Long An: Nhiều điểm sáng trong dạy nghề ở nông thôn

Số lượng người được đào tạo nghề, có việc làm, thoát nghèo, thu nhập tăng cao… là những điểm sáng của Long An trong Đề án 'Đào tạo nghề cho khu vực nông thôn đến năm 2020' thời gian qua.

Ông Võ Thành Trí – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An nhận định, qua gần 10 năm triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã cho thấy Đề án bước đầu đạt hiệu quả, tạo điều kiện cho lao động nông thôn tiếp cận, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nuôi trồng đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; giải quyết việc làm tại chổ hoặc giới thiệu vào doanh nghiệp làm việc. Nhiều hộ sau khi học nghề đã tăng thu nhập, thoát nghèo.

Từ nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn của địa phương, tổ may gia công của chị Lại Thị Thanh Hà (xã Thạnh Đức, Bến Lức, Long An) ra đời nhằm giải quyết việc làm và dạy nghề may cho lao động nông thôn.

Từ nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn của địa phương, tổ may gia công của chị Lại Thị Thanh Hà (xã Thạnh Đức, Bến Lức, Long An) ra đời nhằm giải quyết việc làm và dạy nghề may cho lao động nông thôn.

Dạy nghề gắn với nhu cầu

Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An, trong thời gian triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Sở đã phối hợp với Sở NNPTNT, Hội Nông dân, các ngành, đoàn thể, địa phương tập trung triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với nhiều ngành nghề đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của người học gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An, cùng với các chính sách hỗ trợ, việc triển khai Đề án đào tạo nghề khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm từ 10,5% (2008) xuống còn 2,92% (2018); tỷ lệ hộ cận nghèo từ 5,63% (2011) xuống còn 3,7% (2018).

Nhiều mô hình đạo tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, như: nghề phi nông nghiệp (hàn, cắt gọt kim loại, may công nghiệp, đan giỏ nhự, làm hoa vải…), nghề nông nghiệp (kỹ thuật trồng thanh long, trồng bắp, lúa năng suất cao…), góp phần tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn sau học nghề. Qua các lớp đào tạo nghề, lao động nông nghiệp được trang bị những kiến thức cần thiết ứng dụng vào sản xuất, góp phần năng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất; lao động học nghề phi nông nghiệp được doanh nghiệp tuyển dụng váo làm việc, giao hàng gia công tại hộ gia đình hay tự tạo việc làm, đã nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Quốc Toản – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An cho biết, để triển khai thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn, Hội đã phối hợp với Sở LĐ-TB-XH (thông qua Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân) đã tổ chức gần 2.000 lớp dạy nghề cho hơn 57.600 lao động nông thôn, có 90% lao động sau đào tạo có việc làm.

“Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã chú trọng gắn với việc làm sau đào tạo, với doanh nghiệp, HTX; gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh”, ông Trí chia sẻ.

Theo Sở LĐ-TB-XH, qua thời gian triển khai thực hiện Đề án, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho gần 200.000 người, trong đó lao động nông thôn hơn 64.000 người. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt gần 90%. Ước tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo tàon tỉnh đạt 67%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 48%.

Tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp

Năm 2011, UBND tỉnh Long An vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Mục tiêu của đề án là bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 15.000 lao động nông thôn, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, hàng năm bồi dưỡng 1.180 cán bộ và công chức cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính. Đề án được thực hiện với tổng kinh phí 1.187 tỷ đồng, trong đó, Trung ương hỗ trợ 571 tỷ đồng.

Ông Trí đánh giá, mặc dù bước đầu Đề án đã có những thành công nhất định, nhưng vẫn còn bộc lộ những hạn chế, nhất là việc một số nghề đào tạo chưa sát hợp với nhu cầu và điều kiện của người học; chưa phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo.

Có thể thấy, hiện nay một số huyện của tỉnh đang công nghiệp hóa khá mạnh, rất nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp mọc lên. Hiện, tỉnh có 16 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp đang hoạt động thu hút hàng chục ngàn lao động trong ngoài tỉnh. Vì thế, việc đào tạo nghề cho khu vực nông thôn cũng sẽ phù hợp với tình hình này.

Theo Sở LĐ-TB-XH, trong thời gian tới, công tác dạy nghề sẽ tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn đủ trình độ năng lực làm việc ở các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh.

“Ngoài ra, để tăng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp, thời gian tới sẽ đào tạo nghề nông nghiệp cho một bộ phận nông thôn để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại; đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nông nghiệp, các vùng sản xuất hàng hóa, vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, lao động là thành viên HTX, trang trại”, ông Trí cho biết.

Trần Bình Sơn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/doanh-nghiep/long-an-nhieu-diem-sang-trong-day-nghe-o-nong-thon-924623.html