Lớp học 1 thầy 5 trò dưới chân núi Ngọc Linh

Để duy trì lớp học có sĩ số quá ít ỏi này, thầy A Huệ phải bao đêm đội mưa rét đến từng nhà học sinh, động viên trẻ hôm sau nhớ tới trường.

Nằm ở phía đông bắc tỉnh Kon Tum, huyện Tu Mơ Rông được biết đến là nơi có Khu căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy KonTum, là vùng đất của cây Sâm Ngọc Linh mà Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi là quốc bảo. Địa hình chia cắt bởi đồi núi nên việc đến trường của trẻ gặp nhiều khó khăn. Để các em đều được học chữ, Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện bố trí giáo viên đến từng điểm trường ở các thôn, làng xa xôi.

Điểm trường thôn Long Hy 2, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học – Trung học cơ sở xã Măng Ri là một nơi như thế.

Một điểm trường ở huyện nghèo Tu Mơ Rông.

Một điểm trường ở huyện nghèo Tu Mơ Rông.

Từ trung tâm huyên Tu Mơ Rông, sau khi vượt qua hàng chục đồi núi, một thung lũng xanh rộng lớn hiện ra trước mắt chúng tôi với những vệt vàng của ruộng lúa bậc thang đang mùa thu hoạch. Xa xa là những ngôi làng của người Xê Đăng, nơi có điểm trường thôn Long Hy 2 - lớp học đặc biệt chỉ gồm 5 học sinh của thầy A Huệ..

Thầy giáo A Huệ hướng dẫn học sinh làm bài tập.

Gia đình những học trò nhỏ này đều sống xa trường, bố mẹ không có điều kiện đưa đón. Cả 5 đứa trẻ sớm đi tối về, hầu hết thời gian trong ngày đều ở bên thầy Huệ, cả giờ học lẫn giờ ăn uống, nghỉ ngơi.

Trò chuyện với phóng viên, thầy giáo A Huệ tâm sự: "Tôi gắn bó với mảnh đất này cũng đã 16 năm. Từng con đường, ngõ xóm tôi đều đi qua. Dù mới được phân công về điểm trường này 2 năm nhưng người dân và học sinh nơi này đối với tôi đều rất tình cảm và trân trọng".

Mặc dù lớp có sĩ số khiêm tốn như vậy nhưng để duy trì nó, thầy A Huệ phải bỏ ra rất nhiều tâm sức, bởi bất cứ lúc nào cũng có em chực bỏ học. "Các em thấy ba mẹ khổ, đi học vất vả nên nhiều khi tự động nghỉ ngang, theo cha mẹ lên nương rẫy. Có những đêm trời tối, tôi phải đến nhà phụ huynh để nói chuyện, để họ hiểu ra và tiếp tục cho con đến lớp".

Rồi những đêm đông mưa lạnh, sợ lũ học trò nhỏ theo bố mẹ ngủ rẫy, bỏ học, thầy lại âm thầm đến từng nhà để động viên. Cũng là thầy đưa đón các em khi đường sá bị mưa làm cho sạt lở, cố giữ cho học sinh cái nếp đều đặn đến trường.

"Muốn mang con chữ đến cho các em nên tôi tự nhắc mình cố chịu vất vả, vì đó cũng là chuyện bình thường của nghề giáo. Giáo viên, ai cũng mong muốn học sinh mai sau trưởng thành..." - thầy A Huệ bộc bạch.

Thầy A Huệ và học trò.

Xác định công tác nơi đây là khó khăn vất vả, là chấp nhận những bữa ăn thiếu thốn, thầy Huệ vẫn luôn nỗ lực và tự động viên mình. "Câu thần chú" giúp thầy có đủ sức mạnh bám trụ là "hy vọng tương lai các em được rộng mở hơn, trở thành người có ích cho xã hội".

"Thầy giáo A Huệ là người mẫu mực, luôn hết lòng vì học sinh nơi đây, chăm chút cho bọn trẻ từ nét bút đến chuyện ăn ở, sinh hoạt. Ở nơi mà việc kiếm sống còn quá khó khăn này, người như thầy Huệ giúp duy trì những đốm lửa của việc truyền tải tri thức, tuy nhỏ nhưng bền bỉ, với hy vọng thắp sáng tương lai cho những đứa trẻ lớn lên từ núi rừng...", Phó Hiệu trưởng Trần Viết Huê nhận xét.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/lop-hoc-1-thay-5-tro-duoi-chan-nui-ngoc-linh-d511257.html