Lồng ghép phòng chống thiên tai vào các môn học chính khóa từ năm 2021

Từ năm 2021, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức các hoạt động đưa kiến thức về phòng chống thiên tai vào giảng dạy trong các nhà trường.

Bắt đầu từ ngày 01/01/2021, Quyết định 3162/QĐ-BGDĐT về Kế hoạch phòng, chống thiên tai Bộ GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2025 chính thức có hiệu lực và thay thế Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT ngày 08/9/2011. Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, nhiều nội dung sẽ được thực hiện theo lộ trình từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó chú trọng đến việc đưa kiến thức phòng, chống thiên tai trở thành một nội dung trong các nhà trường.

Cụ thể, theo lộ trình 2021 - 2025: Đưa kiến thức về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào nhà trường. Biên soạn tài liệu bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, giáo viên. Rà soát, đánh giá, điều chỉnh bổ sung các tài liệu hiện lưu hành liên quan đến phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong nhà trường ứng với từng cấp học phù hợp với định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nghiên cứu biên soạn tài liệu phổ biến kiến thức, giáo dục kỹ năng về phòng, chống thiên tai, phù hợp với đặc thù từng vùng miền, đặc điểm tâm sinh lý và lưới tuổi của từng cấp học được lồng ghép vào các môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa, tổ chức in ấn và cung cấp cho các cơ sở giáo dục trong toàn ngành.

Giai đoạn 2021 - 2025, các trường học triển khai các hoạt động dạy phòng chống thiên tai. Ảnh: TL

Giai đoạn 2021 - 2025, các trường học triển khai các hoạt động dạy phòng chống thiên tai. Ảnh: TL

Trong giai đoạn 5 năm, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức rà soát kiến thức, biên soạn tài liệu, bồi dưỡng giáo viên. Tổ chức dạy thí điểm, lồng ghép, tích hợp vào các môn học. Các hoạt động, chương trình, đề án liên quan. Tổ chức dạy đại trà ở các mức độ khác nhau…

Nghiên cứu và triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học về phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Tổ chức các cuộc thi về nghiên cứu khoa học về phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong các cơ sở giáo dục. Nghiên cứu, thiết kế mô hình và thí điểm mẫu trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại một số khu vực đặc thù.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tích hợp vào các chương trình liên quan. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai theo nhu cầu phát triển xã hội. Bên cạnh đó, tổ chức phối hợp xây dựng trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở các địa phương. Lồng ghép với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng trường/lớp học, huy động tất cả các nguồn lực từ TW, địa phương, xã hội hóa và các tổ chức quốc tế.

Thu Đỗ

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/long-ghep-phong-chong-thien-tai-vao-cac-mon-hoc-chinh-khoa-tu-nam-2021-20201230111419692.htm