớp, chú lại vui tính và dễ gần. Học mà như chơi, chơi mà lại học nên con rất thích theo học lớp của chú Khánh”, em Phúc chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Phương (ngụ ở quận 9), mẹ của hai em Huy Hoàng và Kim Thoa cho hay: “Hai vợ chồng tất bật với cuộc sống mưu sinh, không có thời gian chỉ bảo thêm nên học lực 2 con rất yếu. Tuy nhiên, khi nghe tin lớp của thầy Khánh dạy rất dễ hiểu lại dễ gần với các em học sinh nên tôi đã gửi 2 bé học ở đây. Sau một thời gian được dạy dỗ, các con nắm được căn bản, năm học vừa qua các bé cũng tiến bộ rất nhiều".

Còn sức khỏe vẫn còn đi dạy

Anh Khánh sinh ra ở TP Huế, vì mẹ anh sang Đức lập nghiệp nên tuổi thơ anh Khánh rất thiếu thốn tình cảm từ lúc mới 4 tuổi. Dần dần rồi ba mẹ mỗi người có tổ ấm mới, nên các anh em của Khánh phải tự lo cho cuộc sống và yêu thương đùm bọc nhau từ bé. Có lẽ vì vậy mà tự trong bản tính, anh Khánh vừa cần cù vừa đầy lòng nhân hậu, nhất là đối với những mảnh đời khó khăn, gian khổ.

Khi vào TP Hồ Chí Minh, anh ở trọ tại khu vực phường Phước Long B và cái duyên làm thầy giáo đến với anh cũng rất tự nhiên.

Anh Khánh nhớ lại: Ngày đầu đặt chân vào TP Hồ Chí Minh, ngồi trước quán nước thấy đám con nít mặt mũi lấm lem ở trong lều gần ngôi mộ vừa mới xây, chúi đầu vào một cuốn sách tự học tiếng Anh mà không ai dạy kèm chỉ bảo, nhìn vừa đáng thương vừa đáng yêu. Nghĩ đến cảnh nghèo quá, có khi các em sẽ bỏ học và cũng muốn tìm một niềm vui nơi đất khách, nên anh đã nảy ra ý định sẽ dạy miễn phí cho những đứa trẻ.

Điều đáng nói, anh Khánh chỉ học hết lớp 12. Kiến thức anh có được đều từ những năm tháng là khi còn học sinh. Khi có ý định mở lớp dạy miễn phí giúp trẻ con xóm trọ nghèo, anh bắt đầu mua sách giáo khoa, sách giáo viên và tìm hiểu trên mạng. Với anh, cũng chẳng khó khăn gì nếu cứ bám chắc kiến thức sách giáo khoa để hỗ trợ các em.

Vì vậy, lớp học của anh ngày càng có nhiều em học sinh tìm tới. Ngoài những kiến thức học được qua sách vở, trên mạng anh còn liên hệ với các thầy cô giáo chủ nhiệm của các em học sinh để trao đổi, học hỏi thêm kiến thức giảng dạy hiện nay để có phương pháp dạy gần nhất, dễ hiểu nhất cho các em học sinh.

Hiện nay, ngoài công việc ở Công ty, dạy học cho học trò nghèo vào buổi chiều tối, anh Khánh còn tranh thủ ấp trứng, nuôi gà. Từ một con gà ban đầu, giờ đây anh đã có nguyên một đàn gà. Tuy nhiên, gà và trứng gà anh không bán, chủ yếu cho các em học sinh mang về nhà làm thực phẩm.

Anh Khánh chia sẻ: “Tôi độc thân, sống sao cũng được, chỉ lo mấy đứa trẻ con nhà nghèo không có điều kiện học thêm lại có nguy cơ bỏ học nên tôi làm thôi. Chỉ mong các em luôn tiến bộ và đi học đầy đủ là tôi vui rồi. Tôi sẽ luôn theo các em đến khi nào không còn sức khỏe thì mới thôi”.

Với tình yêu dành cho các em học sinh nghèo, vừa qua, Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã khen thưởng đột xuất và tặng bằng khen, danh hiệu đoàn viên thanh niên tiêu biểu cho anh Khánh.

Hoàng Tuyết

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/lop-hoc-dac-biet-cua-thay-giao-ngheo-20180420191455719.htm