Lỏng lẻo an ninh bệnh viện

Chiều 18/4, trong buổi làm việc với lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần khởi tố đúng pháp luật hành vi đánh bác sĩ trong bệnh viện.

Một vụ bạo hành được camera bệnh viện ghi lại.

Liên tiếp các vụ việc nghiêm trọng

Theo thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm 2018 đến nay, đã xảy ra năm vụ hành hung nhân viên y tế. Vụ việc mới đây nhất, vào khoảng 23h30 ngày 13/4, bác sỹ trực Vũ Hồng Chiến, 29 tuổi (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) tiếp nhận một bé trai khoảng 7 tuổi với vết thương trên trán. Đi cùng bệnh nhi là người đàn ông cao to, tóc buộc dài, khuôn mặt dữ dằn và có mùi rượu.

Sau khi thăm khám và trong lúc ngồi trao đổi về hướng xử lý vết thương, người này nói và hỏi liên tục rồi bất ngờ đứng dậy, xông tới đấm vào mặt bác sỹ Chiến khiến vị BS này không kịp phản ứng. Một nhân viên cùng khoa chạy vào can ngăn liền bị người đàn ông này chửi mắng, tấn công. Chỉ khi lực lượng bảo vệ và Công an phường Điện Biện, quận Ba Đình có mặt, người này mới chịu dừng.

Trước đó, cũng vào khoảng 23h30 phút ngày 8/4, bác sỹ Nguyễn Đình Phi - Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh) tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Phúc Đ. (14 tháng tuổi) trong tình trạng sốt cao 39,6 độ C và đã được đặt thuốc hạ nhiệt hậu môn tại Khoa Cấp cứu chống độc. Tuy nhiên, khi mới bế bé vào khoa, người đàn ông được cho là bố của bé đã chửi mắng ầm ĩ. Lý do là bệnh nhi này trước đó đã điều trị và ra viện cách đây một tháng, tuy nhiên, tại sao hiện nay bị sốt lại phải đưa vào nhập viện.

Khi bé được đưa vào khoa Nhi, bác sỹ Nguyễn Đình Phi nhanh chóng đo nhiệt độ cho bé, thăm khám ban đầu yêu cầu phải cho uống thuốc hạ sốt. Vừa dứt lời, bác sỹ Phi đã bị người đàn ông túm cổ áo đánh, làm bác sỹ vỡ kính mắt, choáng váng ngã xuống sàn nhà. Đang tiếp đón bệnh nhân gần đó, thực tập sinh Trần Nhật Giáp (sinh viên năm 6, Trường Đại học Y khoa Vinh) vào can ngăn liền bị người này đấm liên tiếp vào mặt và vùng đầu, khiến Giáp bất tỉnh.

Ngày 25/2, Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch (Quảng Bình) tiếp nhận 2 nạn nhân bị tai nạn giao thông đã tử vong trước khi nhập viện. Khi các bác sỹ thông báo tin này thì nhóm bạn của 2 nạn nhân đã la hét, đập vỡ các cửa kính của bệnh viện...

Ngày 20/2 (ngày mùng 5 Tết), tại Bệnh viện Sản nhi Yên Bái, Lê Hồng Nam, chồng của sản phụ đang được mổ đã trèo lên lan can để quay phim, chụp ảnh. Khi được nhắc nhở thì anh đã lăng mạ và chửi bới. Sau đó, Lê Hồng Nam và 15 đối tượng khác do Nam gọi đến dùng đèn pin đập vào đầu, hành hung bác sỹ Phạm Hải Ninh và bác sỹ Hoàng Đức Trung (2 bác sỹ vừa mổ cho vợ của Nam). Một bác sỹ đã bị khâu hơn 20 mũi ở mặt và đầu.

