Long An tạo thuận lợi để doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả

Trong những năm qua, nhiều chính sách thông thoáng trong kêu gọi đầu tư, nhất là thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã giúp tỉnh Long An đạt được kết quả đáng khích lệ, giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn lao động trong, ngoài tỉnh.

Dây chuyền sản xuất tại một nhà máy nhựa trong Khu công nghiệp Hòa Bình (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).

Tuy nhiên, tiềm năng thu hút FDI tại Long An vẫn còn nhiều, đòi hỏi những giải pháp linh hoạt nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp (DN), góp phần tăng nguồn thu ngân sách địa phương.

Doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng đầu tư

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, qua 16 năm (1992-2018) nhờ tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế hạ tầng các khu công nghiệp, thực hiện các chính sách, thủ tục hành chính gọn nhẹ, thông thoáng, tỉnh đã thu hút các DN của 37 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... đến đầu tư gần 1.000 dự án phát triển công nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 5,7 tỷ USD. Đến nay, gần 570 dự án đi vào hoạt động với vốn thực hiện 3,572 tỷ USD. Giá trị sản xuất công nghiệp của các DN FDI trong tám năm gần đây tăng bình quân 12,4%/năm. Kim ngạch xuất khẩu DN FDI chiếm 60,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Rõ nét nhất là năm 2017, kim ngạch xuất khẩu trong hệ thống FDI đạt 2,6 tỷ USD; DN FDI giải quyết 47,8% trên tổng số gần 300 nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Lực lượng lao động trong DN FDI luôn tăng theo từng năm, chứng tỏ các nhà đầu tư FDI vẫn tiếp tục mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh trong tỉnh. Đồng thời, thu nhập và tiền lương của người lao động trong DN FDI được chi trả đúng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định...

Các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, như các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP Tân An được DN chọn lựa đầu tư sản xuất và kinh doanh các ngành công nghiệp nhẹ: dệt may, giày da, thức ăn chăn nuôi, công nghiệp nhựa, cơ khí… và chế biến một số sản phẩm từ nông thủy sản như: đồ thủy sản đóng hộp, đường… Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống DN FDI tại tỉnh Long An tập trung chủ yếu vào các ngành hàng sử dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày..., chưa chú trọng các ngành hàng sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng hay lĩnh vực thương mại như: siêu thị, trung tâm thương mại cho nên giá trị gia tăng đóng góp còn thấp. Mặt khác, tỉnh cũng chưa thu hút được nhiều tập đoàn quy mô lớn, thương hiệu nổi tiếng đến đầu tư, kinh doanh. Do vậy, dù nộp ngân sách nhà nước tăng theo từng năm, nhưng các DN FDI mới đóng góp khoảng 22% tổng thu ngân sách 11.200 tỷ đồng năm 2017 của tỉnh, chưa tương xứng với tiềm năng đầu tư phát triển của DN.

Bên cạnh những DN kinh doanh có hiệu quả, tích cực đóng góp cho ngân sách nhà nước, số lượng DN FDI hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ, hòa vốn qua các năm cũng tăng từ 59,2% lên 73,5%. Nhiều DN FDI lợi dụng chính sách thuế của Việt Nam để tối ưu hóa lợi nhuận, thực hiện chuyển giá giữa các DN có phát sinh giao dịch liên kết, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép, gây khó khăn cho các DN khác… Một số DN lớn thuộc các tập đoàn đa quốc gia, đang hoạt động tại Long An không chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (mặc dù có lãi). Thay vào đó lại chuyển thu nhập ra nước ngoài thông qua chính sách thuế nhà thầu với mức thuế suất thuế thu nhập DN từ 1% đến 10%, thấp hơn một nửa so với mức thông thường, thông qua việc chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu hàng hóa, huấn luyện, đào tạo, cử chuyên gia... Trong khi đó, một số DN kinh doanh thua lỗ thường xuyên cho nên “né” được thuế, nhưng vẫn không ngừng phát triển quy mô kinh doanh.

