Lồng ghép để giảm thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp

Ngày 12/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Nhiều ĐBQH cho rằng, cần quy trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thuế, thanh tra, kiểm toán để giảm thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp.

Quốc hội thảo luận tại tổ, sáng 12/11.

Cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm về số liệu của mình

Cho ý kiến về Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, ĐB Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai) cho rằng, trong thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã đặt việc nâng cao chất lượng thể chế, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là trọng tâm ưu tiên.

Do đó, theo bà Hằng lần này cũng cần quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính và phân cấp triệt để cho các cấp đơn vị đạt mục tiêu đã đề ra. “Để cải cách thủ tục hành chính một cách hiệu quả, cơ quan soạn thảo cần đánh giá các nguồn lực để thực hiện thuế. Qua đó, đánh giá tác động của chính sách đối với xã hội để có sự rà soát, xem xét tính phù hợp với thực tế khi đưa ra chính sách, quy định mới”- theo bà Hằng.

Theo ĐB Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), vấn đề đang nổi lên chính là việc phân cấp quản lý theo chức năng nhiệm vụ hiện nay đang vướng giữa các cơ quan chức năng và cơ quan thuế.

Ông Lâm nói: “Cơ quan thuế nói không cho nhiều cơ quan vào kiểm tra doanh nghiệp, sợ lạm dụng thanh, tra kiểm tra gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vừa qua Trung ương và nhiều tỉnh, thành đã chỉ đạo giảm thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp. Tuy nhiên cơ quan kiểm toán lại cho rằng, muốn biết cơ quan thuế tính đúng hay hay sai thì phải xuống doanh nghiệp kiểm tra”.

Từ đó, theo ông Lâm nên có sự phối hợp lồng ghép để giảm thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp. Muốn vậy cần làm rõ trong phối hợp quản lý nên có sự tách bạch không để cơ quan nào cũng vào thanh tra.

“1 nội dung về thuế, cơ quan thuế đã vào rồi thì thanh tra hay kiểm toán không vào nữa. Nhưng để kiểm toán biết cơ quan thuế có làm đúng hay sai, nên quy định cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm về số liệu của mình, trong trường hợp cơ quan thanh tra hay kiểm toán có nghi ngờ, cơ quan thuế phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan thanh tra, và kiểm toán để không phải xuống doanh nghiệp nữa. Vì vậy Luật cần làm rõ để thấy trách nhiệm”- ông Lâm kiến nghị.

Trong khi đó, ĐB Ngô Chí Cường (đoàn Trà Vinh) cho rằng, cần quy trách nhiệm các cơ quan liên quan có quyền cung cấp thông tin của người nộp thuế. Theo ông Cường, trong trường hợp cụ thể phải đảm bảo bảo mật thông tin, và chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin của người nộp thuế. Bên cạnh đó, cần bổ sung quyền được bảo vệ đối với tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về hành vi của các đơn vị trốn thuế để bảo vệ họ tránh bị đe dọa, hay trù dập.

Trách nhiệm kiểm tra, giám sát của Hội đồng Nhân dân

Cho ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, không nên quy định nội dung cho phép Thường trực HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong lĩnh vực đầu tư công trong thời gian giữa 2 kỳ họp. Theo ông Nhân, cần phải hết sức cân nhắc vấn đề này bởi trách nhiệm thẩm tra giám sát của HĐND rất quan trọng. Chúng ta có quy chế họp HĐND và quy trình thẩm định của HĐND, bây giờ nếu giao cho Thường trực thì theo quy chế nào? Quy chế để chuẩn bị dự án trình Thường trực như thế nào?.

“Để đảm bảo vai trò giám sát của HĐND, thì cần giữ như quy định hiện hành. Với các dự án đầu tư công của địa phương, quy trình thực hiện thường tính bằng năm. Giữa 2 cuộc họp định kỳ 6 tháng của HĐND, chúng ta có thể tổ chức thêm 2 cuộc họp thường xuyên giữa kỳ nữa, như vậy 1 năm 4 cuộc, có nghĩa là 3 tháng HĐND thành phố họp 1 lần, hoàn toàn đủ điều kiện thông qua bất cứ dự án nào chính quyền cần với đầu tư công trung hạn. Không cần thiết thực hiện sự ủy quyền như vậy”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói, đồng thời cho rằng, HĐND nên duy trì cơ chế họp 6 tháng, họp bổ sung, nếu cần và thực tế với đầu tư công thì như thế là đủ, và thời gian 3 tháng cũng là khoảng thời gian cần thiết để chuẩn bị một dự án tốt.

Nhấn mạnh luật mới ban hành được 3 năm giờ đã sửa, ông Trần Văn Lâm đề nghị, chỉ sửa những cái nào thực sự cần thiết, cấp bách, cái nào không cấp bách kiểu “cháy nhà chết người” thì cố gắng thấu đáo ngấm các vấn đề. Bởi nếu không sẽ dẫn đến thiếu sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

* Tăng tổng mức vốn nước ngoài lên 360.000 tỷ đồng

Cùng ngày với 89,48%, ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Quốc hội đồng ý điều chỉnh tăng tổng mức vốn nước ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ 300.000 tỷ đồng lên tối đa 360.000 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh giảm tương ứng vốn vay trong nước để đáp ứng yêu cầu giải ngân đối với những dự án sử dụng vốn nước ngoài.

M.Loan - H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/long-ghep-de-giam-thanh-tra-kiem-tra-doi-voi-doanh-nghiep-tintuc422525