Lồng ghép giáo dục về giới và giáo dục tài chính vào Chương trình môn học phổ thông mới

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo Lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong chương trình môn học phổ thông.

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các Tổng Chủ biên chương trình môn học đã đưa ra những thay đổi trong từng môn, trong đó nêu các nội dung quan tâm tới vấn đề về giới và giáo dục tài chính.

Nội dung trên đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, đồng thời góp ý thêm cho chương trình môn học được hiệu quả, phù hợp theo từng cấp học.

Theo ông Đào Đức Doãn, Tổng Chủ biên môn Giáo dục công dân: Chương trong môn học Giáo dục công dân đã dự thảo lồng ghép giới và giáo dục tài chính theo từng cấp học với các chủ đề cụ thể.

Ví dụ, về bình đẳng giới ở chương trình tiểu học có 4 chủ đề gồm: Chủ đề “Biết ơn tổ tiên và người có công với quê hương đất nước” có nội dung giáo dục lòng biết ơn công lao người mẹ và các anh hùng phụ nữ (lớp3); Chủ đề “Quyền và bổn phận của trẻ em” có nội dung giáo dục pháp luật cấm các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử về giới tính (lớp 4); Chủ đề “Tôn trọng sự khác biệt của người khác” có nội dung giáo dục về tôn trọng sự khác biệt về giới (lớp 5)...

Ở các chương trình lớp lớn hơn cũng tiếp tục đề cập đến vấn đề bình đẳng giới theo các chủ đề về “Quyền bình đẳng của công dân”, “Quyền và nghĩa vụ công dân về dân sự”...

Về xây dựng các chủ đề có nội dung giáo dục tài chính, ông Doãn cho biết: Trong chương trình tiểu học sẽ có các chủ đề như “Tiền và giá trị của tiền”, “Sử dụng tiền hợp lý; chương trình trung học cơ sở có các chủ đề như “Tiết kiệm”, “Lập kế hoạch chỉ tiêu”, “Người tiêu dùng thông thái”; chương trình trung học phổ thông gồm chủ đề “Ngân sách nhà nước và chính sách thuế”, “Tính dụng và cách sử dụng các dịch vụ tín dụng”, “Lập kế hoạch tài chính cá nhân”, “Ý tưởng kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh”, “Lạm phát, thất nghiệp”, “Quản lý thu chi trong gia đình”...

Còn ở chương trình Hoạt động trải nghiệm, theo PGS TS Đinh Thị Kim Thoa, tổng chủ biên môn học chia sẻ: Chương trình Hoạt động trải nghiệm sẽ hướng dẫn các em trong lời ăn tiếng nói, cách lựa chọn của bản thân trước lựa chọn nghề nghiệp...

“Chương trình sẽ giúp các em hiểu rằng thế giới này rất đẹp, đẹp theo cách các em đối xử bình đẳng; giáo dục các em thái độ tôn trọng nhau, nam tôn trọng nữ, nữ tôn trọng nam”, bà Thoa nhấn mạnh.

Khi giáo dục hướng nghiệp cũng đưa vào lựa chọn nghề nghiệp. Giúp mỗi cá nhân thấy mình phù hợp với nghề gì. Trong lựa chọn nghề chúng tôi cũng tôn trọng, ủng hộ, chuẩn bị đầy đủ cho các em hành trang để có lựa chọn phù hợp.

“Chúng tôi quán triệt khi viết tài liệu cũng thể hiện bình đẳng giới như thế nào. Không phải cào bằng số lượng nam nữ xuất hiện trên tài liệu là bình đẳng giới mà phụ thuộc về nội dung”, bà Thoa chia sẻ.

Theo bà Thoa, việc quan tâm tới giáo dục tài chính, và có đưa vào trong chương trình. Bởi đây là nội dung rất quan trọng.

Ví dụ về giáo dục gia đình chúng tôi cũng đưa vào các bài tập, chẳng hạn ở tiểu học chúng tôi giáo dục tinh thần tiết kiệm.

Cao hơn là giáo dục các em cách tổ chức hội chợ, giáo dục các em chuẩn bị một bữa ăn cho gia đình.

Sẽ có những bài tập giúp các em sử dụng đồng tiền quyên góp, sử dụng đồng tiền ủng hộ như thế nào cho hợp lý.

Đặt ra mục tiêu để học sinh xây dựng kế hoạch phát triển tài chính cá nhân, xây dựng kế hoạch đường đời…

Các chương trình môn học khác như chương trình môn Ngữ văn, chương trình Tự nhiên Xã hội, chương trình Khoa học mới… đều có dự thảo chương trình cụ thể về vấn đề lồng ghép giới và giáo dục tài chính.

Mỗi môn học có một cách lồng ghép khác nhau, mà theo đánh giá từ các chuyên giá tại Hội thảo, đều có những thay đổi cụ thể khi đề cập đến các vấn đề này, giúp định hướng các em học sinh tốt hơn cho sự phát triển.

Góp ý cho chương trình các môn học về cách thức lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong chương trình phổ thông, bà Minh Phương, ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban tuyên giáo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho hay: Tác giả nữ hay nam không phải là vấn đề nhạy cảm giới trong sách giáo khoa. Mà quan trọng là mối quan hệ xã hội giữa nam và nữ ở trong từng bài học, nội dung học.

Theo đó, bà Phương góp ý: “Các môn học cũng cần đưa ra các nội dung thách thức những khuôn mẫu giới hiện nay, đặc biệt môn Tự nhiên xã hội. Ví dụ tham gia công việc gia đình là phải cả nam cả nữ. Nếu cứ theo hướng khắc sâu phụ nữ phải dịu dàng, nam giới cứ phải mạnh mẽ thì không nên. Mà quan trọng là khả năng của từng con người”.

Bên cạnh đó cũng có góp ý cho rằng: Vấn đề giới khi giảng dạy ở trường thì thái độ của giáo viên nam hay giáo viên nữ là rất quan trọng.

Có những em cực kỳ rụt rè hay tự tin thì phụ thuộc khá nhiều vào giáo viên. Ngay ở nhận thức của giáo viên về giới cũng rất quan trọng.

Ban soạn thảo chương trình nên có một chương trình đào tạo giáo viên bài bản về vấn đề giới và lồng ghép giới.

Về vấn đề giáo dục tài chính, các chuyên gia tại Hội thảo cũng đồng tình.

Theo các chuyên gia, cái quan trọng nhất của cách giáo dục này thì nhiều nước đang dạy trẻ theo tư duy mới, là tư duy giá trị.

Nghĩa là có thể tôi không có tiền nhưng tôi đang có nguồn lực sẵn có. Làm thế nào để biến nó thành tiền. Từ việc chúng ta không có đồng xu nào thì sẽ có.

Ví dụ bán những món đồ không dùng đến cho người cần với giá thấp hơn. Nghĩa là dạy cho các em có kỹ năng sử dụng đồng tiền, và kỹ năng kiếm ra tiền...

Thủy Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/long-ghep-giao-duc-ve-gioi-va-giao-duc-tai-chinh-vao-chuong-trinh-mon-hoc-pho-thong-moi-tintuc402121