Lớp học cho những đứa trẻ không được đến trường từ người 'thầy' gieo chữ bằng miệng

Từ những ngày tập viết bằng miệng, máu bật ra đau đớn, đến nay đã 10 năm người 'thầy' ấy vẫn tận tụy vì học sinh nghèo.

Khổ luyện từ vệt máu bờ môi

Cái tiếng “thầy” được học sinh nghèo tại vùng quê Chương Mỹ gọi thân thương quả không dễ dàng với chàng trai trẻ Phùng Văn Trường (sinh năm 1979, tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội).

Khi mới 2 tuổi gia đình phát hiện cả chân tay anh đều bị yếu dần, đi không thể vững, phải vịn tường mới có thể đứng được. Ước mơ trường học cũng từ đó lỡ dở.

Nhưng thương con đang ở tuổi cắp sách đến trường, vì muốn con bằng bạn bằng bè, biết mặt chữ, biết tính toán, bố anh đã cho con đi học, không cầm bút được, ông kẹp bàn tay anh lại tập viết.

Nhưng rồi học hết lớp 8, giấc mơ học hành dở dang của anh phải dừng lại, vì hai tay co cứng không thể cầm được cây bút. Không những vậy, đôi chân anh cũng không thể cất bước dù đã có nạng gỗ.

Chiếc xe lăn đồng hành cùng anh Trường hơn 10 năm nay, vừa là bạn vừa là “đôi chân cộng tay” của anh Trường, anh chia sẻ về những bất hạnh cuộc đời mình và sự nỗ lực không ngừng để viết được con chữ, mở lớp dạy cho các cháu học.

Nhìn lại lớp học với học trò, anh Trường chia sẻ: “Mấy đứa trong lớp hay gọi tôi bằng "thầy" nhưng tôi không thích chúng gọi như thế. Tôi thích cách gọi quen thuộc ông Trường ơi, bác Trường ơi hơn. Bởi lớp học của tôi mở ra chỉ là để dạy hay đúng hơn là trông coi bọn trẻ trong xóm để chúng bớt ham chơi, bớt dãi nắng những buổi trưa hè thôi. Chúng không được đến trường học tập như bao bạn bè khác, tôi cố gắng bù đắp kiến thức bằng cách tìm hiểu cuộc sống qua những trang sách nhờ bạn bè mua hộ. Không thể cầm bút bằng tay, tôi học viết bằng miệng và tự viết nên những dòng chữ cuộc đời”.

Để có được như ngày hôm nay, anh Trường đã phải khổ luyện nhường nào.

Để có được như ngày hôm nay, anh Trường đã phải khổ luyện nhường nào.

Kể về hành trình gian nan luyện chữ bằng miệng, anh ngậm ngùi, năm 1985, gia đình cho ra anh Hà Nội mổ, chân anh có thể tập tễnh, chống nạng tự đi học. Ngày nào không tự đi, anh nhờ người thân hay bạn bè chở đi.

Nhưng giấc mơ khép lại, phải nghỉ học vì chân quá yếu không đi được, anh sống tách biệt với mọi người. Anh chỉ có thể ngồi ở nhà một mình, lắm lúc nghĩ quẩn muốn chấm dứt cuộc sống để cho bố mẹ đỡ khổ. Nhưng dù anh bị bệnh, bố mẹ vẫn thương và hết lòng chăm lo.

“Con đường ngày xưa vào nhà tôi toàn là đá sỏi, rất đau chân, nhưng vì thương tôi ở nhà một mình, ngày nào bố cũng cõng tôi ra ngoài đầu làng để chơi với mọi người”, anh Trường kể về người cha hết lòng vì mình.

Trưởng thành, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, anh xin bố mẹ làm nhà ngoài mặt đường bán hàng kiếm sống.

Thấy mình biết chữ mà không viết, người ta mua chịu hàng không ghi chép được anh bực lắm. Tấm gương anh noi theo là "thầy" giáo Nguyễn Ngọc Ký có chân để quặp bút viết, còn anh chân tay không hoạt động nhưng còn miệng, thế rồi việc khổ luyện chữ bằng miệng bắt đầu từ đây.

