Lòng dạ đàn bà và những giấc mơ chưa kịp lớn

Trong những tác phẩm văn học về phụ nữ, độc giả thường thấy, hình ảnh người phụ nữ trong xã hội cũ, xuất hiện với những đau thương, mất mát, chịu đựng và bi kịch. Với Lòng dạ đàn bà, cuốn tiểu thuyết của tác giả Nguyễn Ngọc Thạch sáng tác, độc giả sẽ được thấy một thân phận đàn bà xuất phát từ chính nội tại, suy nghĩ của họ, ở đó, những người đàn bà, với số phận riêng biệt, cũng có khát vọng và toan tính của riêng mình.

Xét đến cùng, từ ông Thành đến con Sen, một con người ở đều là những con người đáng thương. Họ chính là nạn nhân của chính cuộc đời mình

Xét đến cùng, từ ông Thành đến con Sen, một con người ở đều là những con người đáng thương. Họ chính là nạn nhân của chính cuộc đời mình

Lòng dạ đàn bà xoay quanh cuộc sống của một gia đình thuộc giới thượng lưu lớn nhất nhì Sài Thành. Đó là gia đình ông Lê Văn Thành (một ông chủ hiệu buôn Thành Phát) những năm 60 của thế kỷ trước.

Vốn là gia đình giàu có, nên cuộc sống của gia đình ông Thành luôn là ước mơ của nhiều người, cả thành thị lẫn nông thôn thời bấy giờ. Ít ai biết được rằng, bên trong vẻ hào nhoáng, giàu sang ấy là số kiếp con người chuyển đổi, là những cuộc đấu đá đẫm máu để tranh giành địa vị và của cải.

Chính cuộc chạy đua quyền lực đã đẩy những thân phận người đã bị kịch càng thêm bi kịch. Và những người phụ nữ trong căn nhà ấy đóng vai trò không nhỏ trong các cuộc chạy đua. Ở cuốn tiểu thuyết, hình ảnh người phụ nữ vừa là con tốt thí vừa là bàn tay điều khiển những cuộc chơi.

Quyền lực, đồng tiền lên ngôi và cuộc chạy đua quyền lực

Gia đình ông chủ Thành có mười ba người cả thảy (bà nhỏ Hương, vợ hai của ông Thành; cậu hai Nhân; cậu ba Lễ; mợ ba Nguyệt; cậu tư Nghĩa; mợ tư Sương; cậu út Trí; anh Tài; thằng Tâm; con Sen; con Lan). Và tâm điểm của hầu hết câu chuyện đều liên quan đến ông Thành và bà Dung, người phụ nữ đã mất rất lâu nhưng vẫn còn rất uy lực, chi phối phần lớn không khí trong gia đình. Vào ngày rằm hàng tháng, bà vẫn trở về trong bộ áo trắng cùng với bản nhạc của người Hoa để trò chuyện với ông Thành. Ai ai cũng tin điều ấy là thật.

Tất cả là bởi, đống gia tài đồ sộ vẫn chưa được chia rõ ràng trong tờ di chúc. Vô hình chung, ai ai cũng có một cuộc chơi ngầm của riêng mình, hòng được đứng tên trong tờ di chúc.

Lật từng chương của cuốn tiểu thuyết, từng tính cách, lẫn thân phận của mỗi người sẽ được bóc tách và hé mở. Kẻ sang, người hèn, kẻ bần tiện, kẻ tứ cố vô thân, ai ai cũng có bí mật của riêng mình. Tuy nhiên, khi đối diện với đồng tiền, cùng với sự ích kỷ và cái nhìn hữu hạn, khiến con người dễ dàng thỏa hiệp với chính mình, và bước vào con đường tha hóa. Sâu thẳm bên trong cuộc sống tấp nập, bận rộn vẻ như đoàn kết chẳng có chuyện gì là những cuộc chạy đua ngầm hòng “nắm thóp” của nhau để chi phối và thương lượng lẫn nhau.

Bà nhỏ, (một cô gái trẻ tên Hương) tuổi đời còn ít hơn con trai cả của ông Thành những nghiễm nhiên được cưới về làm vợ hai của ông. Từ phận gái lầu xanh, nhục nhã, một bước lên mây, nhung lụa gấm dư thừa.

Nguyệt, vợ của ba Lễ, vì sợ mất vị trí vợ thiếu gia mà chấp nhận làm con ở không công, không từ thủ đoạn, mượn câu chuyện tâm linh của mẹ chồng để hành quyết dã man với người ở, con Sen, kẻ đã tằng tựu với ba Lễ để có bầu.

Con Sen, vì muốn có thêm đồng ra, đồng vào, đã không từ thủ đoạn để tằng tựu với chính cậu chủ của mình.

Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, người và của cải đều dư thừa, duy chỉ có nhân tình là thiếu thốn.

Thân phận con người và những giấc mơ bỏ lỡ

Chạy theo những giá trị hư ảo, đến một lúc, con người mới tự vấn, họ đang sống, tồn tại vì cái gì? Cuối cùng mình thật sự muốn gì? ngay cả khi họ đã có đủ trong tay cả quyền hành và của cải lẫn phần thắng nhưng họ vẫn thấy thật cô đơn. Cuối cùng, họ quẩn quanh trong bi kịch của chính mình. Những giấc mơ nhỏ nhoi còn chưa kịp lớn đã bị bóp chết ngay từ khi mới hình thành bởi những toan tính, những tư tưởng lệch lạc và những thỏa hiệp.

Xét đến cùng, từ ông Thành đến con Sen, một con người ở đều là những con người đáng thương. Họ chính là nạn nhân của chính cuộc đời mình. Bề ngoài, họ có thể sống với sự phóng khoáng, muốn gì được nấy, nhưng sâu thẳm bên trong, những điều tưởng như giản dị nhất, đời thường nhất thì họ lại không có được.

Bà nhỏ Hương, vì muốn có được cuộc sống tự do tự tại mà nhẫn tâm phá bỏ cái thai đang mang trong mình. Trượt dài trong những cuộc thác loạn, đàn điếm, cũng muốn có cho mình một đứa con thì quá muộn. Để đến cuối cùng, khi đêm về, tiếng khóc con trẻ cứ ai oán, khua khoắng những đêm dài. Suy cho cùng, điều duy nhất mà Nguyệt muốn, đó chính là có được một mụn con, một gia đình yên ấm.

Chạy một đoạn đường đời, họ mới giật mình khi nỗi cô đơn và lạc lõng ngự trị.

Lòng dạ đàn bà của Nguyễn Ngọc Thạch, độc giả dễ dàng thích thú với những mánh khóe, khôn lanh của phái đẹp. Viết về thân phận người phụ nữ ở điểm nhìn mới, con người hiện hữu với những ưu và nhược điểm riêng biệt. Tác giả đã thành công khi triển khai đề tài quen thuộc ở những điều nhỏ bé để nói lên góc khuất của số phận con người, nhất là số phận người phụ nữ.

Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch sinh năm 1987. Những cuốn sách được xuất bản gồm: Chênh vênh 25; Lưng chừng cô đơn; Khóc giữa Sài Gòn; Người cũ còn thương; Thất tình không sao, v.v…

Cát Cát

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/long-da-dan-ba-va-nhung-giac-mo-chua-kip-lon-79804