Lời tri ân thầy giáo dạy học sinh bằng tấm gương, đạo đức

Với tác phẩm Người thầy trong tâm trí tôi, tác giả Phạm Thị Hường – giáo viên Trường THCS Phú Diễn (Hà Nội) đã đạt giải Ba cuộc thi 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu'.

Cô Hường cho biết, cô cũng như các giáo viên trong trường là bạn đọc thân thiết của Báo Giáo dục và Thời đại. Khi biết cuộc thi được tổ chức, các thầy cô đều rất hăng hái tham gia, vì tình cảm cho thầy cô bao giờ cũng là mạch cảm hứng vô tận.

Kể về tác phẩm của mình, cô Hường chia sẻ: Tác phẩm là mạch cảm xúc kể về thầy giáo của cô từ những năm học phổ thông ở Hưng Yên, thầy là Vũ Văn Sáu. Giờ đây, thầy đã đi xa, nhưng hình ảnh của thầy và những câu chuyện được dân làng kể lại vẫn vẹn nguyên trong kí ức…

Thầy dạy đã dạy học sinh bằng tất cả sự tận tâm tận lực của mình. Dáng thầy lom khom, bước chân tập tễnh trên bục giảng trong mỗi buổi học. Đôi bàn tay không còn lành lặn mà tỉ mỉ, kiên nhẫn uốn nắn từng nét chữ đầu tiên còn run rẩy, nghuệch ngoạc của trò.

Thầy đã dạy học sinh bằng chính tấm gương đạo đức của mình. Đó là sự tận tụy với từng học sinh, tình yêu thương quan tâm giúp đỡ mọi người, đức hi sinh và lòng vị tha. Thầy đã cưu mang những trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nấu cơm cho ăn và dạy bảo hằng ngày. Ai cần giúp đỡ, thầy đều nhiệt tình bằng tất cả khả năng và điều kiện của mình.

Tác phẩm dự thi

Tác phẩm dự thi

Lên lớp, bao giờ thầy cũng chỉnh tề với những bộ quần áo phẳng phiu, sạch sẽ. Sức khỏe giảm sút, luôn đau ốm nhưng tư thế, tác phong của thầy vẫn khoan thai chững chạc; giảng bài vẫn say sưa, nhiệt huyết. Khi trái gió trở trời, thầy phải nín nhịn cả những cơn ho như xé phổi để không làm ảnh hưởng đến bài học.

Thầy muốn thật hoàn hảo trong mắt học trò từ những cái nhỏ nhất. Thầy là một tấm gương cho học sinh noi theo, đồng nghiệp nể phục, phụ huynh tin tưởng, kính trọng. Không cần phải nặng lời, chỉ bằng tình yêu thương, sự thấu hiểu, thầy đã cảm hóa được cả những trò ngang bướng nhất.

Cô Hường chia sẻ: Đã mấy chục năm qua đi, hình ảnh thầy luôn hiển hiện trong tâm trí tôi. Đó là một ông giáo già có vẻ mặt nghiêm nghị, khắc khổ. Người gầy yếu, tập tễnh từng bước khó nhọc, suốt đời đi bộ trên con đường làng để dạy chữ, dạy làm người cho bao thế hệ.

Tác giả Phạm Thị Hường

Suốt cả cuộc đời, thầy Vũ Văn Sáu không có một mái ấm riêng cho mình. Thầy không lập gia đình, không có vợ con mà dành trọn sức lực, tâm huyết của mình cho sự nghiệp trồng người. Cả đời làm thầy thanh cao, không có một tài sản vật chất gì đáng giá, chỉ có nhân cách đáng nể trọng.

Bao nhiêu năm gắn bó với ngôi trường quê nghèo, thầy đã dạy nhiều lớp học trò trở thành người tử tế, sống nhân hậu, nghĩa tình. Thầy đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, xứng đáng với lời khen của Bác Hồ lúc sinh thời: “Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng Huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/loi-tri-an-thay-giao-day-hoc-sinh-bang-tam-guong-dao-duc-UhB5zQ1Mg.html