Lòng tự trọng và 'văn hóa không chạy chức chạy quyền'

Nghị quyết 26NQ/TW về công tác cán bộ nêu rõ: 'Coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền'.

Như vậy, bên cạnh việc giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm thì yếu tố lòng tự trọng, danh dự của cán bộ là rất quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Tự trọng là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình. Người có lòng tự trọng là người có đạo đức, lối sống lành mạnh, giản dị, sống có trách nhiệm, khiêm tốn, tôn trọng những người chung quanh; biết hành động đúng với chuẩn mực xã hội, cái gì không phải của mình thì tuyệt nhiên không được lấy về mình, không ngại khó, ngại khổ, luôn nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Người có lòng tự trọng biết xây dựng cho mình những phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng; biết học tập để nâng cao trình độ, năng lực bản thân, biết giữ mình, biết tôn trọng người khác, biết lắng nghe, chịu trách nhiệm với lời nói, hành động của mình trước tập thể và trước nhân dân…

Có ý kiến cho rằng, bên cạnh việc nâng cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng, cần xây dựng các tiêu chí cụ thể về lòng tự trọng để mỗi cán bộ tự học tập, rèn luyện, đồng thời là căn cứ để tổ chức đảng, cơ quan nơi cán bộ công tác nhìn nhận, đánh giá, động viên kịp thời những cán bộ có lòng tự trọng, phẩm chất tốt cũng như phát hiện những người không có lòng tự trọng, uy tín thấp để có những biện pháp xử lý phù hợp trong công tác cán bộ.

Theo đó, về tư tưởng, chính trị, trước hết phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không hoang mang, dao động trước mọi tình huống, không ngại khó, ngại khổ, không đùn đẩy trách nhiệm trong công việc; Có ý thức chủ động tự phê bình và phê bình, khi có khuyết điểm thì thành khẩn nhận trách nhiệm, nghiêm túc sửa chữa, góp ý cho đồng chí, đồng đội thẳng thắn, không né tránh, nói đúng sự thật, không vu khống, bôi nhọ, chỉ trích người khác thiếu căn cứ; nói ít, làm nhiều, có trách nhiệm với lời nói và lời hứa của mình.

Về đạo đức, lối sống, cán bộ phải gương mẫu, sống lành mạnh, giản dị, không phô trương, xa hoa, lãng phí. Về năng lực, trình độ, ở vị trí công việc, chức vụ nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Luôn gương mẫu đi đầu, nỗ lực học tập, rèn luyện, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Bản thân cán bộ nếu được bố trí vào những vị trí công việc thuận lợi nhưng không phù hợp chuyên môn, năng lực, sở trường của mình, không bảo đảm uy tín đối với đồng chí đồng đội và quần chúng nhân dân thì cần tự trọng rút lui.

Người lãnh đạo luôn bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác; không kèn cựa địa vị, độc đoán, chuyên quyền; không quan liêu, xa rời quần chúng; không dung túng, bao che cho sai phạm, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; dũng cảm chịu trách nhiệm về những tồn tại, thiếu sót thuộc phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền của mình chỉ đạo, thực hiện…

Các tiêu chí đó không phải là quá cao siêu, cũng không nằm ngoài những yêu cầu cơ bản phải có của một cán bộ, đảng viên. Và khi đã có lòng tự trọng thì người cán bộ, đảng viên sẽ biết nói không với tiêu cực. Đó cũng là cơ sở để hình thành nên “văn hóa không chạy chức, chạy quyền”.

Trung Nguyễn

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/tam-diem-du-luan/long-tu-trong-va-van-hoa-khong-chay-chuc-chay-quyen-271494.html