Lòng đất Nhà Quốc hội và lịch sử nghìn năm Thăng Long

Lần đầu tiên, ở bên trong một tòa nhà công vụ của cơ quan quyền lực cao nhất có một trưng bày khảo cổ học mở cửa đón công chúng tham quan để thực hiện bảo tồn di tích dưới một công trình quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước.

Để tòa Nhà Quốc hội hóa thân vào tiến trình lịch sử dân tộc

Dự án đặc biệt trưng bày di tích và hiện vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội đã được giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trực tiếp là Viện Nghiên cứu Kinh thành thực hiện từ năm 2012 với tên gọi đơn giản và khiêm tốn ban đầu là “Những phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội”. Trưng bày này muốn kết nối giữa truyền thống và hiện đại, để tòa Nhà Quốc hội hóa thân vào tiến trình lịch sử dân tộc, phản ánh sức sống trường tồn của trung tâm quyền lực cao nhất trong lịch sử.

Cho đến trước khi được khai trương, ngày 19/5/2016, ít ai có thể biết rằng sâu trong lòng đất, tại hai tầng hầm của Nhà Quốc hội, có một không gian đầy những thanh âm của tiếng chim hót, tiếng chuông, tiếng nhạc, và nhiều sắc màu khác nhau của những hình ảnh từ quá khứ. Sâu dưới mặt đất từ 7 m đến 13 m, có tổng diện tích mặt bằng trưng bày khoảng 3.700 m², hơn 400 di vật và gần 10 di tích, chọn lọc trong số hàng chục nghìn di vật và 140 di tích từ nền móng của mảnh đất linh thiêng này đã được các nhà khảo cổ học phát hiện, lưu giữ trong quá trình khai quật tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội trong hai năm 2008-2009 đã được giới thiệu. Mạch liền lịch sử gần 1300 năm đã được kết nối từ tầng hầm hai - trưng bày về thời kỳ tiền Thăng Long (từ thế kỷ VII đến thế kỷ X) tới tầng hầm một - trưng bày về thời kỳ Thăng Long, trải qua các thời Lý - Trần – Lê (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX). Tầng trên mặt đất được dùng để trưng bày lịch sử Quốc hội Việt Nam. Câu chuyện văn hóa - lịch sử vẫn đang được tiếp tục viết để mỗi người có thể hiểu hơn, gần gũi hơn với lịch sử, cũng như với công trình biểu trưng cho quyền lực của mình.

Sử dụng phương pháp tiên tiến và công nghệ hiện đại

Công trình trưng bày di tích và hiện vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội được thể hiện theo lát cắt địa tầng khảo cổ, theo thời gian từ xưa lại gần. Phương pháp trưng bày được thực hiện mang tính thống nhất là trưng bày lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật, trong đó di tích được xem là “hồn cốt”, di vật được xem là các “hạt nhân” ngay trong lòng các di tích, nhằm đem lại những cảm xúc và ấn tượng mạnh cho từng không gian trưng bày. Từng bước, người xem “bị” dẫn dắt như được đi vào cõi xưa theo những chủ đề, những câu chuyện trên nền móng bằng vật liệu kiến trúc, với các hiện vật phân nhóm theo chất liệu: gốm, sành, kim loại, di cốt động vật; theo công dụng: vật liệu xây dựng, trang trí, đồ ăn trầu, hút thuốc lào, đồ chơi trẻ em, v.v...

Với cách kết hợp hài hòa giữa màu sắc và ánh sáng, giữa “tĩnh” (di tích, di vật gốc) và "động" (phim - media), những câu chuyện của gần 1.300 năm lịch sử được kể một cách sinh động. Trưng bày các hiện vật trong tủ kính được kết hợp khéo léo với các hiện vật hay khối hiện vật âm dưới nền sàn. Người xem có thể đi trên mặt sàn kính với cảm giác như đang “sống” giữa những hố khai quật với những cảm xúc bất ngờ. Việc duy trì độ ẩm trong các tủ kính âm này được bảo đảm bằng những công nghệ hiện đại. Hình ảnh động về bức họa “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ” (được vẽ năm 1363) đã làm cho những hiện vật liên quan đến Phật giáo trở nên sinh động. Một đoạn phim 3D cho thấy chim nhảy trong lồng kết hợp với âm thanh tiếng chim hót lanh lảnh lại làm cho người xem cảm thụ sâu sắc về một hiện vật nhỏ bé mà quý giá là chiếc “coóng” tìm được giữa Hoàng cung xưa. Các video clip được chiếu trên những mảng tường không phải màu trắng như thường thấy mà trên nền sẫm đã tạo hiệu ứng bất ngờ. Hàng ngàn mảnh gạch, ngói hiện vật từ lòng đất được ghép thành bức tranh nghệ thuật Bình minh Thăng Long biểu đạt ý tưởng về sự phát triển tỏa sáng của nền văn hóa, văn minh Đại Việt kể từ khi các vua nhà Lý xây dựng Kinh đô Thăng Long. Người tham quan xem tranh mà có thêm hiểu biết về chất liệu, loại hình và màu sắc của gạch ngói. Một bức tranh ghép khác từ những mảnh vụn 1.000 năm tuổi được mang tên Rồng bay gợi nhớ câu chuyện lịch sử dời đô từ Hoa Lư mùa thu năm 1010.