“Lúc mới đầu chưa quen, cán bút chọc vào họng liên tục đến bật máu, gây buồn nôn. Tôi phải cúi cả người và lưng xuống mặt bàn để viết nên lưng và cổ rất mỏi, lại thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt. Đau đớn là thế nhưng mà chữ lại không ra hình thù gì, có lúc bất lực tôi đã quẳng cả bút giấy đi không muốn tập nữa”, anh Trường nhớ lại kí ức một thời gian nan của mình để có được ngày hôm nay.

Cuối cùng trời không phụ lòng người, ròng rã hơn tháng trời kiên trì tập luyện, anh bắt đầu viết được, dần dần anh có thể làm chủ được cây viết.

Cái duyên làm “thầy”

Dần dà anh luyện chữ thành quen, không thấy khó khăn nữa. Hồi đầu, anh chỉ dạy kèm cho con nhà em gái. Sau khi được anh dạy, các cháu học hành tiến bộ. Dần dần, các gia đình trong các thôn xung quanh cũng đưa con đến nhờ anh giúp. Cái duyên dạy học cũng từ đó mà ra.

“Hầu hết các cháu học ở lớp bị hổng kiến thức nhiều, lại ở các khối lớp khác nhau nên mỗi trường hợp phải soạn một giáo án riêng, làm sao các cháu dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất”, anh Trường chia sẻ.

Cứ đều đặn mỗi ngày, khoảng 16h30 sau giờ tan trường, những đứa trẻ lại ríu rít cắp sách đến nhà của anh để luyện chữ, ôn văn, làm toán.

Không gian lớp học mặc dù không rộng, lớp học của anh còn không có bảng đen, phấn trắng mà chỉ có một chiếc sọt nhựa đựng sách giáo khoa và vở viết, sĩ số lớp khoảng 20. Học sinh đến với anh có từ lớp 1 đến lớp 5.

“Ban đầu tôi dạy miễn phí. Sau đó chắc do phụ huynh “rủ lòng thương” nên đã rủ nhau đóng góp 100.000 đồng mỗi tháng để hỗ trợ một phần trang trải cuộc sống”, anh Trường hài hước chia sẻ.

Phòng học chỉ rộng gần 10m2 nhưng chứa chan tình thương thầy trò.

Gần 10 năm cõng con chữ cho các học trò nghèo, giờ đây anh được nhiều người trìu mến gọi là "thầy" Trường, điều mà anh chưa bao giờ dám nhận.

Với anh mỗi ngày trôi qua được truyền đạt những kiến thức, những nét chữ cho các em nhỏ, đó là cả niềm hạnh phúc của một người tàn nhưng không phế.

Khi nhắc đến các học trò của mình, anh Trường nhớ mãi một cháu bé bị tự kỷ, gia đình rất khó khăn, đưa đến nhờ anh dạy. Không biết đọc, biết viết. Sau khi được anh luyện chữ, dạy đọc cháu đã tiến bộ, cháu hoàn toàn có thể hòa nhập được với các bạn ở trường.

Với anh, các cháu tiếp thu chậm không có nghĩa là không tiếp thu được, dạy một lần không nhớ thì dạy lại nhiều lần, bao giờ các cháu nhớ được thì thôi. Như thế, sau này các cháu không đi học cao được thì cũng biết tính toán, rành mặt chữ mà làm ăn.

Gần đây, sức khỏe của anh ngày một yếu dần, không thể tự lên xuống xe lăn để dạy học. Có những hôm anh không thể lên xe được, phải lết dưới sàn, học sinh đến anh phải đuổi về, nhiều đêm anh trăn trở không ngủ được,

“Có lần tôi xếp cả bàn ghế lại rồi, các cháu đứng ngoài cửa nó gọi. Tôi thấy thương lắm nên gọi vào, ngồi dưới đất chỉ cho chúng nó. Tôi nghĩ, ngày nào tôi còn tỉnh táo, còn giúp được các cháu thì tôi vẫn sẽ tiếp tục dạy, kể cả một đứa tôi cũng dạy”.

