Long An - Điểm sáng về thu hút đầu tư

Chiến lược đầu tư hạ tầng, nhiều chính sách hỗ trợ hợp lý cùng với việc khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh giúp Long An vươn lên thành 'điểm sáng' trong công tác thu hút đầu tư trong vùng, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài...

Long An trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. (Nguồn: UBND tirng Long An)

Long An trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. (Nguồn: UBND tirng Long An)

Nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh và có đường biên giới dài 133 km với Campuchia, tỉnh Long An là nút giao thông quan trọng trong việc giao thương hàng hóa và thu hút nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây.

Điểm đến hấp dẫn trên bản đồ đầu tư

Bằng nhiều chính sách hợp lý, cùng với chiến lược thu hút đầu tư và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng trong những năm qua đã giúp Long An trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Có thể thấy, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp của Long An đều tập trung ở những vị trí thuận lợi về đường bộ và đường thủy, phân bố hợp lý, trong đó việc tiếp giáp TP. Hồ Chí Minh là một trong những vị trí thuận lợi. Môi trường đầu tư của tỉnh luôn thông thoáng, hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư. Địa phương luôn quan tâm, tạo điều thuận lợi trong công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là việc thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các nhà đầu tư hoạt động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Mặc dù trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, gây khó khăn cho phát triển kinh tế -xã hội của địa phương, trong đó có hoạt động thu hút đầu tư nhưng tỉnh Long An là tỉnh có điểm sáng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài; trong năm 2021, Long An đã tiếp nhận mới 47 dự án FDI và vốn đăng ký 3.332,7 triệu USD, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành trên cả nước về thu hút đầu tư FDI (sau Thành phố Hải Phòng); tiếp tục phát huy kết quả quả đạt được năm 2021, trong 4 tháng đầu năm 2022, tỉnh Long An thu hút 21 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 226,8 triệu USD; đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.143 dự án, vốn 9.767,7 triệu USD; trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.624 triệu USD.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Long An đã thiết lập quan hệ hợp tác với 4 địa phương của các quốc gia trong khối ASEAN bao gồm tỉnh Khăm Muộn (Lào), 2 tỉnh Svay Riêng và Prey Veng (Campuchia) và tỉnh Trat (Thái Lan).

Trong số 4 địa phương trên, các hoạt động hợp tác, giao lưu như trao đổi đoàn, giao lưu văn hóa thể thao, xúc tiến thương mại, giao lưu kết nối tổ chức tour du lịch… chủ yếu diễn ra với 2 tỉnh giáp biên của Campuchia.

Trong năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp; tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến (chế biến sâu sản phẩm nông thủy sản như đóng hộp, nước ép, sấy), công nghiệp năng lượng; thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025, trong đó chú trọng thu hút đầu tư, nhất là các Tập đoàn Quốc tế, có sản phẩm thương hiệu mạnh để tạo điều kiện thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hình thành chuỗi sản xuất cung ứng ổn định bền vững. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, sớm đưa thêm các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động nhằm tăng quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.

Tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ logistics, tạo động lực phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế; củng cố và phát huy vai trò các kênh phân phối truyền thống, phục vụ sinh hoạt của dân cư; thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; hỗ trợ Cảng Quốc tế Long An hoạt động hiệu quả.

Tỉnh Long An hướng tới thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo chuyển biến rõ nét; thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, năm 2022 phấn đấu ở nhóm “Tốt” đến “Rất tốt; vận hành tốt Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, khắc phục tình trạng quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính.

Phấn đấu xây dựng hình ảnh tỉnh Long An là một tỉnh có môi trường đầu tư tiềm năng, thân thiện, bình đẳng trong mắt các nhà đầu tư. Cải thiện hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư bảo đảm có hiệu quả; tổ chức tiếp xúc với các tập đoàn kinh tế mạnh trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế để tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư, quan tâm thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng đất hiệu quả. Duy trì tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo định kỳ, liên hệ chặt chẽ Hội, Hiệp hội doanh nghiệp các nước và vùng lãnh thổ để kịp thời nắm bắt và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Công bố, công khai các quy hoạch, các dự án đầu tư lớn để doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân nắm thông tin.

Đánh thức tiềm năng du lịch

Long An là địa phương có tài nguyên du lịch khá đa dạng và phong phú (cảnh quan, khí hậu, sinh thái, sông, di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, nghề truyền thống...), trong đó có nhiều tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt, tiêu biểu là cảnh quan và đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười, cảnh quan sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây).

