Lợn giống Thái Lan ồ ạt về Việt Nam

Tính đến hết quý II, Việt Nam đã nhập 11.411 con lợn giống các loại, khoảng một nửa đến từ Thái Lan. Cơ quan chức năng cho rằng nhập lợn giống giúp tăng đàn trong thời gian ngắn.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 11.411 con lợn giống các loại (tăng 32,6 lần so với cùng kỳ 2019), trị giá gần 8,1 triệu USD (tăng 15,3 lần).

Lợn giống nhập khẩu từ Thái Lan là 5.774 con (chiếm 50,6%), Canada 3.784 con (chiếm 33,2%), Mỹ 1.808 con (chiếm 15,8%) và Đài Loan 45 con (chiếm 0,4%). Lợn nhập chủ yếu qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài.

Giá lợn giống nhập khẩu bình quân đạt 707 USD/con (khoảng 16 triệu đồng/con), giảm 52,9%. Có sự chênh lệch giá lợn giống nhập khẩu giữa các nguồn nhập, cụ thể, cao nhất là Đài Loan (4.420 USD/con), kế đến là Canada (1.036 USD/con), Mỹ (792 USD/con), Thái Lan (436 USD/con).

Như vậy, giá lợn giống nhập từ Thái Lan chỉ bằng 62% so với giá bình quân chung của các nguồn khác. Giá này cũng bằng 10% so với giá lợn giống nhập từ Đài Loan và bằng 42% so với nhập từ Canada. Nguyên nhân chủ yếu do sự khác biệt về phẩm cấp giống.

“Các doanh nghiệp nhập khẩu lợn giống bố mẹ, ông bà từ các nước khác trong khi nhập lợn nái lai F1 (Yorkshire X Landrace) từ Thái Lan”, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết.

Cũng theo Cục Chăn nuôi, việc nhập khẩu lượng lớn lợn nái lai F1 từ Thái Lan nhằm giải quyết nhanh bài toán tăng đàn trong thời gian ngắn. Với mặt bằng giá lợn hơi hiện nay, năng suất sinh sản của đàn nái nhập khẩu từ Thái Lan chỉ cần bằng 50% so với nái nhập từ các nước khác vẫn sinh lãi.

Tuy nhiên, thời gian khai thác từ đàn nái lai ngắn. Nếu mặt bằng thị trường lợn hơi ổn định sớm hơn dự kiến thì khả năng sinh lãi sẽ thấp, hiệu quả không cao.

Tính đến hết quý II, cả nước đã nhập khẩu 421.600 tấn sản phẩm thịt gia súc gia cầm, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 987 triệu USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu lợn thịt xuất chuồng trung bình mỗi quý năm 2018 (trước khi có dịch tả lợn châu Phi) là khoảng 920.000 tấn. Như vậy, đến cuối quý III, đầu quý IV sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu thịt lợn.

Tuấn Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lon-giong-thai-lan-o-at-ve-viet-nam-post1109125.html