Không chỉ dạy học cho các học sinh nghèo, "thầy" Trường cùng một số người đã vận động được hơn 3.000 đầu sách từ sách giáo khoa đến sách khoa học, kỹ năng sống, truyện tranh... và mở thư viện Hallo World (Xin chào thế giới) miễn phí cho các em tại nhà.

“Nhà tôi như là nhà cộng đồng. Nhìn các em vui vẻ bên những cuốn sách, tôi thấy hạnh phúc và cảm nhận cuộc đời mình ý nghĩa hơn”, "thầy" Trường nói.

Tu tâm tích đức

Bệnh tật, yếu ớt nghĩ mình chưa lo xong cho bản thân huống hồ nghĩ đến cảnh lấy vợ, ấy vậy mà thầy giáo đặc biệt đó đã có 1 vợ và 1 cậu con trai kháu khỉnh.

Lớp học nhỏ này của anh Trường cũng là tổ ấm của 3 người trong gia đình anh.

Nhìn cậu con trai nhỏ mới lên lớp 1, anh Trường hạnh phúc cho hay: “May mắn thằng bé không giống tôi, tuy còi một chút nhưng khỏe mạnh”.

Chia sẻ về mái ấm nhỏ anh Trường hạnh phúc tâm sự, vợ anh hơn anh 4 tuổi, biết đến nhau qua mai mối của chị gái trong nhà. Hồi đấy anh nghĩ, mình yếu ớt, còn không lo nổi cho thân, lấy vợ lại trở thành gánh nặng, làm khổ người ta nên chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện lập gia đình

Chỉ đến khi dạy học cho các cháu, niềm vui sống, tinh thần anh mỗi ngày lạc quan hơn, yêu tiếng cười con trẻ thì suy nghĩ lập gia đình mới đến với anh.

“Tại cuộc gặp đầu tiên, tôi cũng thẳng thắn nói với vợ muốn lấy tôi phải chấp nhận 3 điều kiện đó chính là thương anh, trở thành tay chân cho anh và nếu không may mắn, không thể có con, phải vui vẻ mà sống cùng anh”, anh bật cười nhớ lại hồi “thách vợ cưới mình”.

Những điều kiện tưởng chừng “quá đáng” của anh vốn nghĩ đã đẩy người phụ nữ ấy ra xa khỏi cuộc đời anh. Nhưng anh không biết rằng, chị Hường từ lâu đã biết đến ý chí và nghị lực kiên cường của anh nên đã sinh lòng cảm mến và yêu thương.

Người vợ tần tảo sớm khuya san sẻ nặng nhọc cùng anh Trường

Về mối nhân duyên đặc biệt, chị Ngô Thị Hường (vợ anh Trường) chia sẻ: “Lúc đấy lấy anh ấy vì thương và cảm phục cái ý chí của anh. Chẳng nghĩ gì chuyện thiệt thòi hay vất vả, tôi muốn bù đắp lại những bất hạnh anh ấy đã trải qua. Giờ thì chúng tôi cũng có một cậu con trai rồi, bây giờ cháu cũng đã vào lớp 1, khỏe mạnh, hoạt bát”.

Đối với anh đây là món quà quý giá mà ông trời ban tặng.

Hỏi về mong muốn trong tương lai, anh Trường tâm sự, nếu sức khỏe yếu đi, không thể tiếp tục dạy các cháu, không thể tiếp tục sống, thì anh mong muốn được hiến giác mạc của mình để tìm lại ánh sáng cho một ai đó, để đôi mắt mình tiếp tục có thể nhìn ngắm cuộc đời tươi đẹp (thứ mà duy nhất anh nghĩ anh lành lặn đẹp đẽ - PV).

Một số hình ảnh khác về anh Phùng Văn Trường và học trò:

Tận tụy soạn giáo án, tận tụy giảng bài cho từng cô cậu học trò nhỏ là niềm vui mỗi ngày của anh.

Mặc dù bị liệt cả 2 tay chân nhưng với anh có nghị lực sẽ có tất cả.

Thành quả là những đứa học trò nghèo chúng đã biết chữ

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lop-hoc-cho-nhung-dua-tre-khong-duoc-den-truong-tu-nguoi-thay-gieo-chu-bang-mieng-a457041.html