Long An: Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến pháp luật

Trong thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được tỉnh Long An triển khai, thực hiện theo các nội dung và hình thức thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành, các luật, pháp lệnh, các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực ngành thuộc phạm vi quản lý; tuyên truyền cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông đường bộ, hỗ trợ khởi nghiệp, các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND các cấp ban hành; đặc biệt là Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt...

Các hình thức tuyên truyền chủ yếu là phổ biến pháp luật trực tiếp, tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp tài liệu pháp luật; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trên Internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải thông tin pháp luật trên Cổng, Trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bản tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư, sinh hoạt “Ngày Pháp luật” định kỳ... các cơ quan, đơn vị, địa phương để tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật mới.

Về công tác PBGDPL trong các cơ sở giáo dục quốc dân, tính đến tháng 8/2020, tỉnh đã thực hiện tuyên truyền PBGDPL cho các đối tượng trong ngành được 843 cuộc, với 33.173 người tham dự; phát hành 69.238 quyển tài liệu pháp luật; tài liệu hỏi đáp 4.475 quyền; tờ rơi 12.395 tờ; pano, áp phích là 1.355 bảng. Đặc biệt, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về các vấn đề bức xúc của xã hội như dạy thêm, học thêm; phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng…

Sở Tư pháp Long An cũng quan tâm tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong PBGDPL, điển hình là hiện nay, tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các huyện, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An đều thành lập Trang thông tin điện tử (trực thuộc Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh) nhằm phục vụ kịp thời đăng tải thông tin pháp luật, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do mình ban hành hoặc soạn thảo để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tra cứu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân. Công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Hội đồng phối hợp PBGDPL, đội ngũ làm công tác PBGDPL cũng được tỉnh chú trọng tăng cường, góp phần chuyển tải các chủ trương, chính sách, pháp luật đến với cán bộ và Nhân dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, công tác PBGDPL vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Vẫn còn một vài cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tácPBGDPL; các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác PBGDPL kết quả chưa cao; hình thức tuyên truyền, PBGDPL chưa đa dạng, phong phú …

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, Sở Tư pháp tỉnh Long An đã đề ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác PBGDPL theo tinh thần Kết luận số 80 – KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư; đẩy mạnh thực hiện các Đề án, Chương trình, Kế hoạch của Chính phủ, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh về tăng cường công tác PBGDPL giai đoạn 2015 – 2020.

Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức và phương pháp PBGDPL; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác PBGDPL; phát huy sức mạnh tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng; ưu tiên khung giờ thu hút đông đảo khán, thính giả đối với các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật. Chú trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động PBGDPL; kịp thời đôn đốc, chỉ đạo xử lý những vướng mắc phát sinh.

Bên cạnh đó, cần quan tâm tuyên truyền PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, trong đó, cần lựa chọn những nội dung pháp luật phù hợp, đơn giản, thiết thực liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân. Ở mỗi địa phương với mỗi điều kiện, hoàn cảnh và đối tượng đặc thù cần có hình thức PBGDPL phù hợp.

Thanh Trà

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/long-an-doi-moi-noi-dung-hinh-thuc-pho-bien-phap-luat-555970.html