Trong quy hoạch phát triển du lịch của Việt Nam, Long An được xác định là một trong những địa điểm du lịch sinh thái quan trọng của vùng du lịch phía Nam. Không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng hai con sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông mang phù sa bồi đắp cho những vườn trái cây trĩu quả quanh năm, Long An còn có những cánh đồng lúa bạt ngàn, hệ sinh thái động thực vật đa dạng với nhiều nguồn tài nguyên như Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Lâm viên Thanh niên… Đây là các điểm du lịch, nghiên cứu hấp dẫn du khách khi kết nối các chương trình du lịch tới vùng Đồng Tháp Mười trong mùa nước lũ về.

Đặc biệt, đôi dòng Vàm Cỏ đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm, nhiều bài ca đi vào lòng người, với chế độ thủy triều hiền hòa, cảnh quang hai bên bờ sông xinh đẹp cùng với di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống nổi bật, thuận lợi để phát triển du lịch đường sông.

Bên cạnh đó, Long An còn là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị tâm linh như: Khu di tích lịch sử Cách mạng Long An (Đức Huệ), Khu di tích ngã tư Đức Hòa, Khu phế tích kiến trúc khảo cổ Bình Tả, Chùa Tôn Thạnh, Chùa Phước Lâm, Chùa nổi Cổ Sơn Tự, Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức, Nhà Trăm Cột...; các làng nghề như làng nghề nấu rượu Gò Đen (Bến Lức), nghề làm trống Bình An (Tân Trụ), nghề chạm gỗ ở huyện Cần Đước và Bến Lức, nghề kim hoàn Phước Vân (Cần Đước)... Đây là lợi thế quan trọng tạo nên tiền đề cho việc hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần đẩy mạnh sự phát triển du lịch Long An trong những năm tới.

Đoàn du khách tham quan nhà Trăm Cột tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, Long An.

Ngoài giao thông đường bộ, giao thông đường thủy cũng là thế mạnh của Long An. Từ thành phố Tân An, theo sông Vàm Cỏ Tây du khách sẽ đến các điểm du lịch như: Làng nổi Tân Lập, Cổ Sơn Tự (chùa Nổi),...; và từ thị trấn Bến Lức du khách sẽ xuôi ngược sông Vàm Cỏ Đông đến một số địa danh nổi tiếng như: Vàm Nhựt Tảo, Miễu ông Bần Quỳ..., du khách có thể tiếp cận nhiều điểm du lịch bằng đường thủy.

Với vị trí gần sân bay Tân Sơn Nhất và có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, Long An cũng sẽ có cơ hội trực tiếp đón khách du lịch quốc tế qua cửa khẩu hàng không quốc tế quan trọng nhất khu vực phía Nam này cũng như lượng khách đến Việt Nam qua cửa khẩu đường bộ với Campuchia. Đây là một lợi thế quan trọng trong hoạt động phát triển du lịch của Long An.

Thời gian qua, tỉnh Long An cũng đã quan tâm đầu tư, tôn tạo các khu/điểm du lịch và đưa vào khai thác để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, có cơ chế chính sách nhằm thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư tham gia hoạt động kinh doanh du lịch.

Bên cạnh việc ban hành những chủ trương, chính sách chắp cánh cho ngành du lịch phát triển, Long An đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch như: Thường xuyên cập nhật trên Trang thông tin điện tử về du lịch, Bản đồ Số tuyến, điểm du lịch Long An; Cổng thông tin và Ứng dụng di động du lịch thông minh tỉnh Long An; tham gia ký kết về hợp tác liên kết du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; liên kết Trang thông tin điện tử giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh; phối hợp với các kênh truyền thông trong và ngoài tỉnh tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Long An; tham gia các lễ hội, hội chợ, sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh…. để thu hút khách du lịch cũng như thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào du lịch Long An.

Đặc biệt, tỉnh Long An là thành viên chính thức thứ 130 của tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á – Thái Bình Dương (TPO) vào ngày 26/02/2021, đây là cơ hội để địa phương hội nhập sâu rộng hơn với bạn bè du lịch quốc tế, nhất là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển năng động và sáng tạo nhất thế giới.

Tags:

Long An kinh tế Long An du lịch Long An thu hút đầu tư Long An

Nguyễn Anh Dũng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/long-an-diem-sang-ve-thu-hut-dau-tu-183573.html