Tăng cường giải pháp chống thất thu thuế

Vốn FDI có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An, góp phần đáng kể vào chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; phát triển kết cấu hạ tầng; đóng góp thu ngân sách; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm; chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sản xuất, dịch vụ trong nước... Tuy nhiên, hoạt động thu hút vốn FDI tại Long An hiện bộc lộ những hạn chế, bất cập cần nhanh chóng khắc phục một cách hiệu quả. Đó là, chưa chủ động thu hút các dự án đầu tư; trình độ công nghệ, giá trị gia tăng thấp; còn ô nhiễm môi trường; tình trạng chuyển giá; chế độ đối với người lao động tại các DN FDI chưa bảo đảm... Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN FDI, Long An cần những giải pháp căn cơ, cụ thể, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh, đồng thời siết chặt nghĩa vụ nộp thuế theo đúng quy định.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Long An Cao Văn Tạo cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ phối hợp các bên liên quan tăng cường hoạt động quản lý, theo dõi việc triển khai, hoạt động các DN nói chung. Trường hợp vi phạm phải xử lý để tạo sự công bằng cho các DN, góp phần lành mạnh hóa môi trường đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với DN FDI, nhất là các DN có phát sinh giao dịch liên kết nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý sai phạm của DN, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tạo sự công bằng giữa các DN trong việc kê khai nộp thuế trong thời gian tới. Cùng với đó, tổ chức thu thập thông tin, dữ liệu để phục vụ tốt cho công tác kiểm tra, thanh tra giá chuyển nhượng của các DN có phát sinh giao dịch liên kết… Bên cạnh đó, tỉnh Long An kiến nghị Trung ương xây dựng cơ sở dữ liệu để đối chiếu về định mức gia công hàng xuất khẩu, nguyên liệu gia công tạm nhập tái xuất để thống nhất giữa thanh tra thuế và kiểm tra của hải quan đối với các DN xuất khẩu. Hiện nay, công tác thanh tra thuế đối với hàng xuất khẩu rất khó tiếp cận, trong khi DN quyết toán với Hải quan và cơ quan thuế khác nhau. Đơn cử, việc mua thêm nguyên liệu trong nước để được hoàn thuế giá trị gia tăng và kiểm soát tăng chi phí sản xuất rất khó kiểm tra do kế toán hạch toán không thống nhất mã hàng. Đây là một trong những nguyên nhân làm thất thoát thuế. Vì vậy, đề nghị sửa đổi theo hướng thuế suất thuế thu nhập DN của nhà thầu có phát sinh giao dịch liên kết bằng thuế suất thuế DN hiện hành mới chống được việc chuyển thu nhập ra nước ngoài. Việc chuyển giá rất tinh vi gây thất thoát rất lớn cho ngân sách nhà nước, là sự cạnh tranh không bình đẳng trong kinh doanh, do đó kiến nghị Trung ương cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời, có hướng dẫn để các địa phương thực hiện.

UBND tỉnh Long An chỉ đạo ngành thuế nhân rộng mô hình thu thuế qua in-tơ-nét, chống tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh của lực lượng thực thi công vụ. Thực hiện nghiêm các biện pháp thu hồi nợ thuế. Bước đầu vận động, sau đó công khai các DN nợ thuế định kỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong trường hợp cần thiết, kiên quyết thực hiện cưỡng chế thu nợ thuế theo đúng quy định. UBND tỉnh luôn quan tâm, động viên khen thưởng thỏa đáng các DN thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế. “Xây dựng môi trường thuận tiện, công khai, minh bạch, kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh với đội ngũ cán bộ thuế có năng lực, tâm huyết và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì sẽ góp phần đạt mục tiêu thu ngân sách nhà nước 2018 là 13.600 tỷ đồng và tăng cao vào những năm tiếp theo” Chánh văn phòng UBND tỉnh Mai Văn Nhiều, cho biết.

Bài và ảnh: THANH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37269602-long-an-tao-thuan-loi-de-doanh-nghiep-fdi-hoat-dong-hieu-qua.html