Lòng người Sài Gòn qua chuyện hiến đất mở hẻm

Thật khó để kể hết những cái 'lạ', cái 'dị' xuất phát từ chữ 'thương' của người Sài Gòn. Ngạc nhiên là ở chỗ người Sài Gòn rất quyến rũ, làm cư dân tứ phương đến 'cắm dùi' ở vùng đất này nhớ nhung khôn nguôi.

Con hẻm này trước đây rộng chỉ đủ chiếc xe máy, nay cơi nới rộng tới 4m

Con hẻm này trước đây rộng chỉ đủ chiếc xe máy, nay cơi nới rộng tới 4m

Tất cả là từ chữ “thương”

Có thể nói rằng, không nơi nào trên mảnh đất hình chữ S này lại có đầy đủ đại diện của 54 dân tộc, ngoài Sài Gòn. Mảnh đất là nơi dừng chân của bao dân tộc, bao thế hệ không phải từ 320 năm trước mà đã từ rất lâu rồi. Rồi từ một nơi dung nạp, quần tụ của nhiều dân tộc, nó dần chắt lọc, hun đúc để hình thành một tính cách của cộng đồng một vùng đất mở, dung chứa và bảo bọc, san sẻ và… nhiều câu chuyện.

Cái nhiều chuyện nó có nghĩa rất…bao đồng. Không phải chuyện của mình mà cũng… lo, cũng sốt sắng xắn tay áo vào để làm, để giúp mà chẳng “lăn tăn” gì đến chuyện thiệt, hơn, “của ít lòng nhiều” mà. Đâu phải là ngẫu nhiên mà từ mảnh đất này, biết bao nhiêu phong trào tự phát dần đã trở thành những chủ trương của quốc gia. Như chuyện xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình thương, nhà mở cho người nghèo, trẻ em cơ nhỡ, thanh niên tình nguyện, đón đưa rồi tìm chỗ ở, chỗ ăn miễn phí cho thí sinh từ các tỉnh về đây thi đại học. Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng thơm thảo, bao dung của đất Sài Gòn.

Bà Nguyễn Thị Thanh

Như tâm tình của chị Mười với nồi cháo sườn miễn phí cho bệnh nhân, người nhà tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định: “Trời, tôi thấy nhiều bệnh nhân bệnh hiểm nghèo mà không dám ăn sáng, ăn trưa chỉ có tô cháo không với đường thì làm sao có sức để mà chữa bệnh, để mà khỏi bệnh, xót xa lắm, thấy “thương lắm. Vậy thì mình chẳng có gì nhiều, chỉ có nồi cháo với sườn để người bệnh ăn sáng có “chất”, có sức chút đỉnh thôi mà. Có gì nhiều nhặn đâu”.

Hay ông Tư vá xe ở hẻm 96, đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận. Vá xe kiếm tiền lẻ để độ nhật, nhưng ông Tư lại gom góp được một tủ thuốc miễn phí, treo trên tường đầu hẻm, “để bà con bán vé số, đạp xích lô, xe ôm… lỡ khi trái gió, trở trời hay bị tai nạn là có thuốc uống ngay hoặc cấp cứu tại chỗ”. Ở cái hẻm này, còn có một nhà đòn, sẵn sàng chở đến tận nơi một cái hòm cho những ai về với ông bà nhưng quá nghèo, neo đơn hoặc bị tai nạn, không có người thân. Hay gần đây là một nhóm SOS, gồm những chàng công chức, cô sinh viên hay là công nhân.

Cứ khoảng 10 giờ đêm, là họ lại hẹn nhau rồi rong ruổi trên các con đường vắng để tìm giúp những ai bị bể bánh xe, lỡ độ đường. Họ vá, sửa xe rồi kèm đưa người về đến tận nhà. Rồi có những nhóm anh em đường phố, “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” hàng đêm, hàng ngày rong ruổi trên đường để cảnh báo cho những ai có thể là nạn nhân của trộm cướp. Khi xảy ra sự việc, họ sẵn sàng xả thân truy đuổi, trao trả tài sản cho nạn nhân và đưa kẻ cướp đến chính quyền xử lý. Nhưng chuyện “hiến đất làm đường” của người Sài Gòn, có lẽ là chuyện “dị” hơn cả…

Hẻm rộng thoáng khác hẳn con hẻm trước đây nhỏ hẹp

“Của đau, con xót” nhưng hiến… tấm lòng

Ai cũng biết, ở đất Sài Gòn mắc mỏ này, một mét đất là cả một tài sản, giá cả trăm triệu đồng. “Khùng”… sao đi hiến? Mà hiến đâu có ít, có người hiến cả trăm m2 là chuyện thường. Quận Phú Nhuận là quận đi đầu trong phong trào này. Quận có gần 600 con hẻm có trước ngày giải phóng. Phần lớn là hẻm nhỏ, hẹp, gồ ghề chạy vòng vèo trong các khu dân cư chật chội, đi lại khó khăn, lầy lội, không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy và an ninh - trật tự. Năm 2000, quận thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng hẻm theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, theo đó, dân sẽ hiến đất mặt tiền nhà mình, còn địa phương sẽ đầu tư láng bê-tông và lắp đặt hệ thống cấp thoát nước.

