Long An - Hàng Tết đã sẵn sàng

Nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trên địa bàn tỉnh Long An đã được các doanh nghiệp chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng cung ứng cho thị trường. Phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương Long An xung quanh vấn đề này.

Cuối năm là cao điểm mua sắm của người dân nên hàng hóa thiết yếu thường có xu hướng tăng giá, vậy tỉnh Long An đã có phương án chuẩn bị hàng tết thế nào, thưa ông?

Đúng là thời điểm này, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đang bắt đầu nhộn nhịp hơn khi lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết đã được đưa ra thị trường. Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi sức mua chưa tăng nhiều và giá cả hàng hóa ổn định.

Để có thể giữ giá được như vậy, chúng tôi đã triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết từ những tháng cuối năm 2018. Tới nay, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều hoàn thành kế hoạch sản xuất cũng như dự trữ nguồn hàng. Lượng hàng mà các doanh nghiệp dự trữ tăng từ 15 - 20% so với ngày thường và có thể cung ứng cho thị trường bất cứ lúc nào. Tính riêng nguồn hàng hóa thiết yếu, tiêu dùng được dự trữ gần 500 tỉ đồng, trong đó các mặt hàng có nguồn gốc sản xuất ở trong nước với chất lượng cao chiếm ưu thế. Với công tác chuẩn bị trên, chúng tôi cho rằng hàng hóa phục vụ tết sẽ không thiếu và không tăng giá.

Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An

Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An

Xin ông cho biết, với công tác chuẩn bị nói trên, hàng hóa thiết yếu sẽ được phân phối như thế nào?

Đối với việc phân phối hàng hóa tết, tỉnh Long An chủ yếu qua kênh bán lẻ hiện đại (gồm các siêu thị, cửa hàng đại lý) và bán lẻ truyền thống là các chợ và cơ sở kinh doanh thương mại.

Theo đó, kênh bán lẻ hiện đại của tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp với hơn 3.000 đại lý phân bố khắp địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Những đơn vị này tỉnh đã dự trữ các nguồn hàng hóa như: đường, bột ngọt, dầu ăn, mì gói, rượu bia, nước giải khác, hàng thực phẩm tươi sống rau, thịt, cá, trứng, sữa... với tổng giá trị gần 200 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp cam kết không tăng giá trong dịp tết.

Về mạng lưới phân phối truyền thống, toàn tỉnh có 132 chợ và trên 30.000 cơ sở kinh doanh thương mại hoạt động ổn định. Do đó chúng tôi tin tưởng hàng hóa trong dịp tết sẽ được đảm bảo lưu thông thông suốt, không lo thiếu hàng, sốt giá.

Hàng tết năm nay tại Long An đã được chuẩn bị xong và sẵn sàng cung ứng cho thị trường

Sở Công Thương Long An sẽ thực hiện những biện pháp quản lý nào để bảo vệ thị trường hàng hóa tết được ổn định, không thiếu hàng cục bộ trong dịp Tết, thưa ông?

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, chúng tôi đã đề ra nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động theo dõi diễn biến thị trường, kịp thời thông tin trao đổi để điều phối cung ứng hàng hóa khi thị trường có biến động.

Ngoài ra, theo thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa ổn định thị trường năm 2018 giữa Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; khi cần thiết các tỉnh, thành phố sẽ hỗ trợ cung ứng hàng hóa kịp thời góp phần ổn định thị trường khi có biến động cục bộ theo từng khu vực.

Đồng thời, với vai trò Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong kinh doanh; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá để thu lợi bất chính.

Thư ông, năm nay ngoài công tác chuẩn bị, kiểm soát thị trường, việc bán hàng về các huyện vùng biên giới, vùng sâu vùng xa có được duy trì thực hiện không?

Là tỉnh có đường biên giới và nhiều khu vực nông thôn còn khó khăn nên chúng tôi luôn khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu, bình ổn giá và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hiện những doanh nghiệp thường xuyên thực hiện bán hàng lưu động, bán hàng về nông thôn chủ yếu là doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp lương thực, doanh nghiệp may mặc…

Theo đánh giá của chúng tôi, qua nhiều năm liên tục thực hiện, việc đưa hàng này không chỉ giúp người tiêu dùng, nhất là người lao động được tiếp cận hàng hóa có chất lượng tốt với giá cả hợp lý mà còn giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối và quảng bá thương hiệu tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Mai Ca (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/long-an-hang-tet-da-san-sang-115140.html