Lòng tin trong tình yêu

Khi thiếu hụt niềm tin, con người có xu hướng luôn nghi hoặc, cô lập mình hoặc kịch tính hóa những tình huống trong mối quan hệ.

Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew vào đầu năm nay, gần 71% người Mỹ đang ít tin tưởng hơn vào các mối quan hệ so với 2 thập kỷ trước.

Chuyên gia tâm lý Minkyung Chung của công ty trị liệu Talkspace nhận định: "Người thiếu tin tưởng vào bạn bè, gia đình hoặc người yêu sẽ luôn cảm thấy bất an. Không một mối quan hệ nào có thể bền vững nếu thiếu niềm tin".

Ghen tuông: Sự ghen tuông gây ra những vấn đề lớn trong mối quan hệ. Khi ghen, một người luôn cảm thấy muốn biết người yêu mình đang làm gì, ở đâu, với ai. Trường hợp tệ hơn, họ không muốn rời mắt khỏi bạn trai/bạn gái của mình.

Hội chứng 'đánh mất niềm tin': Tâm lý này xuất hiện khi một người từng bị tổn thương sâu sắc hoặc trải qua mối quan hệ tan vỡ. Điều này khiến họ mất lòng tin vào tình cảm hiện tại.

Nỗi sợ chọn sai người: Là những người không bao giờ cảm thấy hài lòng trong mối quan hệ của mình. Họ không tin tưởng vào sự lựa chọn, luôn nghĩ rằng xung quanh sẽ có người yêu khác tốt hơn.

Chỉ nhìn vào điểm tiêu cực: Đó là những người chỉ nhìn thấy điều sai trái trong một mối quan hệ. Họ chỉ trích quá mức, luôn nghĩ rằng chuyện tình cảm sẽ kết thúc một cách đau khổ.

Suy nghĩ tiêu cực

Khi có vấn đề về lòng tin, con người có xu hướng cho rằng những người khác - đặc biệt là người yêu - đang cố tình làm tổn thương mình. Họ đa nghi về những lời khen, cử chỉ âu yếm mà đối phương thể hiện.

Tránh cam kết

Thiếu tin tưởng, một người sẽ khó lòng cam kết với nửa kia. Họ lo sợ và luôn có ý nghĩ rằng tình yêu không thể lâu bền.

Cô lập bản thân

Đôi khi, các vấn đề về lòng tin có thể chuyển thành nỗi ám ảnh dữ dội. Khi đó, một người sẽ có xu hướng xa lánh và không muốn vun đắp cho mối quan hệ.

 Khi gặp vấn đề với lòng tin, con người có xu hướng cô lập bản thân hoặc bạo hành người yêu. Ảnh minh họa: Ivan Samkov/Pexels.

Khi gặp vấn đề với lòng tin, con người có xu hướng cô lập bản thân hoặc bạo hành người yêu. Ảnh minh họa: Ivan Samkov/Pexels.

Bạo hành

Khi không có lòng tin, một người thường cố ý ra sự bất ổn. Họ thường "chuyện bé xé ra to" và nếu không giải tỏa được tâm trạng, họ bộc phát hành vi vũ lực với người yêu.

Luôn giữ bí mật

Không có gì lạ khi những người có vấn đề về lòng tin luôn giữ bí mật cho riêng mình. Họ không muốn cởi mở, lo sợ không được chấp nhận hoặc yêu thương nếu thể hiện con người thật.

Sợ bị cắm sừng… trước khi yêu

Các vấn đề về lòng tin có thể khiến một người tin rằng mình luôn thất bại trong tình cảm. Từ đó, họ không thể tin tưởng bất kỳ ai, sợ mình bị phản bội ngay cả trước khi yêu đương.

Sợ thân mật

Một người thiếu tin tưởng có thể không muốn gần gũi với người yêu. Họ cảm thấy không thể kết nối, không có nhiều cảm xúc cho hoạt động tình dục.

Kịch tính hóa mối quan hệ

Khi không tin tưởng đối phương, một người thường có xu hướng nghĩ đến những viễn cảnh độc hại, kịch tính cho mối quan hệ, khiến nửa kia mệt mỏi, chán chường.

Chuyên gia từ Talkspace gợi ý một số giải pháp để bạn điều hướng lòng tin của mình hoặc người xung quanh. Điều này giúp phát triển các mối quan hệ một cách lành mạnh, mang lại sự trung thực và hạnh phúc.

Khám phá nguyên nhân

Hãy tìm hiểu tại sao bạn lại không có lòng tin ở một người hoặc một mối quan hệ. Bạn không thể chữa lành cảm xúc nếu không biết mình tổn thương vì điều gì.

Chuyên gia tâm lý cho rằng con người cần cải thiện vấn đề lòng tin để có mối quan hệ lành mạnh. Ảnh minh họa: Liza Summer/Pexels.

Thừa nhận cảm xúc

Khi bạn biết mình gặp vấn đề về lòng tin, nguyên nhân có thể do bạn từng bị phản bội, xúc phạm hoặc lạm dụng trong quá khứ. Đó đều là những cảm xúc đau buồn, nhưng hãy cố gắng thừa nhận nó. Ngay khi bạn chấp nhận những vết thương lòng, đó cũng là lúc bạn đang vượt qua nó.

Cần chấp nhận rủi ro

Thông thường, chúng ta không dám tin tưởng bởi lo ngại những rủi ro có thể gặp phải ở phía trước.

Nhưng bạn cần biết rằng tin tưởng và rủi ro là hai yếu tố luôn song hành. Bất cứ khi nào bạn đặt lòng tin, bạn đều có nguy cơ bị tổn thương. Để có một mối quan hệ lành mạnh, bạn cần hiểu và chấp nhận điều này.

Vì vậy, nếu đang cố khắc phục vấn đề lòng tin, bạn cần chấp nhận rủi ro có thể là một kết quả của quá trình.

Giao tiếp

Giao tiếp là chìa khóa trong bất kỳ mối quan hệ nào. Khi bạn cảm thấy thiếu tin tưởng, hãy ngồi xuống và chia sẻ cảm xúc này với nửa kia.

Nếu chẳng may người yêu thực sự đang lừa dối, bạn có thể nhận ra điều gì đó thông qua cuộc hội thoại này.

Nhưng nếu vấn đề chỉ xuất phát từ cảm xúc của riêng bạn, người yêu có thể sẽ giải thích và điều chỉnh hành vi, cải thiện tâm trạng của bạn từng ngày.

Nhờ đến sự giúp đỡ

Đôi khi, bạn đã làm mọi cách và vấn đề vẫn không thay đổi. Đây chính là lúc bạn cần đến sự giúp đỡ từ bác sĩ tâm lý hoặc những người bạn có thể dựa vào. Đừng ngại và giấu đi vấn đề trong bạn. Mọi việc sẽ trở nên tốt hơn khi bạn cởi mở.

Quang Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/long-tin-trong-tinh-yeu-post1343634.html