Lớp chọn và hệ lụy

Mới đây, một phụ huynh có con thi đỗ đầu lớp chọn trong trường THCS thường đã vui mừng khoe tin trên Facebook. Bên cạnh những lời khen, lời chúc nức nở, có cả những comment thắc mắc về việc tại sao vẫn còn lớp chọn trong trường thường? Nghe nói ngành đã cấm vụ này mà?

Ảnh minh họa

Nói qua nói lại một hồi, đến hôm sau, phụ huynh khoe con kia đã xóa status trên. Bạn bè inbox hỏi thăm mới biết… thầy ở trường của con đã xin phụ huynh rút status, vì status có đề tên trường, có chút ảnh hưởng “tế nhị”. Ấy là việc chọn thực tế là có thật nhưng… không được nói là chọn!

Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII quy định rõ “Không tổ chức lớp chọn ở các cấp học, không tổ chức trường chuyên ở cấp tiểu học và THCS, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao”. Công văn số 2449 ngày 27/5/2016 của Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ: “Nghiêm cấm việc tổ chức các trường chuyên, lớp chọn ở cấp học mầm non, tiểu học và THCS dưới bất kỳ hình thức nào”. Thế nhưng, hằng năm, khi các địa phương vừa hoàn thành tuyển sinh đầu cấp, thì cũng là lúc các trường bắt tay vào chọn học sinh cho lớp chọn.

Thường nhà trường sẽ xét học sinh vào lớp chọn trên các yếu tố như tổng điểm tuyển sinh vào lớp 6, 10 hay điểm thi môn Toán, Văn, Tiếng Anh… Đề thi do nhà trường ra. Dĩ nhiên, trên thực tế ở trường, những lớp chọn này không hề mang tên chọn, mà có thể là hiểu ngầm với định dạng A (tự nhiên), B (xã hội) hay lớp tiếng Anh nguồn…

Vì sao các trường vẫn quan tâm mở lớp chọn, bỏ qua quy định? Cái lí “làm chui” của nhà trường là vì mục tiêu tạo nguồn học sinh để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi và nghiên cứu khoa học. Từ các cuộc thi này, thương hiệu nhà trường được khẳng định, kéo theo sự hấp dẫn đối với phụ huynh học sinh trong tuyển sinh. Bản thân lớp chọn cũng có những hiệu quả tích cực trong giáo dục như: Học sinh được định hướng rõ ràng, lớp học có sự phân hóa theo trình độ rõ ràng nên giáo viên cũng soạn giảng. Nhờ có các lớp chọn, tỉ lệ học sinh giỏi các cấp khả quan hơn…

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thành lập các lớp chọn lại lợi bất cập hại. Trong bối cảnh giáo dục hướng đến phát triển con người toàn diện, việc tập trung học sinh để luyện “gà chọi” quá sớm là đi ngược với xu hướng chung. Đó là còn chưa kể sự xuất hiện của các lớp chọn cũng làm nảy sinh những tâm lí, thái độ thiếu tích cực ở tuổi học trò như “phân chia giai cấp”, thói tự kiêu, chảnh (với học sinh lớp chọn), tự ti, mặc cảm (với học sinh lớp thường…

Việc ưu tiên giáo viên tốt, lớp tốt, trang thiết bị tốt, thậm chí miễn cả những hoạt động khó khăn cho lớp chọn cũng tạo nên sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục. Khi dồn học sinh giỏi vào một lớp, lớp khác học sinh trung bình kém nhiều hơn sẽ làm mất lực lượng nòng cốt để học sinh yếu kém có động lực vươn lên. Không chỉ bất cập với học sinh, việc thành lập các lớp chọn cũng góp phần làm mất sự đoàn kết trong nội bộ nhà trường vì những quyền lợi có thể khác nhau giữa giáo viên đứng lớp chọn và đại trà!

Đáng chú ý, sự xuất hiện những lớp chọn trong trường thường cũng là mảnh đất dễ nảy sinh tiêu cực khi “quyền sinh, quyền sát” thuộc về nhà trường. Khi cánh cửa trường chuyên khép lại vì sự minh bạch thi cử thì không ít phụ huynh đã nghĩ đến “sáng kiến” chạy cho con vào lớp chọn. Nhu cầu nhiều, cơ chế lỏng lẻo, thiếu minh bạch thì tiêu cực xảy ra! Có bao nhiêu trường hợp phụ huynh nhờ quen biết, thư tay hay tiền nong để con vào được lớp chọn, đó vẫn là một ẩn số!

Tâm An

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/lop-chon-va-he-luy-4023945-b.html