Ngày 17/2 (ngày mùng 2 Tết), khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, ngừng hô hấp. Trong lúc các y bác sỹ đang cấp cứu thì anh trai bệnh nhân quay phim, chụp ảnh, đe dọa, chửi bới bác sỹ. Khi nhân viên y tế mời người nhà bệnh nhân ra ngoài, người nhà bệnh nhân đã đập phá khoa Cấp cứu, khiến các y bác sỹ và bệnh nhân khác hoảng loạn.

Trước đó, năm 2017, tại các bệnh viện cũng đã xảy ra nhiều vụ hành hung nhân viên y tế và y bác sỹ khi đang làm việc, khám chữa bệnh... Mức độ vụ việc ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Nguyên nhân

Trước thực trạng liên tiếp xảy ra các vụ việc người nhà người bệnh và đối tượng bên ngoài hành hung, uy hiếp nhân viên y tế tại các bệnh viện, cuối năm 2017, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị tăng cường an ninh trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế.

Tại hội nghị này, đại diện Tổng cục Cảnh sát nhận định do lực lượng nhân viên bảo vệ tại các bệnh viện còn ít, thiếu chuyên nghiệp, đặc biệt là trong công tác phản ứng với các tình huống nguy hiểm. Phần lớn nhân viên bảo vệ chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát người ra, vào cổng bệnh viện, trông xe, ít can thiệp vào việc kiểm soát người tại khu vực khám chữa bệnh. Do vậy, khi có các tình huống phát sinh tại khu vực khám chữa bệnh, nhân viên bảo vệ không kịp phản ứng…

Song, đại diện ngành công an cũng cũng nhấn mạnh, một trong những lý do dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự trong bệnh viện thời gian qua là do thái độ, cung các ứng xử với bệnh nhân, người nhà của một số bác sỹ chưa chuẩn mực, nhũng nhiễu, gây nên tâm lý bức xúc trong người nhà bệnh nhân. Đặc biệt thường xảy ra tại các ca cấp cứu liên quan đến chấn thương, sinh đẻ... Trong các tình huống đó, các bác sỹ còn thiếu các kỹ năng về tâm lý, trấn an tinh thần cho người nhà, tạo nên những tác động tiêu cực đến tinh thần, cảm xúc của bệnh nhân, người nhà trong giai đoạn nguy hiểm đến tính mạng khiến họ phẫn nộ, dẫn đến các hành vi quá khích như đập phá đồ đạc, tài sản, đe dọa, chửi bới nhân viên bệnh viện, thậm chí hành hung y bác sỹ...

Mới đây nhất, ngay sau vụ việc bác sỹ Chiến ở BV Xanh Pôn bị hành hung, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị giữ các đơn vị y tế, sở y tế, công an các tỉnh ký văn bản phối hợp, lập đường dây nóng để thông báo kịp thời cho lực lượng 113 xử lý các tình huống hành hung cán bộ y tế trong các bệnh viện. Đặc biệt, Bộ Y tế kiến nghị lực lượng công an cần phải vào cuộc thực sự; triển khai cắm chốt ngay tại bệnh viện và tuần tra thường xuyên tại những điểm nóng, nơi căng thẳng như khoa cấp cứu của bệnh viện; đồng thời xử lý nghiêm minh theo pháp luật hiện hành các tối tượng có hành vi hành hung bác sỹ, nhân viên y tế.

Nhìn nhận khách quan vấn đề này, đầu năm 2018, tại cuộc làm việc với ngành y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị ngành chức năng có những biện pháp bảo vệ bác sỹ, cán bộ y tế, nghiêm trị những kẻ gây rối. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng: “Trừ một vài trường hợp say rượu quấy phá bệnh viện, còn lại phần nhiều trường hợp người nhà gây sự do bất bình vì phục vụ. Có bất bình do không được nhân viên y tế giải thích, có bất bình do bản thân một số cán bộ chưa thực sự tốt”. Điều đó cho thấy, bản thân những người làm trong ngành y tế cũng phải nhận thấy khuyết điểm để điều chỉnh hành vi và thái độ của mình.

Minh Hạnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/antt/long-leo-an-ninh-benh-vien-tintuc401658