Lồng ghép tín dụng chính sách với khuyến nông để giảm nghèo bền vững

Ngoài việc mở rộng tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) còn phải phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tích cực lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, khuyến lâm, tạo việc làm và thu nhập ổn định để tăng tính hiệu quả và bền vững của các chương trình tín dụng chính sách – đó là nhiệm vụ mà ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc NHCSXH – khẳng định trong chuyến công tác mới đây tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Đến Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã Hòa Nhơn, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng (người đứng) đã động viên, thăm hỏi các cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang và bà con vay vốn trong xã

Đến Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã Hòa Nhơn, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng (người đứng) đã động viên, thăm hỏi các cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang và bà con vay vốn trong xã

Cải cách thủ tục, thúc đẩy cho vay

Thời gian qua, NHCSXH TP Đà Nẵng đã thực hiện đơn giản hóa được 100% thủ tục giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của đơn vị. Bên cạnh đó, việc duy trì hoạt động giao dịch tại 56/56 Điểm giao dịch xã vào ngày cố định hàng tháng tại xã/phường/thị trấn, tạo nên hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện, tiết kiệm chi phí đi lại, đảm bảo an toàn cho người dân.

Qua thực tiễn hoạt động tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), ông Ngô Văn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Ban giảm nghèo - chia sẻ: Hàng tháng, tại các phiên giao dịch xã, NHCSXH phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp giao ban, trao đổi, lắng nghe, tiếp thu những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân địa phương về tín dụng chính sách để giải quyết những vướng mắc; kịp thời phân loại và tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý các vụ việc theo đúng trình tự quy định của pháp luật.

Là một trong những hộ gia đình được vay vốn từ NHCSXH huyện Hòa Vang để đầu tư vào sản xuất, bà Nguyễn Thị Danh ở thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn đã đến Điểm giao dịch từ rất sớm để thực hiện giao dịch với ngân hàng.

Bà Danh cho biết: “Trong quá trình vay vốn tôi được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn tận tình các thủ tục. Bên cạnh đó, NHCSXH còn niêm yết công khai bộ thủ tục vay vốn tại xã đơn giản, dễ hiểu hơn trước rất nhiều so với trước đây. Nhờ vậy, khi cần vay vốn tôi ra xã xem thêm các quy định để về thực hiện cho đúng. Không những thế, hàng tháng tôi còn nhận được Biên lai thu tiền lãi và tiết kiệm đầy đủ”.

Qua chứng kiến hoạt động tại Điểm giao dịch, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của Tổ giao dịch lưu động NHCSXH huyện Hòa Vang trong việc chuyển tải và quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Ông Thắng cũng động viên bà con vay vốn tiếp tục sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn chính sách để thoát nghèo bền vững, vươn lên phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống mới.

“Điểm tựa” cho người nghèo

Với Quảng Nam, những điểm sáng trong tín dụng chính sách lại rõ nét trong việc NHCSXH các cấp luôn tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan hướng dẫn công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư,... giúp người dân sử dụng vốn vay một cách có hiệu quả.

Gia đình bà Phan Thị Tĩnh ở xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam là một trong những hộ tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam về sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để vươn lên thoát nghèo. Năm 2012, gia đình bà vay 30 triệu đồng đầu tư nuôi heo. Bình quân mỗi năm, gia đình bán 3 lứa heo thịt, mỗi lứa tới 40 con. Trừ các chi phí, nhân công..., gia đình có thu nhập 16 triệu đồng/tháng.

Cũng nhờ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Đại Lộc mà từ một hộ nghèo “rớt mồng tơi” 7 năm về trước, nay gia đình bà Trần Thị Nhỉ ở thôn Mậu Lâm, xã Đại Hưng đã trở thành hộ khá giả, xây được nhà kiên cố, nuôi các con ăn học đầy đủ... Con số hộ nghèo giảm từ 2,5% - 3%/năm có ý nghĩa lớn và đóng góp trực tiếp từ Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam.

Với 244 Điểm giao dịch và trên 4.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn, NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã tập trung vào những hoạt động trọng tâm là tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước với tổng dư nợ đến nay đạt trên 3.485 tỷ đồng. Hầu hết hộ nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Đặc biệt, các hộ đồng bào dân tộc tiểu số, vùng sâu, vùng xa, các huyện nghèo được ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, được hướng dẫn sử dụng vốn, cách làm ăn hiệu quả..., giúp thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng góp phần hạn chế tình trạng tái nghèo do thiếu vốn sản xuất.

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể qua các năm, song đáng nói là tỷ lệ nghèo ở 9 huyện miền núi của Quảng Nam vẫn còn cao so với các huyện đồng bằng khác và bình quân chung toàn tỉnh.

Chính vì vậy, ông Dương Quyết Thắng đã yêu cầu NHCSXH tỉnh Quảng Nam ngoài việc mở rộng tín dụng còn phải phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tích cực lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, khuyến lâm, tạo việc làm và thu nhập ổn định để tăng tính hiệu quả và bền vững của các chương trình tín dụng chính sách.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con sử dụng vốn vay hiệu quả; tiếp tục thực hiện việc nâng cao chất lượng hoạt động Điểm giao dịch tại xã, đảm bảo các phiên giao dịch đạt chất lượng cao, hiệu quả, an toàn...

Thành Trang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/long-ghep-tin-dung-chinh-sach-voi-khuyen-nong-de-giam-ngheo-ben-vung-299548.html