Lớp 12A (1996 - 1999) Trường THPT Cao Bá Quát - Quốc Oai: 20 năm trường xưa, lớp cũ và ký ức dội về

(ĐS&PL) Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào, dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa thì bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa. Thế nhưng những giọt nước vẫn không ngừng trôi qua kẽ tay, rớt xuống và hòa tan những kỷ niệm và trí nhớ. Để sau này mỗi lần chúng ta nhìn vào những bong bóng mưa đều có thể nhớ đến những ngày tháng thanh xuân đẹp đẽ này...

Lưu niệm bên cô giáo chủ nhiệm sau 20 năm

Lưu niệm bên cô giáo chủ nhiệm sau 20 năm

Đó là những dòng cảm xúc của các thành viên Lớp 12A (1996 - 1999) - Trường THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai - Hà Nội) vào ngày 30/4/2019 tại Không gian văn hóa dân tộc Mường - Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà những người tổ chức chương trình hội ngộ sau 20 năm ra trường (1999 - 2019) sum họp trong mái nhà Mường cổ kính linh thiêng. Từ trong sâu thẳm họ muốn quây quần bên bếp lửa hồng, cùng ăn cơm lá, cùng tâm sự chuyện đời, chuyện tình sau một thời gian dài xa cách.

Sau 20 năm ai cũng đã trưởng thành và tự vượt qua những giới hạn của bản thân để trở thành "người lớn". Nhưng có lẽ đứng trước cô giáo chủ nhiệm họ vẫn là những học sinh của ngày nào, vẫn tinh nghịch, "ngây thơ" và mơ mộng như ngày nào.

Cô bé Hồng Vân nhí nhảnh ngày nào vẫn hát hay, bạo dạn hơn người tâm sự: "Nếu thanh xuân là một giấc mơ có lẽ nhiều người sẽ ao ước được mơ hoài không tỉnh. Và những năm tháng cấp 3 chính là khoảng thời gian tươi đẹp nhất của giấc mơ thanh xuân. Bởi khi đó chúng ta vẫn còn trẻ con để vô tư, thoải mái với những lần cười đùa, những lần chí chóe cãi nhau. Nhưng đó cũng là khi ta đủ lớn để nhận ra rằng cuộc vui nào cũng đến lúc tàn và những ngày tháng cuối cùng của tuổi học trò này chính là kỷ niệm chẳng bao giờ quên. Chúng ta cũng đủ lớn để nhận ra 1000 ngày không phải là dài so với đời người nhưng lại là quãng thời gian mang tuổi trẻ, mang những ước mơ và cả những nỗi niềm chưa kịp bày tỏ...".

Cô trò cùng xem lại những khoảnh khắc

Đồng tình với quan điểm của nhiều bạn khác trong lớp, bạn Vũ Hà cho rằng, ai cũng có một tuổi thơ được xem là quá khứ, một phần kỷ niệm hay những gì gợi nhớ thương trong tâm hồn. Ai đó đã ví tuổi trẻ ngọt ngào như dòng suối mát, nhưng cũng hung hăng như một con sông mùa lũ. Nhưng đó là khoảng thời gian dẫu không thật bình yên thì cũng đủ mơ màng để in dấu trong sâu thẳm tâm hồn:

Mong ước kỷ niệm xưa
Hãy quay về cho tôi một lần thôi để nhớ
Để đợi chờ, chuếnh choáng dưới chiều mưa
Để tim ai xao xuyến mộng cho vừa
Để là nắng, là mưa, là tất cả
Của một thời áo trắng trộm nhìn nhau.

Còn bạn Thanh Tuấn luôn thông minh, hoạt bát và cũng đầy ngẫu hứng thơ ca lại dành những cảm xúc lắng đọng nhất của mình về cô giáo Chủ nhiệm: "Trong suốt 20 năm qua, chúng em luôn cảm thấy hạnh phúc vì được làm học sinh của cô. Cảm ơn cô đã định hướng cho chúng em trên đường đời và cả cuộc sống riêng..."

Tiết học đặc biệt sau 20 năm

Quả thật 1000 ngày cấp 3 là lời "tỏ tình" chưa kịp nói và giờ này thì chẳng còn cơ hội để bày tỏ nữa rồi. Trước đây cứ sợ rằng nói ra sẽ mất đi tình bạn, sẽ khiến bạn chẳng chuyên tâm học hành... rồi chần chừ chờ đến giây phút cuối cùng của tuổi học trò để thổ lộ. Nhưng rồi lời chưa kịp nói đã phải chia xa... Chẳng biết sau này sẽ yêu ai, thương ai, nhưng mối tình học trò ấy bỗng trở thành một niềm tiếc nuối, một hoài niệm khó quên như bạn Xuân Nguyên chia sẻ:

Chẳng bao giờ ai chờ anh dưới mưa

Như ngày xưa em từng chờ đợi

Đôi vai ướt đầm mái đầu tóc rối

Cây bàng xanh lặng lẽ đứng bên đường.

Kỷ niệm xa rồi còn lại nhớ thương

Anh ra đi đêm mưa thành cổ tích

Em ở lại bơ vơ hờn trách

Lá bàng ơi giờ bay mãi tận đâu?

Hai đứa mình ngày ấy giận hờn nhau

Ai biết được ai là người có lỗi

Khoảng thời gian nhạt nhòa mưa xối

Khoảng cách chia nhuộm đỏ lá bàng rơi

Anh bây giờ như hạt mưa sa

Thèm lay ướt vòm cây xanh lá cũ

Giá có được ùa về quá khứ

Có còn em ướt lạnh đứng chờ anh...?

Châu Dung

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/xa-hoicap-3-chinh-la-quang-thoi-gian-dep-nhat-trong-giac-mo-cua-tuoi-tre-a273328.html