Quận này đã thực hiện 18 công trình mở rộng hẻm và đã có 636 hộ dân tự nguyện hiến 3.910,6 m2 đất, trị giá cả trăm tỷ đồng. Nhiều hộ không bị giải tỏa cũng hăng hái đóng góp hàng chục triệu đồng cùng với phường hỗ trợ thêm các hộ thuộc diện giải tỏa một phần, có hoàn cảnh khó khăn để có điều kiện sửa chữa, hoàn thiện nhà. Bà Nguyễn Thị Thanh (65 tuổi, ngụ 74/24, đường Trương Quốc Dung, phường 10, Phú Nhuận) vừa nhanh tay múc tô hủ tiếu cho khách, vừa vui vẻ tiếp chuyện: “Ôi, chuyện nhỏ mà đâu có gì to tát”. Rồi bà kể, cách đây hơn chục năm, hẻm này là đường đất bé xíu, chừng 3m, bụi bặm rồi lầy lội lắm. Đèn đường không có, nhà dì cũng xập xệ lắm. Rồi nghe phường họp tổ với bà con, nói chuyện mở đường cho thoáng rộng, sạch sẽ ai cũng mừng. Nhưng nghe đến chuyện phải “mất” đất thì nhiều người lại “xìu xuống”.

Cũng theo bà Thanh, “mất đất là mất của”, ai cũng xót, ai cũng tính toán. Nhất là khi cơn sốt nhà đất ở nội thành như một cơn bão đang chực chờ ập xuống bất cứ nhà nào. Qua nhiều đêm suy tính, dẹp qua những lấn cấn trong nhà, gia đình bà Thanh gật đầu “cái rụp”. Nhà bà hiến 3m đất từ lề đường vào (bề ngang nhà là 6m), tính ra là 18m2, biết bao nhiêu tiền. Hiện con hẻm 74 Trương Quốc Dung giờ đã trở thành một con hẻm bê tông rộng hơn 9m, sạch boong. “Hẻm này bây giờ có đèn đường, được mọi người quét dọn hàng ngày nên chiều tối, mấy đứa nhỏ tha hồ chạy nhảy, vui chơi. Bà con cũng có mặt tiền để mà buôn bán lặt vặt, hàng ăn buổi sáng, buổi chiều, có đồng ra đồng vào, nhà cửa được sửa sang lại khang trang, mát mẻ, hơn hẳn những năm trước”, bà Thanh tuôn ra một tràng.

Lòng người luôn mở

Người dân quận Phú Nhuận sau khi hiến đất xong, còn tự chỉnh trang lại mặt tiền căn hộ của mình, góp phần làm đẹp phố phường. Đặc biệt, có những đường như Trần Huy Liệu, Phan Đình Phùng dân bỏ ra hơn 4 tỷ đồng để xây toàn bộ vỉa hè, đồng thời kiêm luôn giám sát công trình. Đặc biệt, trong khi cả TP đang đau đầu vì tình trạng khan hiếm các trụ nước để phục vụ công tác PCCC thì tại quận Phú Nhuận thêm một lần nữa sức dân được huy động. Chỉ riêng tại phường 1, đã có trên 80 hộ dân đồng ý cho chính quyền lắp đặt đường ống xả nối với các hồ chứa nước (dung tích trên 1.000m3) trong nhà của mình.

Đại diện UBND phường 3, quận Phú Nhuận, chia sẻ câu chuyện thực tế mở hẻm rằng, để vận động 67 hộ ở hẻm 162 Phan Đăng Lưu hiến đất mở hẻm (giai đoạn 1), mất gần 6 năm (từ năm 2009 đến cuối năm 2014) phường mới vận động được đa số các hộ dân đồng ý. Khi mới bắt tay vận động người dân, phường gặp rất nhiều khó khăn. Cả bộ máy chính quyền, đoàn thể vào cuộc, vận dụng nhiều quy định để hỗ trợ, thuyết phục người dân.

Mỗi gia đình là một câu chuyện, một hoàn cảnh, phải thuyết phục với tấm lòng và cái cách của người Sài Gòn, “nói huỵch toẹt”, không tư lợi. Quận Phú Nhuận là quận tiên phong trong phong trào mở rộng hẻm từ năm 1999. Trải qua 20 năm, cả hệ thống chính trị quận và người dân đều nỗ lực mở rộng, nâng cấp, cải tạo hẻm, mở hẻm thành đường… Chỉ trong 10 năm trở lại đây, quận Phú Nhuận đã mở rộng 74 hẻm với diện tích gần 14.465m2 đất do 3.103 hộ gia đình hiến.

Quận Phú Nhuận là quận tiên phong trong phong trào mở rộng hẻm từ năm 1999. Trải qua 20 năm, cả hệ thống chính trị quận và người dân đều nỗ lực mở rộng, nâng cấp, cải tạo hẻm, mở hẻm thành đường… Chỉ trong 10 năm trở lại đây, quận Phú Nhuận đã mở rộng 74 hẻm với diện tích gần 14.465m2 đất do 3.103 hộ gia đình hiến.

Đình Du

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/long-nguoi-sai-gon-qua-chuyen-hien-dat-mo-hem-1407088.tpo