Việc sử dụng ánh sáng đèn LED với công nghệ cao là điểm nhấn độc đáo đã gây ấn tượng lớn khi giới thiệu được kỹ thuật xây dựng “cột âm”, giúp người xem hiểu rõ hơn về trình độ kỹ thuật xây dựng cung điện xưa. Mặt bằng nền móng một công trình kiến trúc thời Lý được nhận biết qua hệ thống 42 móng trụ sỏi hình vuông. Ý tưởng cho giải pháp trưng bày là dùng hệ thống đèn đặc biệt, tái hiện hoa văn chân tảng và mô phỏng cột gỗ để đảm bảo tính trung thực của di tích khảo cổ học và cho công chúng dễ dàng hình dung về diện mạo, qui mô, hình thái của kiến trúc thời Lý. Đèn được thiết kế có kích thước lớn như cột gỗ thật (đường kính 42 cm và 50 cm), cấu tạo bởi tổ hợp hệ thống đèn LED/ DMX - bên trong có hệ thống đèn LED và máy chiếu siêu nhỏ điều khiển bằng vi mạch thông minh. Hệ thống phần mềm được lập trình để chiếu ánh sáng theo kịch bản, tạo trong không gian trưng bày ánh sáng kỳ ảo, thay đổi màu sắc, dễ mường tượng tới không gian hoàng cung. Những lý giải sâu hơn về những khám phá khảo cổ học thời kỳ Thăng Long, đặc biệt là về kiến trúc cung điện thời Lý tiếp tục được trình chiếu bằng phim 3D tại phòng chiếu có sức chứa khoảng 60 người ở cuối khu trưng bày.

Hướng đến công chúng rộng rãi

Bên cạnh việc chú ý thiết kế chu đáo đường dốc cho xe lăn của người khuyết tật, khu trưng bày còn có Khu vực tương tác là nơi công chúng, đặc biệt là trẻ em, được tự do khám phá và trải nghiệm. Mô hình công trường khai quật khảo cổ học cùng những dụng cụ khai quật và hình ảnh các nhà khảo cổ học đang cần mẫn làm việc được tái hiện sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về ngành khảo cổ học. Các thiết bị tương tác hiện đại như màn hình cảm ứng 48 và 90 inch cùng với sàn tương tác lớn là không gian để khai thác thông tin và để trẻ em thoải mái, say mê với các trò chơi mà học khảo cổ. Khu trưng bày Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội hướng tới cộng đồng, kết nối cộng đồng với lịch sử, kết nối giữa Nhà Quốc hội với nhân dân bằng niềm tự hào về lịch sử - văn hóa của cha ông. Trưng bày dưới tầng hầm Nhà Quốc hội đã đạt được một tiêu chuẩn quốc tế mà ít bảo tàng ở Việt Nam thực hiện được, đó là cách diễn giải trưng bày tinh tế, khoa học, tạo ra những cấp độ thông tin khác nhau, thỏa mãn những nhu cầu thông tin khác nhau với khách tham quan.

Trưng bày Những phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội đã làm những hiện vật vô tri không còn vô tri và trở nên sống động, “có hồn”, biết “kể” những câu chuyện của mình. Đây thực sự là một niềm tự hào không chỉ của giới nghiên cứu khoa học, với những người bảo tồn văn hóa mà của cả dân tộc, mang lại hình ảnh mới đặc sắc, độc đáo cho tòa Nhà Quốc hội.

Thiên Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/long-dat-nha-quoc-hoi-va-lich-su-nghin-nam-thang-long-tintuc455950