Lớp học cồng chiêng của thiếu niên Ê Ðê

Trong những ngày cuối tuần, về buôn Ja, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông (Ðác Lắc) lúc nào cũng rộn rã tiếng cồng chiêng của đồng bào Ê Ðê. Nhịp chiêng tuy chưa đều, chưa khỏe và chưa thành thục nhưng mỗi khi tiếng chiêng ngân lên làm cho các thanh, thiếu niên tham gia lớp học cồng chiêng thích thú, tự hào về loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

Chỉ sau một vài ngày học tập, các học viên đã nắm bắt được cách gõ nhịp diễn tấu cồng chiêng.

Ðây là lớp dạy đánh cồng chiêng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðác Lắc tổ chức. Lớp học do các nghệ nhân Ê Ðê ở buôn Ja, xã Hòa Sơn và một số buôn làng ở huyện Krông Bông truyền dạy đánh các bài cồng chiêng thông dụng trong các dịp lễ hội truyền thống của người Ê Ðê. Tham gia lớp học năm nay có 40 em là người Ê Ðê từ 14 đến 18 tuổi đến từ buôn Ja, xã Hòa Sơn và một số buôn làng Ê Ðê ở các xã Cư Pui, Cư Ðrăm, Yang Mao, huyện Krông Bông.

Nhiều em đến từ buôn M’năng Dơng, xã Yang Mao cách nơi học hàng chục km, giao thông đi lại khó khăn. Dù còn bận việc học tập ở trường nhưng các em được cha mẹ động viên và sắp xếp thời gian, nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần để tham gia lớp học đầy đủ, học cách diễn tấu những bài chiêng cơ bản. Các em mong muốn sau này phục vụ các lễ hội của buôn làng và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lớp học diễn ra trong thời gian hai tháng, các em được sáu nghệ nhân truyền dạy một số kiến thức cơ bản về cồng chiêng và dạy diễn tấu ba bài chiêng gồm: Cúng tổ tiên (Tông ai mang), Ðiệu vui (Mchếch cing hay là Mtéc khớc) và Mừng thọ (Mtieo cing). Bên cạnh đó, các nghệ nhân còn chỉ ra những cái hay, cái đẹp của văn hóa cồng chiêng để các em thêm yêu, thêm gắn bó với nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðác Lắc Ðặng Gia Duẩn cho biết: "Việc tổ chức lớp học đánh cồng chiêng cho các thanh, thiếu niên dân tộc Ê Ðê ở huyện Krông Bông nhằm kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ, qua đó giúp buôn làng xây dựng đội chiêng tham gia các hội thi, hội diễn liên hoan, giao lưu văn hóa văn nghệ". Ðây cũng là hoạt động thiết thực của ngành văn hóa tỉnh nằm trong chương trình thực hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HÐND, ngày 30-8-2016 của HÐND tỉnh Ðác Lắc về việc “Bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Ðác Lắc giai đoạn 2016-2020”.

Bài và ảnh: Nguyễn Công Lý

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34184702-lop-hoc-cong-chieng-cua-thieu-nien-e-%C3%B0e.html