Lớp học đặc biệt của người thầy mang quân hàm xanh

17 năm qua, người dân ở phường Vĩnh Phước (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã quen với hình ảnh Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng (Đồn Biên phòng Cầu Bóng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa) đều đặn 5 tối/tuần miệt mài dạy chữ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Từ đây, nhiều cuộc đời, nhiều số phận đã đổi thay từ lớp học xóa mù chữ tình thương này.

Lớp học xóa mù chữ của Thiếu tá Tưởng duy trì suốt 17 năm qua.

Lớp học xóa mù chữ của Thiếu tá Tưởng duy trì suốt 17 năm qua.

Lớp học xóa mù chữ

Lớp học xóa mù chữ của Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng được hình thành từ năm 2004 khi anh về Đồn Biên phòng Cầu Bóng công tác và được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn phường Vĩnh Phước. Lớp học là Nhà văn hóa tổ dân phố 19 (phường Vĩnh Phước).

Đúng 19h, khác hẳn với sự nhộn nhịp vào ban ngày, cả khu phố đã chìm vào yên lặng, không tiếng ti vi, không tiếng nhạc, không tiếng người, không tiếng xe qua lại. Có lẽ, người dân ở đây đã dành tặng cho thầy, trò Thiếu tá Tưởng sự im lặng đáng quý ấy để tập trung vào việc dạy và học.

17 năm qua, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, Nhà văn hóa tổ dân phố 19 luôn sáng đèn. Không đồng phục, cặp sách, cũng chẳng có lớp trưởng nhưng hàng chục cô cậu học trò lô nhô cao thấp vẫn vui vẻ ngồi chung phòng để học nhiều lớp khác nhau.

Lớp học chia thành 3 dãy bàn. Bên trái là lớp 4 - 5, ở giữa là lớp 2 - 3, còn bên phải là lớp 1. Tấm bảng được chia làm 3 cột, ứng với bài học cho 3 dãy bàn, cũng là 3 lớp khác nhau trong cùng phòng học.

Vào giờ học, thầy Tưởng kiểm tra chữ viết, tập đọc cho các em lớp 1, rồi yêu cầu các em viết bài. Đến lượt lớp 2 - 3, thầy kiểm tra bài cũ, giảng bài mới và ra bài tập. Rồi lại đến lớp 4 - 5, thầy cũng làm trình tự như lớp 2 - 3.

Duy trì lớp học nhiều trình độ này không hề đơn giản. Bởi thế, suốt 2 giờ, thầy phải liên tục đi lên đi xuống bao quát cả lớp, tới bàn này giảng lại một bài toán, xuống bàn kia hướng dẫn trò đồ lại con chữ, lên bảng viết, giảng bài cho lớp lớn. Thỉnh thoảng, thầy lại phải huy động cây thước mỏng đập mạnh xuống bàn, nhắc nhở các em trật tự, tập trung học tập.

Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Tưởng cho biết, hầu hết các em đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Nhiều em bố mẹ đi tù do vi phạm pháp luật, bố mẹ bỏ nhau hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Từ nhỏ, các em đã phải phụ giúp gia đình kiếm sống bằng việc bưng bê ở các nhà hàng, bán vé số dạo, làm việc ở quán bi da…

“Mong muốn các em biết được con chữ để học điều hay, lẽ phải, sống có ích cho xã hội nên năm 2004, khi về nhận công tác ở Đồn Biên phòng Cầu Bóng, tôi đã đề xuất ý kiến với chỉ huy đồn và chính quyền địa phương cho mở lớp học”, Thiếu tá Tưởng nói.

Học trò ở lớp học của Thiếu tá Tưởng luôn nhận được sự giúp đỡ về vật chất của các tổ chức, cá nhân.

Thời gian đầu, anh trực tiếp cùng với chính quyền, đoàn thể địa phương đến từng gia đình vận động cho các em đi học. Nghe tin có lớp học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nên mọi người đều chung tay đóng góp. Người đóng góp sách cũ, người cho tập vở mới… làm đồ dùng học tập cho các em. Sự đóng góp, động viên của mọi người khích lệ anh thêm cố gắng vì các em.

Do đã quen với cuộc sống tự do nên khi vào lớp, các em khá bướng bỉnh và khó bảo. Không những thế, độ tuổi của các em không đồng đều nên các em lớn tuổi thường tỏ ra ái ngại khi ngồi chung lớp với các em nhỏ. Vậy là người thầy mang quân hàm xanh này phải nói chuyện, động viên từng em và đôi khi phải rất nghiêm khắc. Cùng với đó, anh còn phải có giáo án riêng cho từng em và kiên trì từng bước chỉ bảo các em.

17 năm qua, lớp học tình thương của Thiếu tá Tưởng đã giúp hơn 160 em từ 6 - 18 tuổi biết đọc, biết viết, thành thạo tính toán. Hàng năm, các em đều được thi, kiểm tra chất lượng theo kế hoạch của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Nha Trang, kết quả 100% học sinh đều đạt yêu cầu.

Tấm gương tiêu biểu của lực lượng biên phòng

Đến với lớp học của thầy Tưởng, các em không chỉ biết về kiến thức, kỹ năng sống mà còn trở nên tiến bộ hơn về đạo đức, lối sống. Nhiều em được giác ngộ, cảm hóa trở nên ngoan ngoãn, không phá phách nghịch ngợm, không bỏ nhà phiêu dạt hay vi phạm pháp luật.

Ngoài giờ lên lớp, Thiếu tá Tưởng còn tạo điều kiện để các em được giao lưu với trẻ em các địa phương khác; tổ chức chơi bóng đá, cầu lông, tham gia biểu diễn văn nghệ; tìm hiểu pháp luật, phòng chống ma túy, phòng chóng HIV/AIDS…

“17 năm dạy học, đến bây giờ có trường hợp tôi dạy lại con của học trò. Niềm vui lớn nhất của tôi không chỉ dạy chữ mà chính là dạy các em trở thành người tốt; gíup đỡ các em có kiến thức để tiếp tục học nghề sửa xe máy, may mặc… kiếm được đồng tiền chính đáng, giúp đỡ gia đình”, Thiếu tá Tưởng chia sẻ.

Theo Đại tá Nhữ Mai Pháo - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, những năm qua, Đồn Biên phòng Cầu Bóng luôn là một trong những lá cờ đầu trong lực lượng biên phòng tỉnh về công tác vận động quần chúng. Đặc biệt, việc tổ chức và duy trì lớp học tình thương suốt 17 qua để góp phần giúp các em nhỏ khó khăn, bất hạnh có thêm nghị lực và không bị thất học là một điểm sáng trong công tác này của đơn vị.

“Việc duy trì lớp học 17 năm cho thấy Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng là người nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao và rất kiên nhẫn. Công việc thiện nguyện của đồng chí góp phần lan tỏa sâu rộng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ biên phòng, giúp các cháu, các em khi lớn khôn có nhận thức tốt hơn. Thiếu tá Tưởng là một tấm gương tiêu biểu của lực lượng biên phòng tỉnh. Đồng chí đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa tặng bằng khen…”, Đại tá Pháo cho biết.

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/lop-hoc-dac-biet-cua-nguoi-thay-mang-quan-ham-xanh-21502/